| Hotline: 0983.970.780

Dự án VnSAT giúp nông dân vượt 'bão giá' vật tư

Thứ Ba 26/04/2022 , 08:15 (GMT+7)

Thay đổi nhận thức, thói quen canh tác lúa của nông dân, Dự án VnSAT đã giúp bà con giảm đáng kể chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí phân bón.

Giảm mạnh chi phí phân bón

Tại tỉnh Tiền Giang, hơn 5 năm qua, Dự án VnSAT được triển khai đã tác động tích cực giúp thay đổi thói quen sản xuất lúa của nông dân trong vùng Dự án. Nông dân đã chuyển đổi từ việc trồng lúa theo kiểu truyền thống sang trồng lúa áp dụng quy trình kỹ thuật "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm". Từ đó, chi phí sản xuất giảm hẳn thông qua giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm dư thừa, giảm số lần phun thuốc trừ sâu, giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch. Từ đây, Dự án đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận trong sản xuất lúa. Mức gia tăng lợi nhuận sản xuất lúa trung bình trong vùng Dự án là 36,4%.

Nông dân trong vùng Dự án VnSAT ở Tiền Giang đã mạnh mẽ giảm phân bón để gia tăng hiệu quả sản xuất lúa. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân trong vùng Dự án VnSAT ở Tiền Giang đã mạnh mẽ giảm phân bón để gia tăng hiệu quả sản xuất lúa. Ảnh: Minh Đảm.

Tiêu biểu như vụ đông xuân 2021 - 2022 này, ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang cho biết: Đứng trước áp lực giá phân bón tăng cao, nông dân trong tỉnh nhờ mạnh mẽ giảm giống, giảm phân bón vô cơ nên lợi nhuận dù có thấp nhưng vẫn đảm bảo nhờ tiết kiệm được phần nào chi phí đầu vào.

Đạt được kết những quả trên, ông Cao Văn Hoá, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT Tiền Giang thông tin: Ngay từ đầu, công tác đào tạo được tập trung triển khai. Đến nay, Dự án đã thực hiện 855 lớp đào tạo "3 giảm 3 tăng" và 476 lớp đào tạo "1 phải 5 giảm" và 42 lớp chuyên đề về quản lý và phát triển hợp tác xã; sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; đào tạo về luân canh cây trồng, tận dụng sản phẩm phụ lúa gạo; nhân giống lúa xác nhận...

Sau đào tạo, tỷ lệ áp dụng "3 giảm 3 tăng" đạt là 92,7% về số hộ và 93,3% về diện tích; tỷ lệ hộ áp dụng "1 phải 5 giảm" sau đào tạo là 97,5% về số hộ và 98,8% về diện tích.

Ông Bùi Văn Phục, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: Mỹ Thành Bắc có diện tích đất lúa trên 900ha. Dự án VnSAT đã tạo thay đổi lớn trong nhận thức của người dân trong xã hướng tới sản xuất bền vững.

Trước đây, nông dân có truyền thống sạ dày hơn 20kg giống/công (1.000m2), bây giờ đã mạnh dạn giảm giống còn 10kg/công. Nhờ giảm giống, năng suất và lợi nhuận của người dân tăng đáng kể. Năng suất lúa ở Mỹ Thành Bắc cao hơn trung bình của tỉnh. Như vụ đông xuân này, năng suất lúa bình quân khoảng 8 tấn/ha, cao hơn 0,5 tấn/ha so bình quân chung.

Cán bộ nông nghiệp xã Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) trao đổi cùng nông dân trong vụ lúa hè thu 2022.  Ảnh: Hữu Đức.

Cán bộ nông nghiệp xã Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) trao đổi cùng nông dân trong vụ lúa hè thu 2022.  Ảnh: Hữu Đức.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Bắc kể: "Ngày trước, chưa được tập huấn nên nông dân ở đây sạ dày lắm. Dự án VnSAT ban đầu triển khai người dân cũng chưa tin, phải qua gần 1 năm thí điểm mô hình, người dân mới mạnh dạn làm theo".

Theo ông Việt, để giảm giống thành công, phải thay đổi cách nghĩ của từng hộ gia đình trước. Nhà nào cũng phải có 2 người tham gia tập huấn về "3 giảm 3 tăng" và "1 phải 5 giảm" để gia đình thống nhất cao. Tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Bắc, có 100% hộ dân có 2 người đi học. Cứ đợt đầu chồng tham gia thì đợt sau tới lượt vợ. Bây giờ, người dân đã làm quen với quy trình kỹ thuật mới, có bảo họ quay về kiểu canh tác cũ cũng không được!

Bên cạnh công tác đào tạo, tập huấn cho nông dân, Dự án VnSAT đã hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất lúa với doanh nghiệp, làm cơ sở cho sản xuất lúa gạo bền vững. Theo đó, đã có 16 HTX tại Tiền Giang tham gia liên kết tiêu thụ lúa trong cánh đồng lớn với diện tích là 8.389 ha lúa được ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp.

