UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt gắn với truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, chỉ tiêu đến năm 2025 sẽ thiết lập và cấp mã số vùng trồng đạt 100% diện tích vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số. Trong đó, lúa là 162.267ha, cây ăn trái 31.235ha và rau màu 4.660ha. Cấp mã số cơ sở đóng gói nông sản cho 100% cơ sở có nhu cầu.
Về áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo nguyên tắc truy xuất một bước trước, một bước sau để bảo đảm khả năng nhận diện. Đồng thời có thể truy tìm một đơn vị sản phẩm tại các công đoạn xác định của quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Một trong những nhiệm vụ được kế hoạch đề ra đó là triển khai, nhân rộng các mô hình về tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, nồng độ và đúng phương pháp). Từ những cách làm đó, sẽ giúp tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, xây dựng các mô hình xanh, tuần hoàn, tận dụng các phế phẩm trong nông nghiệp làm phân hữu cơ cung cấp lại cho cây trồng.
Bên cạnh đó, phối hợp với các viện, trường, tổ chức chứng nhận để đào tạo tư vấn viên của tổ chức chứng nhận VietGAP cho cán bộ chuyên môn trên địa bàn tỉnh. Nâng cấp chức năng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện, năng lực tư vấn, kiểm tra, đánh giá và được chỉ định là tổ chức chứng nhận VietGAP.