| Hotline: 0983.970.780

Đội tàu sát thủ đại dương: Nỗ lực ngăn chặn đồng bộ của quốc tế

Thứ Ba 19/10/2021 , 06:16 (GMT+7)

Trước số lượng áp đảo của đội tàu Trung Quốc, các nước trên thế giới đã có nhiều biện pháp khác nhau để ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản thiếu bền vững.

Màn hình điều khiển trên tàu nghiên cứu Ocean Warrior. Ảnh: AP.

Màn hình điều khiển trên tàu nghiên cứu Ocean Warrior. Ảnh: AP.

Những đội tàu đánh cá đại dương của Trung Quốc ra đời vào thập niên 1980, như một phản ứng đối với tình trạng cạn kiệt nguồn cá trong nước và nhu cầu nuôi sống dân số tăng nhanh. Ngành này nhanh chóng phát triển thịnh vượng, đồng thời kéo theo sự chú ý của nhiều công ty thủy sản ở Mỹ. Họ lo ngại, sự bành trướng của Trung Quốc không chỉ ở vùng biển Nam Mỹ mà còn ở các khu vực khác như châu Phi, Đông Nam Á.

Vào đầu năm nay, một nhóm gồm 16 nhà nhập khẩu và sản xuất đã cùng nhau đưa ra một chiến lược chung để giải quyết tận gốc tình trạng vi phạm khai thác hải sản trên thế giới, chủ yếu tập trung vào Trung Quốc.

Alfonso Miranda, Giám đốc điều hành CALAMASUR , một nhóm bao gồm các đại diện ngành mực từ Mexico, Chile, Peru và Ecuador nhận xét về tình trạng đánh bắt tại quần đảo Galapagos: “Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn trong khu vực bóng tối này, thậm chí lao động cưỡng bức. Không ai nói gì, và bạn vẫn có thị trường cho sản phẩm của mình".

Để xử lý, nhóm của Miranda đề ra giải pháp triển khai công nghệ, như dữ liệu theo dõi AIS được công bố công khai, cho phép người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc hải sản tới tận con tàu - chủ sở hữu, lịch sử đánh bắt và vị trí chính xác - đã đánh bắt. “Từ khóa là truy xuất nguồn gốc. Khi người tiêu dùng nhấn mạnh vào việc truy xuất nguồn gốc, thị trường sẽ buộc phải đáp ứng”, Đại sứ Jean Manes, đại diện Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở Miami cho biết.

Sức ép từ Trung Quốc buộc nhiều nước có biện pháp phòng vệ chủ động. Pháp, nước có nhiều đảo trải dài ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, đã tăng cường quan hệ quốc phòng với Australia và Ấn Độ, nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.

“Để đối phó với logic ăn trộm mà tất cả chúng ta đều là nạn nhân, tôi muốn thúc đẩy hợp tác hàng hải ở Nam Thái Bình Dương. Chúng ta sẽ mở một mạng lưới tuần duyên cho Nam Thái Bình Dương, xoay quanh ba mục tiêu chính: chia sẻ thông tin, hợp tác hoạt động và đào tạo”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với Reuters hồi tháng 7/2021, sau cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Australia.

Một tàu cá cắm cờ Trung Quốc ngoài khơi bờ biển phía tây Nam Mỹ. Ảnh: AP.

Một tàu cá cắm cờ Trung Quốc ngoài khơi bờ biển phía tây Nam Mỹ. Ảnh: AP.

Trước sức ép từ cộng đồng thế giới, Trung Quốc đã áp dụng các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các công ty bị bắt quả tang vi phạm các quy tắc, bao gồm cả việc điều khiển thiết bị thu phát của họ, theo hãng tin AP. Họ cũng tăng cường các yêu cầu báo cáo đối với việc chuyển tải trên biển cả, cấm các tàu nằm trong danh sách đen vào các cảng Trung Quốc và ra lệnh cấm đánh bắt mực trái vụ ở vùng biển khơi gần Argentina và Ecuador.

Hồi giữa năm 2020, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm câu mực kéo dài 3 tháng trên vùng biển Nam Mỹ với lý do "thúc đẩy phát triển bền vững nghề cá ở vùng biển mở". Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh áp lệnh cấm đánh bắt hải sản tại vùng biển quốc tế. Theo đó, mọi tàu cá Trung Quốc sẽ bị cấm câu mực trong khu vực ngoài khơi Argentina từ tháng 7 đến hết tháng 9/2020 và từ tháng 9 đến hết tháng 11/2020 ngoài khơi Chile.

Bất chấp những cam kết này, quy mô tuyệt đối của hạm đội Trung Quốc và sự xuất hiện tại Nam Mỹ vẫn làm dấy lên lo ngại về nguy cơ cạn kiệt nguồn dự trữ hàng hải. Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ còn cho rằng, đánh bắt bất hợp pháp đã thay thế cướp biển trở thành mối đe dọa an ninh hàng hải hàng đầu của họ.

Không ai biết chắc về sản lượng đánh bắt cá trên biển của Trung Quốc. Vì thế, nhóm chỉ trích yêu cầu nước này siết chặt việc đăng ký các tàu có liên quan đến đánh bắt và lạm dụng trái phép. Một trường hợp điển hình là tàu Hua Li 8, được Trung Quốc bật đèn xanh để đánh cá ở nam Thái Bình Dương hồi 2018, hai năm sau khi nó trở thành mục tiêu của một cuộc truy lùng quốc tế khi chạy trốn các phát súng cảnh cáo của hải quân Argentina. Nhưng một năm sau, tàu này lại bị bắt gặp đánh cá dọc theo rìa vùng đặc quyền kinh tế của Peru. 

Ngoài quản lý đội tàu, các quốc gia trên thế giới đề nghị Trung Quốc cấm việc trung chuyển trên biển, đồng thời đề nghị tạo vùng đệm để các quốc gia ven biển tự động được cảnh báo bất cứ khi nào có tàu nước ngoài đến trong phạm vi 12 hải lý trong lãnh hải.

Trong lúc chờ sự giám sát chặt chẽ hơn, tàu nghiên cứu Ocean Warrior cùng các công tác tuần tra trên biển giống như một biện pháp tạm thời. Dù bị bao quanh bởi hàng chục tàu Trung Quốc, thủy thủ đoàn gần như không sợ bị trả thù.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.