| Hotline: 0983.970.780

'Báu vật' nghìn tuổi giữa đại ngàn Xuân Liên

Đôi chân trần giữ rừng di sản

Thứ Ba 06/10/2020 , 07:10 (GMT+7)

Nhìn bầu trời trong xanh, trưởng bản Lang Hồng Tuyên nói như ra lệnh: 'Luộc trứng nhanh để đi tuần rừng! Đi sớm, về sớm, nếu không, trời mưa phải qua đêm đấy'.

Trưởng bản Lang Hồng Tuyên kể về một lần bị rắn độc tấn công trên đường tuần tra rừng bản Vịn. Ảnh: Võ Dũng.

Trưởng bản Lang Hồng Tuyên kể về một lần bị rắn độc tấn công trên đường tuần tra rừng bản Vịn. Ảnh: Võ Dũng.

Nghe “lệnh” của Bí thư, kiêm Trưởng bản Vịn, 7 thành viên tổ bảo lâm, người luộc trứng, người rót nước vào chai, gói xôi vào lá dong, mang theo dao, mác để chuẩn bị tuần rừng. Đã thành lệ, cứ 2 - 3 ngày, tổ bảo lâm bản Vịn (xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) lại tổ chức đi tuần tra rừng.

Những cánh rừng già Huối Pà, Huối Cò, Thác Tiên... nằm e ấp dưới lớp sương mù che phủ, tưởng chừng chỉ cách trung tâm bản vài bước chân nhưng kỳ thực phải đi bộ đến chục km đường rừng, mất ngót một ngày cả đi lẫn về. Những hôm gặp mưa rừng, tổ bảo lâm phải ở lại trong rừng, tìm chỗ cao nhất của ngọn núi để lập lán tạm qua đêm, chịu cảnh muỗi rừng, vắt rừng xâu xé.

“Lịch trình đề ra tuần tra rừng theo định kỳ nhưng phải nhìn trời để đi. Đi rừng phải cập nhật tình hình thời tiết. Bữa nào trời mưa, các thành viên tổ bảo lâm phải ăn cơm rừng, ngủ trong rừng, sáng mai về. Trời miền thượng không như miền xuôi, mới nắng đó nhưng chuyển mưa nhanh không kịp trở tay”, Trưởng bản Lang Hồng Tuyên phả đẫy một hơi thuốc lào, tâm sự.

Ở bản Vịn, không ai thuộc rừng như Trưởng bản Lang Hồng Tuyên. Năm nay đã 65 tuổi nhưng trai tráng trong bản Vịn cũng không ai đi rừng khỏe như ông.

Trong các chuyến tuần rừng, Lang Hồng Tuyên luôn là người đi đầu. Trong khi mọi người dừng lại, thở không ra hơi thì ông vẫn cười nói vui vẻ, hai tay phát dọn những cây dại ngã ra giữa lối đi. Trai tráng trong bản nhìn vào người đàn ông này để làm gương, hễ đến lịch tuần tra rừng là từ sáng tinh mơ, không ai bảo ai, mọi người trong tổ bảo lâm đã có mặt tại nhà trưởng bản.

Cái sự nhiệt huyết ấy của Trưởng bản Lang Hồng Tuyên, ngoài sức khỏe trời cho của một người đã bước sang tuổi xưa nay hiếm thì còn phải kể đến tình yêu đến lạ kỳ của ông đối với núi rừng.

Năm 1989, lúc đó mới 34 tuổi, vừa lùa đàn bò về đến nhà, Lang Hồng Tuyên nghe dân bản Vịn kể, trên rừng Huối Pà, 3 cây sa mu dầu bị sét đánh gãy ngang thân, cành lá ngổn ngang, đổ rạp cả một khoảnh rừng lớn.

Đầu đội trời, đôi chân trần của chàng trai trẻ không chần chừ, vượt những lối đi chằng chịt cây rừng, đi mãi, vượt nhiều dốc cao dựng đứng để lên đỉnh Huối Pà.

Theo kế hoạch, cứ vài ba ngày, tổ bảo lâm bản Vịn lại tuần tra rừng. Ảnh: Võ Dũng.

Theo kế hoạch, cứ vài ba ngày, tổ bảo lâm bản Vịn lại tuần tra rừng. Ảnh: Võ Dũng.

