| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp 'bắt tay' nhà khoa học, tối đa hóa lợi thế và tiềm năng

Thứ Tư 31/01/2018 , 07:01 (GMT+7)

Ngày 30/1, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, Cty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) và Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI) đã có cuộc bàn thảo nhằm xúc tiến cho xu hướng liên kết đối với ngành rau quả ngay trong thời gian tới.

13-49-22_img_0641
Sự hợp tác bước đầu giữa FAVRI và Vinaseed hi vọng sẽ mang tới sinh khí mới cho nghiên cứu khoa học của ngành rau quả

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, những năm gần đây, ngành rau quả đã có sự bứt tốc vô cùng mạnh mẽ, đặc biệt năm 2017 kim ngạch XK đã cán mốc trên 3,5 tỉ USD, tăng tới trên 40% so với năm 2016 và dự báo sẽ tiếp tục giữ đà tăng trưởng rất mạnh trong những năm tới. Mặc dù vậy, ngành rau quả Việt Nam nói chung, đặc biệt về SX rau các loại lại đang tồn tại những bất cập lớn, khi mà nguồn giống rau chất lượng cao đang phải NK phần lớn. Trước tình hình này, việc chủ động nguồn giống rau chất lượng cao phục vụ SX trong nước, hướng tới XK đang là yêu cầu bức thiết.

Hiện nay, chỉ tính riêng giống rau, Việt Nam đang phải NK với trị giá hàng chục triệu USD/năm, nhất là các giống rau chất lượng cao, hạt giống rau F1. Ở trong nước, việc nghiên cứu, SX hạt giống rau cũng được nhiều đơn vị thực hiện, trong đó FAVRI vẫn đang là đơn vị nòng cốt nhất. Tuy nhiên, đa số các giống rau SX trong nước mới chỉ là các giống rau nhiệt đới, họ bầu bí, nhìn chung còn rất nghèo nàn về chủng loại, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các giống rau ôn đới có chất lượng của Việt Nam còn rất hạn chế...

Trong khi đó, thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, FAVRI cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. “FAVRI có đội ngũ các nhà khoa học trình độ cao về ngành rau quả với 22 tiến sĩ, hàng trăm thạc sỹ và kỹ sư. Nhiều giống rau quả có giá trị SX cao cũng đã được nghiên cứu thành công. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng như quỹ đất phục vụ cho nghiên cứu của Viện cũng đã và đang được đầu tư khá bài bản... Tuy nhiên, hạn chế và khó khăn nhất vẫn là về nguồn tài chính phục vụ đầu tư nghiên cứu và khả năng chuyển giao – phát triển sản phẩm nghiên cứu ra thị trường đối với các giống rau quả của Viện” – TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng FAVRI cho biết.

Theo lãnh đạo Vinaseed, DN này đang đặt chiến lược tới năm 2020, sẽ đầu tư rất lớn vào ngành rau quả, đặc biệt là tại các tỉnh phía Bắc để hướng tới XK. Trước thực trạng còn hạn chế trong nghiên cứu về ngành rau quả, đặc biệt là nghiên cứu SX hạt giống rau F1, Vinaseed cũng đang xúc tiến thành lập một viện nghiên cứu riêng. Tuy nhiên, hạn chế của Vinaseed nói riêng cũng như các DN nói chung, đó là vẫn thiếu đội ngũ nhà khoa học và cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu dài hơi cho ngành rau quả.

“Điểm mạnh của DN chúng tôi đó là có nguồn lực về tài chính, có kinh nghiệm về thị trường. Tuy nhiên về nghiên cứu khoa học thì để xây dựng được một viện nghiên cứu bài bản về rau quả sẽ cần một thời gian rất dài. Vì vậy, mô hình hợp tác đầu tư – chuyển giao giữa DN và đơn vị khoa học sẽ là cách làm có lợi, đáp ứng được cả hai bên” – bà Trần Kim Liên, Tổng GĐ Vinaseed đánh giá. Cũng theo bà Liên, nếu hợp tác giữa FAVRI và Vinaseed đi vào triển khai, hai bên sẽ cùng nhau đẩy mạnh việc hợp tác đầu tư nghiên cứu, tập trung chủ chốt vào nhóm giống rau F1 ôn đới có chất lượng cao như ớt, cà chua, dưa hấu, dưa chuột... nhằm từng bước chủ động nguồn giống trong nước.

13-49-22_dsc_0094
Ảnh: Quỳnh Trang

Đánh giá cao ý tưởng về mô hình hợp tác đầu tư từ nghiên cứu tới chuyển giao giữa FAVRI và Vinaseed, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Hiện nay, cùng với cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, đây là cơ hội để các viện nghiên cứu tranh thủ nguồn lực đầu tư, hợp tác với đầu tư tư nhân để phát huy lợi thế của đội ngũ khoa học và hạ tầng nghiên cứu. Bộ NN-PTNT cũng đang triển khai cơ chế này tại các đơn vị thuộc Bộ gồm các trường ĐH, viện nghiên cứu.

Bộ NN-PTNT sẽ giao Viện KHNN Việt Nam là đầu mối, tổng hợp lại các cơ chế chính sách để triển khai thành các đề án hợp tác giữa các viện trực thuộc Bộ NN-PTNT với các DN lớn trong ngành, trước mắt lấy hợp tác giữa FAVRI với Vinaseed làm mô hình điểm để đánh giá tổng kết. Trên cơ sở các mô hình hợp tác công – tư này, Bộ NN-PTNT sẽ có những ưu tiên, hỗ trợ thuận lợi nhất về nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu khoa học về giống cây trồng cho ngành rau quả trong thời gian tới.

Những năm gần đây, các đơn vị khoa học trong ngành nông nghiệp cũng đã có những hợp tác với các DN trong ngành nông nghiệp, tuy nhiên, sự hợp tác mới chỉ chủ yếu là DN mua lại bản quyền giống từ các đơn vị nghiên cứu (phổ biến nhất vẫn là chuyển giao bản quyền giống ngô, giống lúa và gần đây là một số giống rau) mà chưa có những hợp tác đầu tư ngay từ đầu.

Vì vậy, sự “bắt tay” bước đầu giữa Vinaseed và FAVRI đang được kỳ vọng sẽ tạo nên một khí thế mới, làm tiền đề cho sự hợp tác giữa các đơn vị khoa học khác trong Bộ NN-PTNT theo mô hình hợp tác công – tư nhằm phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng giữa các bên trong nghiên cứu khoa học.

 

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.