| Hotline: 0983.970.780

Dự án Trường ĐH Hạ Long giai đoạn 2 tốn 4.000 tỷ đồng

Thứ Bảy 09/07/2022 , 11:13 (GMT+7)

QUẢNG NINH Do vốn đầu tư Dự án Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2 quá lớn nên chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Ngày làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá XIV, sáng 9/7, diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Cường trả lời chất vấn các nội dung liên quan đến lĩnh vực đầu tư công.

Cắt giảm gần một nửa thiết bị trong gói thầu Bệnh viện Lão khoa

Về gói thầu của Bệnh viện Lão khoa bị chậm tiến độ, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết đang đề xuất cắt giảm hơn 1.000/2.262 thiết bị trong gói thầu. Nếu mặc định triển khai có bước về thẩm định giá, xây dựng dự toán đối chiếu với danh mục triển khai các danh mục trên Cổng thông tin của Bộ Y tế sẽ là một ách tắc.

"Vừa qua, Sở KH&ĐT đã làm việc cùng với Sở Y tế trên cơ sở phân tích, xem xét những trang thiết bị đã triển khai và yêu cầu đáp ứng của Bệnh viện, chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư làm rõ và đơn vị thụ hưởng cũng phải rà soát lại từ đó có đề xuất báo cáo UBND tỉnh thực hiện việc mua sắm", ông Cường nói.

Đại biểu Lê Cao Long, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả chất vấn về nguyên nhân của việc chậm giải ngân chi đầu tư ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm mới đạt tỷ lệ 29%? Trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc đề xuất, bố trí vốn? Giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao chất lượng công tác lập, xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm?

Đại biểu Lê Cao Long, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Đại biểu Lê Cao Long, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Cường cho biết nguyên nhân khách quan của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là do 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng bởi rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, tình hình bất ổn chính trị trên thế giới, giá nguyên vật liệu tăng...

Về nguyên nhân chủ quan, một số chủ đầu tư còn chủ quan, bị động trong công tác chẩn bị đầu tư, dẫn đến một số dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng; chậm tổ chức thẩm định tại hiện trường, chậm hoàn thành hồ sơ thanh quyết toán đối với dự án hoàn thành. Bên cạnh đó, do tính chất đặc thù của đầu tư công, vì chi đầu tư đòi hỏi phải có quá trình thực hiện, tích lũy giá trị khối lượng hoàn thành mới thực hiện các thủ tục giải ngân vốn tại kho bạc, đặc biệt dự án mua sắm trang thiết bị phải hoàn thành toàn bộ gói thầu mới thực hiện thanh toán, nên các chủ đầu tư thực hiện còn chậm.

Ngoài ra đối với các dự án chuyển tiếp, một số dự án có tổng mức đầu tư lớn, do đã được tạm ứng hợp đồng từ cuối năm 2021, do đó trong những tháng đầu năm 2022 các nhà thầu đang triển khai thi công để hoàn thành khối lượng đã tạm ứng, chưa có nhiều khối lượng hoàn thành phát sinh, chưa đến kỳ thanh toán theo hợp đồng cho nhà thầu nên một số dự án chưa thể giải ngân.

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Cường trả lời chất vấn các nội dung liên quan đến lĩnh vực đầu tư công. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Cường trả lời chất vấn các nội dung liên quan đến lĩnh vực đầu tư công. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Đối với các dự án trong lĩnh vực y tế bị chậm tiến độ, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Cường cho biết các dự án gặp khó khăn trong công tác thẩm định giá, tiêu chuẩn định mức có sự thay đổi. Mặt khác, theo quy định mới của Chính phủ tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 có hiệu lực từ ngày 01/4/2022, cụ thể tại khoản 4, Điều 44 quy định: "Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán", nên đến nay có 7/8 dự án y tế chuyển tiếp vẫn chưa được giải ngân với kế hoạch vốn 95 tỷ đồng.

Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở KH&ĐT nhấn mạnh: Phải làm tốt hơn nữa công tác chuẩn bị đầu tư. Trong đó, tuân thủ các quy định của pháp luật để triển khai một cách bài bản các bước chuẩn bị đầu tư để đảm bảo tiến độ giải ngân.

Bên cạnh đó, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022. Đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương báo cáo tình hình giải ngân cũng như những khó khăn, vướng mắc vào thứ 6 hàng tuần để báo cáo UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ. Ngoài ra, Sở KH&ĐT cũng đã có văn bản gửi các chủ đầu tư, địa phương đề nghị xem xét, điều chỉnh kế hoạch vốn đã giao để đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đối với các đơn vị không đề xuất điều chỉnh điều hòa vốn đều cam kết giải ngân theo đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh.

Chưa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Hoàn thiện Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thiêm, Tổ đại biểu Đầm Hà - Hải Hà, cho rằng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án còn chậm, là một trong các nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân XDCB và tăng trưởng kinh tế?

Đại biểu Trần Thị Thiêm, Tổ đại biểu Đầm Hà - Hải Hà, nêu vấn đề, chất vấn Giám đốc Sở KH&ĐT. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Đại biểu Trần Thị Thiêm, Tổ đại biểu Đầm Hà - Hải Hà, nêu vấn đề, chất vấn Giám đốc Sở KH&ĐT. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, trong 7 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đến nay 4/7 dự án đã phê duyệt dự án và khởi công, gồm: Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều; Đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh; Trường CĐ nghề Việt - Hàn tại Quảng Ninh. Còn lại 3/7 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, gồm: Đường dẫn và cầu ra cảng tổng hợp Hòn Nét - Con Ong; Cầu Bến Rừng và đường dẫn; Trụ sở Trung tâm Truyền thông tỉnh.

Hiện tại các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục lập, thẩm định phê duyệt dự án, dự kiến khởi công mới năm 2023.

Đối với dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư là Hoàn thiện Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2. Ông Cường lý giải, sau khi rà soát cho thấy, tổng mức đầu tư cho dự án Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2 từ vốn ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng là rất lớn, khó khả thi, do đó cần nghiên cứu đề xuất theo hướng huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện.

Đưa ra một số giải pháp khắc phục công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, hạn chế việc điều chuyến vốn, Giám đốc Sở KH&ĐT nhấn mạnh: Khâu khảo sát, lập dự án, trình tự các bước cần được các sở, ngành liên quan, chủ đầu tư quan tâm hơn nữa. Cần bám sát vào 17 bước của quy trình của một dự án đầu tư để đảm bảo sự chặt chẽ khi triển khai đầu tư. Vấn đề không thể không nhắc đến là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là của chủ đầu tư trước kết quả quản lý đầu tư công của đơn vị đó.

Về phía các địa phương phải quan tâm công tác bàn giao mặt bằng vì qua theo dõi, tổng hợp của Sở cho thấy, rất nhiều dự án bị đội vốn lên rất lớn, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, trình lại chủ trương đầu tư. Nguyên nhân là do xác định giá trị bồi thường GPMB, lập dự toán ban đầu chưa chính xác.

Cuối cùng là vấn đề con người, cần củng cố, nâng cao năng lực của cán bộ chuyên môn, nhất là trong quản lý đầu tư xây dựng, ngân sách nhà nước của cán bộ công chức các cấp.

Về phía đơn vị, nếu như việc triển khai thủ tục đầu tư chậm trễ thuộc về Sở KH&ĐT, lãnh đạo Sở sẽ chịu trách nhiệm trước tỉnh.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.