Đôi chân Lang Hồng Tuyên không rớm máu nhưng đôi mắt ngân ngấn lệ. Từ lúc sinh ra, ông Tuyên đã có đôi bàn chân dị biệt, to ngoại cỡ nhưng lại ngắn khác thường khiến không dày dép nào chứa nổi. Kể từ lúc lọt lòng, Tuyên đã đi chân trần và vẫn giữ thói quen ấy đến tuổi lục tuần.

Đôi chân trần đã vượt qua biết bao cánh rừng, qua biết bao vách đá sắc lẹm nhưng vẫn bình an. Kể cả lúc cầm nỏ chạy theo con sóc, con chuột trong rừng sâu, đôi chân trần của Lang Hồng Tuyên vẫn thoăn thoắt như được bao bọc bởi một lớp da không bao giờ sợ xuyên thủng.

Dân bản Vịn bảo Lang Hồng Tuyên có bàn chân sắt, bởi chỉ có chân sắt mới không sợ dẫm lên đá nhọn, không sợ dẫm lên gai bụi trong rừng sâu.

Rừng Huối Pà nhiều loại gỗ quý hiếm nhưng có 5 cây sa mu dầu lớn, cao 30 - 40m. Lang Hồng Tuyên có thể kể chi tiết mỗi cây có bao nhiêu vết sẹo, bao nhiêu u sồi, rêu bám ở phía nào, ngọn hướng về đâu.

Nhưng sau cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên, 3 cây có đường kính trên dưới 3m đã bị gãy ngang thân, cháy khét lẹt. Sa mu có chứa tinh dầu, dù là cây tươi, khi gặp lửa thường rất dễ cháy, cả thân, cả lá và cành đều cháy đen. Chứng kiến ba "cụ" sa mu dầu ra đi, trong lòng Lang Hồng Tuyên buồn như vừa mất đi những người thân thích ruột thịt.

“Cũng không ai biết những cây sa mu, pơ mu ở núi rừng này bao nhiêu tuổi. Khi ta biết tìm đường lên rừng đào củ mài, củ sắn về ăn thì cây đã cao lớn lắm, 3 - 4 người ôm không xuể, rêu mọc đầy thân.

Những lúc đi rừng mệt quá, ta vẫn thường tìm đến mấy cây sa mu dầu này ngồi, đi quanh gốc để đếm từng vết sẹo, u sồi của cây. Lâu dần thành quen, "cụ" sa mu dầu giống như một người bạn tâm tình, như một người thân không nỡ rời xa. Cụ ra đi ta cũng thấy buồn như một sự mất mát quá lớn không có gì bù đắp nổi”, trưởng bản Lang Hồng Tuyên tâm sự.

Hai cây còn lại nằm chênh vênh bên mép núi, hiên ngang thách thức thời gian, thách thức cả sự hủy diệt đáng sợ của thiên nhiên.

Nhưng cũng từ đó, dường như năm nào bản Vịn cũng gặp các trận lũ, dù to hay nhỏ nhưng dân bản cũng bao phen hú vía. Dân bản Vịn lo sợ cho rằng lâu nay cây rừng bị khai thác, muông thú bị săn bắn nên thần núi giận dữ gây ra những trận cuồng phong bão tố.

Cây sa mu dầu đường kính 3,5m được xác định có tuổi đời trên 1 nghìn năm, 6 người trong tổ bảo lâm bản Vịn chỉ ôm nổi 1/2 gốc. Ảnh: Võ Dũng.

Cây sa mu dầu đường kính 3,5m được xác định có tuổi đời trên 1 nghìn năm, 6 người trong tổ bảo lâm bản Vịn chỉ ôm nổi 1/2 gốc. Ảnh: Võ Dũng.

Kể từ ngày chứng kiến cảnh 3 cây sa mu dầu bị sét đánh cháy ngang thân, chàng trai Lang Hồng Tuyên không nghĩ đến việc vào rừng săn bẵn, bẫy thú nữa. Nhiều người cả sợ cũng không còn dám vào rừng chặt cây, bẫy thú.

Chuyện bảo vệ sa mu dầu, pơ mu, táu, dổi, pù hương tại các cánh rừng Huối Pà, Huối Cò, Thác Tiên... của dân bản Vịn xuất phát từ đó.

Nhưng không phải tất cả người dân bản Vịn lúc bấy giờ đều đồng lòng bảo vệ rừng già. Cũng có người, vì làm nhà, thiếu gỗ vẫn lẻn vào rừng chặt gỗ; có người từ nơi khác lét lút mang cưa vào rừng. Nhưng khi tiếng cưa chưa vang lên, rìu búa chưa kịp đặt xuống thì dân bản đã báo cho Lang Hồng Tuyên. Chàng trai trẻ với đôi chân trần lại cùng trai tráng trong bản lội suối, băng rừng đi canh báu vật.

