| Hotline: 0983.970.780

Công trình thủy lợi hàng chục tỷ đồng chưa nghiệm thu đã bị bồi lấp

Thứ Ba 31/05/2022 , 07:34 (GMT+7)

Quá thời hạn 3 năm nhưng Công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân vẫn chưa thể hoàn thành khiến dư luận bức xúc.

Dự án công trình thủy lợi Đồng Sông (xã Bình Khương, Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã chậm tiến độ 3 năm, qua 3 lần gia hạn nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Ảnh: L.K.

Dự án công trình thủy lợi Đồng Sông (xã Bình Khương, Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã chậm tiến độ 3 năm, qua 3 lần gia hạn nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Ảnh: L.K.

Ngày 31/10/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình Thủy lợi Đồng Sông (xã Bình Khương, huyện Bình Sơn). Dự án được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ cấp nước tưới cho 55ha đất nông nghiệp, cùng với tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho 150 hộ dân.

Một trong những mục tiêu không kém phần quan trọng của dự án nữa là góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo quyết định phê duyệt, đây là công trình thủy lợi cấp II, gồm: Hồ chứa có đập đất với chiều dài đỉnh đập hơn 240m; bề rộng mặt đập 6m (có gia cố cấp phối đá dăm loại B, dày 10cm); chiều cao lớn nhất hơn 16m và tràn xả lũ tự do kết cấu bê tông và bê tông cốt thép có chiều rộng 16m.

Cùng với đó là các hạng mục thuộc kênh và công trình trên kênh như: Cống lấy nước kết hợp dẫn dòng bằng ống thép bọc bê tông cốt thép có đường kính 40cm, dài 77m; 4 tuyến kênh mặt hở mặt cắt hình chữ nhật có chiều dài 3,7km, 150m đường cấp phối thi công kết hợp quản lý và nhà quản lý 42m2. Tổng diện tích đất sử dụng gần 9ha.

Từ khi hoàn thành, tuyến kênh dài 3,7km chưa thể dẫn nước tưới tiêu thay vào đó là đất đá vùi lấp bên trong lòng kênh. Ảnh: L.K.

Từ khi hoàn thành, tuyến kênh dài 3,7km chưa thể dẫn nước tưới tiêu thay vào đó là đất đá vùi lấp bên trong lòng kênh. Ảnh: L.K.

Dự án do UBND huyện Bình Sơn làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện là đơn vị quản lý thực hiện, Cty TNHH Tiến Bảo là đơn vị trúng thầu thi công. Tổng mức đầu tư của công trình là 27,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 20 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Ngày 24/12/2018, chủ đầu tư tiến hành tổ chức lựa chọn nhà thầu và bàn giao mặt bằng thi công xây dựng. Dự kiến, trong năm 2019 sẽ triển khai thi công và hoàn thành dự án. Mặc dù vậy, do không thể thực hiện đúng tiến độ nên các đơn vị thực hiện đã có 3 lần xin gia hạn. Cho đến nay, công trình vẫn chưa thể hoàn thành khiến dư luận bức xúc.

Ghi nhận thực tế của PV tại dự án này, trong 2 hạng mục chính là 5 tuyến kênh dẫn dài 3,7km và đập đất thì phần kênh đã cơ bản hoàn thiện. Kể từ ngày hoàn thành đến nay, tuyến kênh này chưa 1 lần dẫn nước nên sau 1 thời gian dài không sử dụng, một số đoạn bị đất, đá bồi lấp, cỏ dại mọc um tùm. hạng mục đập đất của dự án vẫn còn dang dở, nhà thầu đang tập trung cơ giới thi công hạng mục đắp đất thân đập.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Bình Sơn cho hay, đến thời điểm hiện nay, nguồn vốn đầu tư của dự án đã giải ngân đạt 20,5 tỷ trong tổng số 27,5 tỷ kinh phí đầu tư. Việc dự án chậm tiến độ là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong thời điểm thực hiện dự án nên khó triển khai. Ngoài ra, nguyên nhân lớn nhất vẫn là vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Bên trong tuyến kênh cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: L.K.

Bên trong tuyến kênh cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: L.K.

Theo ông Đạo, đối với cụm đầu mối và khối lượng lớn gồm các hạng mục như đập đất, cống lấy nước, tràn xả lũ, nhà quản lý không thể triển khai thi công được do vướng đất của 1 hộ dân ở xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn) trong dự án nhưng không nhận tiền bồi thường. Mãi đến quý II/2020, hộ này mới chấp thuận phương án đền bù và bàn giao mặt bằng.

Cũng các hạng mục nói trên, đến thời điểm triển khai thi công (cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021) thì chưa có cơ chế bồi thường, hỗ trợ phần diện tích mượn sử dụng tạm thời làm bãi trữ vật liệu và bãi thải nên không thể giải phóng mặt bằng.

“Cơ chế để hỗ trợ cây trên đất và cải tạo lại đất mượn tạm thì trước đó UBND tỉnh chưa ban hành. Mãi đến tới ngày 26/1/2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi mới có công văn 451 thống nhất bồi thường cây trồng trên phần diện tích đất mượn tạm sử dụng bãi vật liệu đắp đất để lấy đất đắp đập và bãi thải của công trình. Trên cơ sở đó, chúng tôi mới thương lượng với người dân, thỏa thuận giá để mượn tạm. Hiện, đơn vị thi công đang gấp rút triển khai thực hiện các hạng mục còn lại để hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2022”, ông Đạo nói.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.