“Từ nền tảng của những kết quả đạt được, đã góp phần quan trọng trong công tác sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất lúa thông minh (Đề án sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao đã và đang được tỉnh triển khai) và hình thành chuỗi giá trị lúa gạo bền vững”, ông Cao Văn Hoá, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT Tiền Giang cho biết.

Nền tảng đạt được của Dự án VnSAT đã góp phần quan trọng trong công tác sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất lúa thông minh ở Tiền Giang: Ảnh: Minh Đảm.

Nền tảng đạt được của Dự án VnSAT đã góp phần quan trọng trong công tác sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất lúa thông minh ở Tiền Giang: Ảnh: Minh Đảm.

Đến cuối năm 2021, theo điều tra của Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang, số lượng người hưởng lợi gần 109 nghìn người, đạt 153% mục tiêu cuối kỳ của Dự án. Diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững là gần 17.900ha, đạt 112% so mục tiêu cuối kỳ của Dự án. Tăng lợi nhuận/ha đất sản xuất của nông dân là 36,4%, đạt 112% so với mục tiêu. Giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa 121.255 tấn, đạt 114% so mục tiêu cuối kỳ của Dự án.

Lợi nhuận trồng lúa tăng 3 - 4 triệu đồng/ha

Tại tỉnh Long An, Dự án VnSAT được thực hiện tại 23 xã thuộc 5 huyện phía bắc vùng Đồng Tháp Mười gồm Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Kiến Tường, Mộc Hóa và Tân Thạnh. Đây là vùng quy hoạch lúa chất lượng cao, vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Dự án được thực hiện với sự tham gia của 25.140 hộ dân, tổng diện tích vùng Dự án là 49.593.

Tại Long An, lượng giống sử dụng bình quân trước đây từ 145kg/ha giảm còn 110 kg/ha. Lượng phân đạm (N) từ 120 kg/ha giảm còn 98 kg/ha. Số lần phun thuốc 4,8 lần giảm còn 3 lần so với trước đây.

Theo Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh Long An, Dự án đã tập trung tập huấn về công nghệ canh tác lúa bền vững, ưu tiên cho các thành viên HTX, từng bước thay đổi hành vi và tập quán sản xuất của nông dân, góp phần xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa cho các HTX.

Đến nay, Dự án đã tập huấn tổng cộng gần 5.000 thành viên/hộ dân hưởng lợi về quy trình sản xuất lúa theo "3 giảm 3 tăng" và trên 4.500 thành viên/hộ dân hưởng lợi về quy trình sản xuất theo "1 phải 5 giảm".

Sau khi tham gia tập huấn, các thành viên/hộ dân hưởng lợi đã từng bước áp dụng công nghệ canh tác lúa bền vững. Tiêu biểu như vụ đông xuân 2020 - 2021, tỉ lệ diện tích áp dụng thành công quy trình sản xuất lúa theo "3 giảm 3 tăng" đạt từ 90 - 100% có 5 HTX; từ 80 - 89% có 8 HTX; từ 50 - 79% có 10 HTX. Tỉ lệ diện tích áp dụng thành công quy trình sản xuất lúa theo "1 phải 5 giảm" đạt từ 90 - 100% có 4 HTX; từ 80 - 89% có 3 HTX; từ 50 - 79% có 16 HTX.

Nông dân tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các mô hình sản xuất lúa tiên tiến thuộc Dự án VnSAT. Ảnh: Hữu Đức.

Nông dân tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các mô hình sản xuất lúa tiên tiến thuộc Dự án VnSAT. Ảnh: Hữu Đức.

Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh Long An: Các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch giao. Cụ thể, số người hưởng lợi là 90.804 người, đạt 138% so với mục tiêu 66.000 người. Diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững theo "3 giảm 3 tăng" là 22.220 ha, đạt 111% so với mục tiêu 20.000 ha. Diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững theo "1 phải 5 giảm" là 21.578 ha, đạt 240% so với mục tiêu 9.000 ha. Diện tích lúa áp dụng biện pháp canh tác bền vững có hợp đồng bao tiêu vụ hè thu 2021 là 6.892 ha, đạt 115 % so với mục tiêu 6.000 ha.

Từ đó, lợi nhuận/ha đất sản xuất của nông dân so với bên ngoài Dự án là 29%, đạt 97% so với mục tiêu 30% (tăng 3 - 4 triệu đồng/ha). Giảm lượng phát thải khí nhà kính là 188.171 tấn CO2, đạt 141% so với chỉ tiêu giao 133.333 tấn.

Sau 5 năm thực hiện, Dự án VnSAT tỉnh Long An đã đạt được thành công vượt bậc, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng thu nhập cho nông dân sản xuất lúa gạo, giảm tác động tiêu cực tới môi trường đối với sản xuất lúa và tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo như mục tiêu Dự án đã đề ra.

Thành công của Dự án VnSAT đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Ảnh: Minh Đảm.

Thành công của Dự án VnSAT đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Ảnh: Minh Đảm.

Thành công của Dự án VnSAT đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo động lực và điều kiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, thúc đẩy phát triển cánh đồng lớn, hợp tác hóa, cơ giới hóa trong sản xuất lúa, mở ra hướng phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo, thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.