Xã Bát Mọt cách trung tâm thị trấn huyện Thường Xuân trên 60km. Chỉ cách đây chừng 10 năm, con đường từ trung tâm huyện đi Bát Mọt vẫn là đường đất nhỏ. Phương tiện duy nhất có thể đi đến Bát Mọt là xe đạp, sau này có thể đi bằng xe máy nhưng cũng ngót nửa ngày đường.

Từ trung tâm xã Bát Mọt, muốn đi vào đến bản Vịn phải đi bộ hơn nửa ngày đường, men theo những lối mòn nhỏ quanh các ngọn núi. Dân bản Vịn rỉ tai nhau, sở dĩ những cánh rừng sa mu, pơ mu, dổi... ở khắp các đại ngàn Huối Pà, Thác Tiên, Huối Cò... xanh tươi được đến hôm nay là nhờ công lớn của ông Tuyên và các trai tráng trong bản.

Tác giả tại quần thể sa mu dầu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Ảnh: HD.

Tác giả tại quần thể sa mu dầu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Ảnh: HD.

“Lúc đó, giao thông không thuận lợi như bây giờ. Từ bản vào đến rừng già phải đi bộ mất 6 - 7 giờ đồng hồ. Rừng bản Vịn lại nhiều gỗ quý nên rất nhiều người muốn vào khai thác. Nếu chỉ vừa nghe tiếng cưa vang lên, kiểm lâm, công an vào đến nơi thì có khi gỗ đã được xẻ thành tấm đưa ra khỏi rừng. Vì thế, ông Tuyên động viên dân bản giữ rừng; chỉ cần một người lạ đi vào rừng thì dân bản báo ngay cho ông Tuyên.

Ông Tuyên bảo, mỗi người dân bản đi rừng phải là một người giữ thì rừng già Xuân Liên mới còn. Rừng còn, muông thú còn; rừng còn thì sẽ không còn lũ ống, lũ quét, dân bản sẽ ấm no”, ông Lang Hồng Tĩnh, dân bản Vịn chia sẻ.

“Năm 1998, dân bản được giao khoanh nuôi bảo vệ trên 1,3 nghìn ha rừng và trên 1,2ha rừng trồng. Năm 2000, ta được bầu làm trưởng bản Vịn. Bản lúc ấy nghèo lắm, giao thông cách trở; gần như không làm gì ra tiền.

Lâm sản phụ khai thác trong rừng, vì giao thông khó khăn nên bán không ai mua. Sợ nhất là dân bản làm liều quay lại phá rừng. Nhưng dù khó khăn đến đâu, ta vẫn bàn với dân bản quyết giữ rừng già, rừng già là báu vật của bản Vịn. Giữ được rừng dân bản Vịn mới được bình yên”, Trưởng bản Lang Hồng Tuyên chia sẻ.

Hơn 10 năm trước, cánh rừng già của bản Vịn xảy ra 2 vụ chặt cây dổi. Đối tượng chưa kịp đưa gỗ ra khỏi rừng thì tổ bảo lâm bản Vịn nhận được tin báo. Sau nhiều lần tổ chức tố giác nhưng không tìm ra đối tượng, tổ bảo lâm bản Vịn đã tịch thu toàn bộ gỗ giao cho kiểm lâm.

Đó là hai vụ chặt cây rừng cuối cùng xảy ra ở rừng bản Vịn cho đến nay. Hơn chục năm nay, rừng bản Vịn vẫn bình yên, không một tiếng cưa vang lên giữa đại ngàn Xuân Liên.

Xem thêm
Siết chặt quản lý gây nuôi động vật rừng, hoang dã

Sóc Trăng Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng, hoang dã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật cho các hộ nuôi.

Thị trường tín chỉ carbon phát triển nhanh, cạnh tranh khốc liệt

Sự phát triển nhanh chóng của thị trường tín chỉ carbon ở các quốc gia mang đến thách thức đáng kể cho Việt Nam trong việc cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Dấu ấn kiểm lâm trong công cuộc bảo vệ rừng Việt Bắc

Điểm nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Thái Nguyên thời gian qua là xây dựng địa bàn không có điểm nóng về khai thác, kinh doanh lâm sản trái phép.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất