| Hotline: 0983.970.780

Đột nhập vào bãi vàng thổ phỉ Văn Bàn: Tan hoang rừng xanh

Thứ Ba 26/05/2009 , 10:40 (GMT+7)

Xã Minh Lương nằm ở trung tâm khu vực khai thác vàng thổ phỉ của huyện Văn Bàn (Lào Cai), mấy năm nay trở nên náo nhiệt bởi mỗi ngày có hàng trăm người từ khắp nơi đổ về đây tìm vàng...

Xã Minh Lương nằm ở trung tâm khu vực khai thác vàng thổ phỉ của huyện Văn Bàn (Lào Cai), mấy năm nay trở nên náo nhiệt bởi mỗi ngày có hàng trăm người từ khắp nơi đổ về đây tìm vàng. Những khu rừng đại ngàn, chỉ mấy năm đã bị nạn khai thác vàng thổ phỉ băm nát, môi trường sống bị huỷ hoại bởi nước thải từ các bể lọc vàng và các chất xyanua và thuỷ ngân…

Dòng người tìm kiếm vàng biết tới Minh Lương và ồ ạt đổ về đây từ năm 2002. Theo mọi người kể lại, khoảng cuối năm 2000, một nhóm người từ Thái Nguyên sang, họ ngủ trọ trong các nhà dân, ban ngày họ lên rừng thử các mẫu đất đá rồi nghe họ nói đất Minh Lương có vàng. Đầu năm 2001, họ lên khu Rừng Xanh giáp với xã Nặm Xây, không giống như đãi vàng sa khoáng, họ đục những đường hầm dài hàng chục mét vào trong lòng núi tìm các vỉa đá có chứa vàng, sau đó đưa vào máy nghiền đá nhỏ ra rồi dùng thuỷ ngân lọc lấy vàng.

Tin đồn vàng ở Minh Lương tốt, có tỷ lệ trong đất đá cao, thế là dân tứ xứ từ: Thái Bình, Hải Dương, Thái Nguyên, Lai Châu… ùn ùn kéo đến cả ngàn người. Núi ở đây như ụ mối khổng lồ bởi hàng trăm con người khoét hàng ngàn chiếc hầm chui sâu vào thân núi, đất đá từ các hầm đùn ra khiến mặt núi mỗi ngày thêm lở loét. Sau đó ít lâu, được biết tỉnh Lào Cai giao mỏ vàng khu vực núi Pu Trang cho Cty khoáng sản III, nay là Cty cổ phần Vàng Lào Cai tổ chức quản lý, khai thác trên diện tích 127 ha đất vùng lõi và 518 ha đất vùng đệm. Với hơn 30 bảo vệ và chó béc- giê dữ tợn đã đuổi được lũ “vàng tặc” ra khỏi lãnh địa của Cty.

Thế nhưng, Văn Bàn đâu chỉ có một bãi vàng, những bãi vàng Đán Lặc, Huổi Co Chai, Huổi Pé, Huổi Mạ, Rừng Vầu, Rừng Xanh, Cột Cờ, Sà Phìn… phần kéo dài của những vỉa quặng chứa vàng từ núi Pu Trang sang tận xã Nậm Xé, nằm sâu trong lòng đất dưới những tán rừng già nguyên thuỷ, quanh năm ẩn khuất trong mây mù. Nơi nào có vàng thì có mặt “vàng tặc”, những hầm lò khai thác vàng thổ phỉ mọc lên, bất kể đó là nơi nào.

Nhờ một người địa phương dẫn đường, sau hơn hai giờ leo núi, chúng tôi có mặt ở bãi vàng Rừng Vàu. Lều lán của dân đào vàng lợp bằng những tấm bạt dựng nhan nhản khắp triền núi. Người dân gọi đây là bãi vàng Rừng Vàu, bởi trước khi dân đào vàng chưa lên đây, nơi này vàu mọc ken dày, xanh đen. Khi dân đào vàng đổ bộ lên, rừng vàu bị phá tan hoang để làm lều lán, dùng cây chống lò, bắc thang… Không chỉ chặt vàu, những cây gỗ cũng bị đốn hạ để phục vụ cho việc đào vàng. Còn đó nhiều cây gỗ lớn cỡ vòng tay người ôm đổ ngổn ngang, nằm khắp nơi trong rừng và quanh lán trại, nhiều cây vỏ còn tươi nguyên, những vết xẻ bằng cưa xăng nhựa vẫn chưa khô.

