Những ngày Tết thoáng vụt qua. Những cây mai nở muộn vẫn còn đong đầy những nụ hoa vàng rực và lộc non ngời lên, khắp nơi trên cả nước lại tưng bừng tổ chức các lễ hội, họp chợ. Đặc biệt, có những phiên chợ mua bán không theo cách thông thường khiến nhiều người tò mò, kinh ngạc.Trong số đó phải kể đến chợ lá Tây Ninh.
Theo người dân địa phương, phiên chợ này do một thầy thuốc nam từng sinh sống tại TX.Hòa Thành khởi xướng vào 10 năm trước. Từ đó, thành thông lệ, cứ đến rằm tháng Giêng âm lịch là người dân địa phương tổ chức họp chợ một lần. Địa điểm tổ chức rất linh hoạt, sau mỗi phiên chợ mọi người sẽ họp bàn để lựa chọn địa điểm tổ chức phiên tiếp theo có thể tại các khu chợ truyền thống, đền chùa hay trong khu dân cư. Điều đặc biệt, bất kể ai cũng đều được tham gia phiên chợ này mà không phân biệt người trong vùng hay du khách từ xa tới.
Theo đó, như bao phiên chợ khác, chợ lá bắt đầu hoạt động từ tờ mờ sáng, tấp nập kẻ bán người mua, nhìn thoáng qua có thể thấy được sắp xếp và buôn bán giống các chợ truyền thống lâu đời của người dân Nam Bộ.
Tại đây, muôn vàn gánh hàng với các loại đồ ăn khác nhau như chè, xôi, sữa đậu nành, trái cây… Các mặt hàng khi mang tới chợ bán sẽ không được định giá, thay vì trả tiền như bình thường thì người mua sẽ dùng lá để trả cho bên bán. Nếu khách muốn lấy mặt hàng gì chỉ cần đưa vài ba chiếc lá là xong. Sau đó, khách hàng sẽ nhận lại được 1 phần nhỏ các đồ ăn quen thuộc như cơm, nước, sữa đậu, bắp, xôi…
Chị Thu Trang ở xã Trường Hòa (TX.Hòa Thành) tham gia bán hàng ở phiên chợ lá này đã 5 năm. Chị Trang kể, chị đã phải chuẩn bị các món hàng từ tối hôm trước. Đến 4 giờ sáng thì chị thức dậy, đưa gian hàng bánh mì đến chợ lá.
Theo chị Trang, việc tham gia bán hàng ở chợ lá không phải để kiếm lời mà chỉ vì muốn đem chút niềm vui nhỏ đến với mọi người. “ Năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid- 19, phiên chợ phải tạm hoãn, năm nay được tổ chức lại người bán lẫn người mua ai cũng cảm thấy vui và háo hức", chị Trang chia sẻ.
Quy mô chợ lá tuy nhỏ, chỉ chừng 20 gian hàng nhưng khách đến chợ rất đông. Người đến chợ không chỉ là dân địa phương mà còn là du khách từ những tỉnh, thành khác. Trong chợ lá, người ta không khó để nhận ra những nụ cười tươi vui, niềm háo hức của trẻ con, sự mừng rỡ của người lớn. Vì mang ý nghĩa chia sẻ nên mỗi người chỉ được mua 1 ít để dành phần cho khách tới sau. Không quan trọng mặt hàng bán là gì, có giá trị đắt hay rẻ, mọi người cứ mua bán và gửi cho nhau những lời cảm ơn, chúc may mắn đầu năm mới.
Chị Nguyễn Thị Tâm (35 tuổi) khách tham quan du lịch đến từ tỉnh Bình Phước không giấu niềm vui khi tham gia phiên chợ lá cho biết. “Tôi nghe chợ lá đã lâu, nay mới được tham gia. Đến nay thật vui, cảm thấy những bộn bề, áp lực cuộc sống tiền nong như tan biến hết. Theo tôi, đây là nét văn hoá truyền thống cần được giữ gìn và tổ chức hàng năm vào dịp lễ tết, không chỉ tổ chức ở Hoà Thành, mà là những nơi khác nữa, để tạo môi trường sinh hoạt cộng đồng vui tươi, ấm cúng, hạnh phúc hơn trong cộng đồng người Việt Nam mình”.
Theo tìm hiểu chúng tôi, phiên chợ kì lạ này được tổ chức hằng năm để nhắn nhủ với mọi người rằng, trong cuộc sống tiền cũng chỉ là phù du như chiếc lá. Điều quan trọng nhất đó chính là chúng ta phải nuôi dưỡng được cái tâm thiện và gìn giữ nó trong suốt đời sống sau này.
Dù chỉ diễn ra sau khoảng một giờ đồng hồ, nhưng mặt bằng phiên chợ luôn sạch sẽ, gọn gàng, không vương vãi bụi rác như chưa từng có một buổi họp chợ nào.