| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp đồng hành phòng, chống buôn bán động vật hoang dã

Thứ Năm 25/05/2023 , 09:21 (GMT+7)

Đắk Lắk Các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật thông qua việc thực thi trách nhiệm xã hội.

Ngày 24/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại TP.HCM (VCCI-HCM) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk và Dự án Bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp (STW) - WWF Việt Nam tổ chức tọa đàm “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật”.

Tại buổi tọa đàm, ban tổ chức đã giới thiệu dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp; giới thiệu công tác bảo tồn và nỗ lực chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật tại tỉnh Đắk Lắk; chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật; vai trò của VCCI và Hiệp hội/Hội doanh nghiệp, doanh nhân các tỉnh. Doanh nghiệp ký cam kết, hưởng ứng sáng kiến “Thành phố Buôn Ma Thuột nói không với buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã”.

Dự án bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, chủ dự án là Ban quản lý các Dự án lâm nghiệp ((MARD - Bộ NN-PTNT)  và đơn vị thực hiện là Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), nhằm tăng cường nhận thức cộng đồng doanh nghiệp về bảo tồn động vật hoang dã.

Các đại biểu tham quan triển lãm tranh ký họa bộ tranh các loài động vật hoang dã với chủ đề 'Giữ lại cho Tương lai - Save wildlife save our life'. Ảnh: Quang Yên.

Các đại biểu tham quan triển lãm tranh ký họa bộ tranh các loài động vật hoang dã với chủ đề “Giữ lại cho Tương lai - Save wildlife save our life”. Ảnh: Quang Yên.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Bùi Đăng Phong, Phó Giám đốc dự án Bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp (STW) - WWF Việt Nam cho biết, mục tiêu của dự án là hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao nhận thức, vai trò lãnh đạo, quản lý nhằm hỗ trợ việc thúc các hoạt động bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã. Tại các địa phương, Chi cục Kiểm lâm tỉnh hoặc Chi cục Kiểm lâm vùng sẽ là đầu mối để phối hợp triển khai các hoạt động, mô hình quản lý, xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức cho các bên liên quan.

Hoạt động truyền thông này nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã và giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trái pháp luật. Tọa đàm sẽ góp phần đạt được mục tiêu cụ thể của dự án là đến năm 2026 sẽ hỗ trợ được ít nhất 50 doanh nghiệp tư nhân hành nghề về kinh doanh, buôn bán, nhà hàng, gây nuôi động vật hoang dã có các quy định nội bộ cụ thể thực hiện đúng pháp luật bảo vệ động vật hoang dã và tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác hành vi buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã.

Phát biểu tại sự kiện, ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Trưởng ban Ban quản lý các Dự án lâm nghiệp cho biết, buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã không chỉ là cuộc khủng hoảng về môi trường, mà còn là sự gia tăng đáng báo động của loại hình tội phạm có tổ chức, gây lũng đoạn kinh tế... Ngoài ra, vấn nạn này còn làm ảnh hưởng đến quá trình tiến đến các mục tiêu phát triển bền vững mà các quốc gia đang theo đuổi.

Ý thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống vận chuyển, buôn bán các loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm, chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chiến lược đồng thời tăng cường thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn các hoạt động xâm hại đến động vật, thực vật hoang dã. Các cơ quan thực thi pháp luật cũng đã đẩy mạnh việc phối hợp, tăng cường phòng chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.

Ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Yên.

Ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Yên.

“Hiện vẫn còn nhiều thách thức trong bảo vệ động vật hoang dã, vấn đề này cần được xác định và đề cao hơn trong các chương trình nghị sự, chính sách quốc gia, cách tiếp cận này sẽ huy động được sự tham gia rộng rãi của cả các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để giải quyết tận gốc vấn đề buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã.

Trong đó, các doanh nghiệp khối tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật thông qua việc thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đề xuất cải thiện khung chính sách", ông Đỗ Quang Tùng khẳng định.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức đã giới thiệu triển lãm tranh ký họa bộ tranh các loài động vật hoang dã với chủ đề “Giữ lại cho Tương lai - Save wildlife save our life”. Chi Cục Kiểm lâm tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp tổ chức tham quan khu bảo tồn voi, Vườn Quốc gia Yók Đôn; Gala Dinner - Kết nối cộng đồng doanh nghiệp các tỉnh, thành và tham gia các chương trình, trò chơi liên quan đến bảo tồn động vật hoang dã.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.