Không thể tin đây là bãi khai thác vàng thổ phỉ, bởi hàng chục hầm lò khoét vào trong núi đất đá đùn ra rào rào, tiếng máy nghiền, máy khoan chạy rầm rầm, tiếng búa đập đá của những người mót quặng chát chúa bụi bay mù mịt giống như một công trường sôi động và náo nhiệt. Một công trường khai thác vàng công khai mở giữa chốn rừng xanh của nhiều “bưởng” vàng từ khắp nơi tụ hội về đây. Theo những cửu vạn, có nhiều “bưởng” vàng ở các tỉnh: Thái Nguyên, Lào Cai, Nam Định, Bắc Kạn..., xã Minh Lương cũng có vài “bưởng”. Khi bước chân lên tới đây, mới thấy đây là lãnh địa riêng của giới “vàng tặc”.

Mỗi “bưởng” khoanh vùng một khu vực, cửu vạn được thuê đào những hầm ngầm sâu vào lòng núi, chiều cao khoảng 1,8m, rộng từ 70-80cm, khi nào gặp vỉa quặng chứa vàng thì cứ theo các vỉa quặng đó mà đào. Có những hầm, miệng thì nhỏ nhưng bên trong rộng bằng cả ngôi nhà, với rất nhiều ngóc ngách, chạy ngoằn ngoèo ngang dọc, lên xuống chả khác gì hang của loài chuột dúi. Hầm nào cũng sâu thăm thẳm, có hầm chạy sâu vào khoảng 50m, rồi chạy sâu xuống từ 130-150m.

Chủ các hầm vàng đó phải dùng máy nổ thổi khí vào phía trong cung cấp oxy cho người đào vàng, họ cắm những ngọn nến trên vách hầm, nhìn vào trong hầm chỉ thấy lờ mờ, những người đào vàng hai mắt trắng dã trên gương mặt nhem nhuốc, vàng ệch vì mồ hôi quện với đất. Tất cả đều câm lặng, họ lặng lẽ kéo chuyên nhau từng gầu đất từ phía trong đùn ra. Nếu là quặng chứa vàng thì được đóng vào các bao tải, một số người ở bên ngoài gùi những tải quặng đó về khu vực máy nghiền.

Dòng Nậm Chăn, tiếng Thái nghĩa là dòng suối đẹp - bắt nguồn từ cánh rừng đại ngàn trên đỉnh đèo Khau Co, trước đây nước trong xanh bốn mùa, từ khi bùng phát nạn đào đãi vàng ở Minh Lương thì dòng suối lúc nào cũng đục ngầu, cá tôm và các loại thuỷ sinh đều không thể sống nổi.

Người ta không dám lấy nước từ suối Nậm Chăn vào ao cá, họ cũng không cho trâu bò xuống suối tắm, có con uống phải nước nhiễm thuỷ ngân bụng chướng phình lên, sau một thời gian bỏ cỏ rồi chết. Người nào có việc phải lội qua suối, chân ngập nước tới đâu thì bị lở loét tới đó. Dòng suối Chăn bị “vàng tặc” biến thành dòng suối tai ương, dòng suối chết.

Ở bãi vàng khu vực Rừng Vàu, tôi đếm sơ sơ được hơn chục máy nghiền quặng. Đủ loại nhãn hiệu: Madein Chiana, cơ khí Lý Dũng… nặng cả tấn được chủ lò tháo rời thuê cửu vạn khiêng lên núi. Quặng được nghiền nhỏ rồi ngâm ủ trong các bồn nước lót bằng vải bạt. Tại đây, hai loại hoá chất là xyanua và thuỷ ngân được dùng để phân kim, tách vàng từ bùn quặng sau khi đã ngâm ủ nhiều ngày trong nước. Vàng được thu gom còn bùn và nước thải đổ ra môi trường, những dòng nước thải từ các bể lắng vàng chảy xuống núi thành dòng vàng khé. Nước thải có chứa xyanua và thuỷ ngân chảy đến đâu cây chết tới đó.

Những người làm thuê ngâm ủ quặng đều phải đi ủng và đeo găng tay, chất xyanua và thuỷ ngân cực độc, một số người bị nhiễm hai loại hoá chất đó sau vài năm từ bãi vàng trở về đầu bị đau như búa bổ, mắt cứ lồi ra, đàn ông đàn bà đều mắc bệnh vô sinh. Những người tới bãi vàng này đều được nghe những chuyện như thế, người đến trước kể cho người đến sau nghe, nhưng vàng có sức hút mãnh liệt. Dân cửu vạn vì miếng cơm manh áo, họ từ khắp nơi đổ dồn về đây, còn các “bưởng” thì cố khoét rỗng ruột núi, bắt núi nhả ra những thỏi vàng lấp lánh. Bởi thế, cách Minh Lương chừng 2 cây số nhìn lên các sườn núi, rừng bị cày xới như vừa trải qua cơn lở núi, sạt rừng khủng khiếp…

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa 'vàng' chưa đủ hạ nhiệt

Bình Phước Cơn mưa đổ xuống một số nơi trên địa bàn tỉnh Bình Phước mới đây tuy không lâu, lượng mưa không cao, nhưng cũng phần nào giải nhiệt, và 'giải khát' cho cây trồng.