| Hotline: 0983.970.780

Đổi mới, chuyên nghiệp, hiện đại hoạt động khuyến nông

Thứ Sáu 24/03/2023 , 15:36 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Ngành nông nghiệp đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất sang tư duy kinh tế, do đó, hệ thống khuyến nông cũng phải chuyển mình để tiếp cận đa gia trị trong sản xuất.

Ngày 24/3, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị khuyến nông toàn quốc năm 2023.

5 định hướng trọng tâm hoạt động khuyến nông

Thực hiện kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ và Chương trình hành động triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đưa ra 5 định hướng hoạt động khuyến nông năm 2023 và những năm tiếp theo.

Empty

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại hội nghị khuyến nông toàn quốc năm 2023.  Ảnh: KS.

Một là nâng cao hiệu quả các dự án khuyến nông trung ương. Hai là đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ khuyến nông, huy động sự vào cuộc, tham gia triển khai và góp vốn đối ứng từ các doanh nghiệp, đối tác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững, lan tỏa của các dự án, mô hình khuyến nông.

Ba là đổi mới nội dung và phương pháp triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông, đào tạo huấn luyện khuyến nông theo hướng bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cây con chủ lực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số, công nghệ 4.0.

Bốn là, tiếp tục đề xuất củng cố phát triển hệ thống tổ chức, tăng cường năng lực cho khuyến nông các cấp, trọng tâm cấp trung ương và cấp cơ sở theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại để đáp ứng tốt nhu cầu nhiệm vụ.

Năm là chủ động và tích cực đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về khuyến nông. Mở rộng hợp tác, hợp tác công tư PPP, thực hiện xã hội hóa các nguồn lực tham gia hoạt động khuyến nông.

Khuyến nông hòa cùng dòng chảy của nông nghiệp đa giá trị

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, hiện ngành nông nghiệp đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất sang tư duy kinh tế. Do đó, hệ thống khuyến nông cũng phải chuyển mình để tiếp cận đến đa gia trị trong sản xuất nông nghiệp, hiệu quả và tăng trưởng xanh.

5

Hệ khuyến nông phải chuyển mình để tiếp cận đến đa gia trị trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: MH.

“Hoạt động khuyến nông không thể duy trì như truyền thống, mà sẽ phải chuyển đổi, đổi mới theo hướng tiếp cận hiện đại hơn, tiếp cận nông nghiệp gia tăng giá trị, hiệu quả sản xuất”, ông Lê Quốc Thanh nói và cho biết thêm, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt đề án khuyến nông cộng đồng và đã tác động tích cực đến toàn hệ thống khuyến nông.

Hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng hướng tới kết nối giữa cơ quan có công nghệ, cơ quan chuyển giao công nghệ đến với người sản xuất cũng như kết nối người sản xuất với thị trường thông qua các doanh nghiệp và tiếp cận vùng nguyên liệu, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Từ đó giúp nông dân sản xuất theo định hướng thị trường, theo đặt hàng thị trường và doanh nghiệp.

Theo ông Lê Quốc Thanh, hoạt động khuyến nông đổi mới theo hướng tiếp cận với nền nông nghiệp đa giá trị, tức là ngoài giá trị nông sản là chính, còn tích hợp cả kinh tế tuần hoàn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tích hợp cả làng nghề, sản phẩm OCOP, xây dựng nông thôn mới, tích hợp nông nghiệp với du lịch, định hướng cho nông dân trong sơ chế, chế biến, bảo quản, kết nối tiêu thụ...

Empty

Đông đảo đại biểu tham dự hội nghị khuyến nông toàn quốc năm 2023 tổ chức tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Nếu như trước đây, hoạt động khuyến nông chủ yếu là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đơn thuần thì bây giờ từ hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng, sẽ đưa nhiều lực lượng khác tham gia vào khuyến nông. Nghĩa là, không chỉ có lực lượng khuyến nông mới làm khuyến nông mà nhiều thành phần khác cũng có thể tham gia vào hoạt động khuyến nông như các nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX, thậm chí các tổ chức đoàn thể cũng có thể tham gia vào khuyến nông để tuyên truyền đường lối chính sách, các mô hình kinh tế giỏi.... Những nông dân có kinh nghiệm, có hiểu biết, có thông tin cũng có thể đóng vai trò hạt nhân, nòng cốt ở cơ sở trong việc tham gia vào các hoạt động khuyến nông.

Theo ông Lê Quốc Thanh, với đề án xây dựng khuyến nông cộng đồng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tăng cường thêm năng lực để khuyến nông trở thành chuyên nghiệp, từ đó giúp việc chuyên nghiệp hóa nông dân, tri thức hóa nông dân. Đồng thời, hoạt động khuyến nông sẽ phải tích hợp với khuyến nông số để tương tác với môi trường số, trở thành hạt nhân giúp chuyển đổi số trong môi trường nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bền vững.

Khuyến nông cộng đồng là chủ lực của ngành nông nghiệp - nông thôn ở cơ sở

Tại hội nghị, các đại biểu cũng như Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đều khẳng định, khuyến nông rất cần thiết, nhất là cho cơ sở trong thời gian đã qua cũng như hiện tại và tương lai khi đất nước vẫn còn làm nông nghiệp.

Gợi ý về định hướng hoạt động khuyến nông năm 2023 và chiến lược phát triển khuyến nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, phải xác định lực lượng khuyến nông cơ sở, khuyến nông cộng đồng là chủ lực của ngành nông nghiệp, nông thôn ở cơ sở.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: KS.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: KS.

Bởi lực lượng này nắm sát tình hình sản xuất nông nghiệp và đồng hành, định hướng và trực tiếp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Bên cạnh đó, lực lượng này còn hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước...

Thứ trưởng Trần Thanh Nam giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần định hướng xây dựng khuyến nông cộng đồng trên 5 lĩnh vực gồm: Chuyển giao KH-CN, kể cả công nghệ thông tin, công nghệ số cho nông dân; tổ chức tư vấn lại sản xuất; tư vấn dịch vụ cho nông dân; tư vấn công tác quản lý, sản xuất nông nghiệp và tư vấn về các chính sách.

Khuyến nông phải hướng đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút khuyến nông HTX, khuyến nông doanh nghiệp cùng tham gia. Trong đó, khuyến nông nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong công tác khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật nghiệp vụ cho nông dân, cũng như các cơ chế, chính sách cho nhà nước.

Đối với việc triển khai các mô hình, dự án, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nên tập trung phối hợp với các doanh nghiệp triển khai ở tầm vĩ mô, xây dựng vùng nguyên liệu lớn theo định hướng của Bộ NN-PTNT cũng như xây dựng các mô hình liên kết với các tỉnh. Các tỉnh có thể triển khai xây dựng các mô hình ở quy mô nhỏ để khai thác lợi thế, đặc sản địa phương.

Empty

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan gian hàng sầu riêng sấy của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, khuyến nông cũng phải định hướng loại hình sản xuất từng lĩnh vực, gắn với lợi thế từng địa phương cũng như chú trọng phát triển khuyến nông theo hướng đô thị. Bởi dù đô thị phát triển nhưng vẫn còn nông nghiệp trong đô thị. Song song đó, cần chú trọng xây dựng đội ngũ khuyến nông trong xây dựng nông thôn mới, khuyến nông điện tử...

Đặc biệt, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý cán bộ khuyến nông cần góp phần xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp và chuyển hóa nông dân. Do đó, cần tiếp tục chú trọng nâng cao trình độ của những người làm công tác khuyến nông. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phải quan tâm, mở các lớp đào tạo cho lực lượng khuyến nông cơ sở cũng như các địa phương cần quan tâm đưa vào kế hoạch đào tạo thường xuyên.

Đối với cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến nông ở cơ sở để họ có thu nhập ổn định, sống được bằng nghề tại cơ sở, quan điểm của Thứ trưởng Trần Thanh Nam là rất đồng tình và sẽ có nghiên cứu để làm tôn vinh những người làm khuyến nông cơ sở. Ngoài ra, trong chiến lược phát triển khuyến nông, cần lưu ý đẩy mạnh công tác hợp tác khuyến nông và giao lưu quốc tế. Hoạt động khuyến nông phải gắn với thị trường nông sản, xây dựng và làm chủ vùng nguyên liệu đạt chuẩn để cạnh tranh thị trường.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.