| Hotline: 0983.970.780

Dự án VnSAT hình thành chuỗi liên kết ngành cà phê bền vững

Thứ Năm 02/12/2021 , 08:30 (GMT+7)

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk đánh giá dự án VnSAT đã giúp hình thành chuỗi liên kết ngành hàng cà phê bền vững.

20.000ha cà phê canh tác bền vững

Xin ông cho biết hiệu quả từ Dự án VnSAT được triển khai tại Đăk Lăk? Thời gian tới địa phương có tiếp tục nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh hay không, thưa ông?

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững được triển khai trong thời gian 5 năm (từ 2015 - 2020) và được gia hạn đến 30/6/2022. Tại tỉnh Đăk Lăk, Dự án tập trung hỗ trợ các địa phương vùng cà phê của tỉnh với 10 huyện, thị xã, thành phố. Mục tiêu của Dự án tại Đắk Lắk hướng tới là 60.000 nông dân được hưởng lợi với 50 Tổ chức nông dân (HTX/tổ hợp tác) trên tổng diện tích cà phê được Dự án tập huấn, đào tạo áp dụng quy trình canh tác cà phê bền vững là 15.000ha.

Đến nay, hầu hết các chỉ tiêu của Dự án đề ra đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra, cụ thể, có 64 tổ chức nông dân được Dự án tác động hỗ trợ (đạt 128% kế hoạch) với hơn 72.000 nông dân (đạt 120% kế hoạch) được hưởng lợi và diện tích cà phê được áp dụng quy trình canh tác bền vững gần 20.000 ha (đạt 133% kế hoạch).

Ông Nguyễn Hoài Dương, Gám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lă. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Gám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lă. Ảnh: Quang Yên.

Có thể nói, hiệu quả của Dự án VnSAT mang lại rất rõ ràng, góp phần đưa ngành cà phê của địa phương nói riêng và cả nước nói chung phát triển theo hướng bền vững, từ đó gia tăng sản lượng và chất lượng cà phê, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập cho người dân vùng Dự án và cả tỉnh Đăk Lăk.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung thông tin cho các vùng dự án về danh sách các vườn ươm cây giống cà phê đạt chuẩn VnSAT để phục vụ nhu cầu tái canh cà phê. Đồng thời, Sở NN-PTNT sẽ thông tin tuyên truyền về hiệu quả và những tác động tích cực của Dự án VnSAT đã mang lại cho người dân trong toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đánh giá và bàn giao các hoạt động về hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, các kết quả đào tạo cho các tổ chức nông dân, HTX và các hộ dân canh tác cà phê đã tiếp cận, hưởng lợi từ Dự án VnSAT trong thời gian thực hiện dự án để địa phương có cơ sở tiếp tục duy trì và phát triển theo mục tiêu dự án đề ra. Tiếp tục thực hiện các hoạt động hội thảo đầu bờ cho nông dân, gồm đào tạo FFS về sản xuất cà phê bền vững và thực hành tái canh cà phê bền vững.

Hình thành chuỗi liên kết bền vững ngành cà phê

Dự án VnSAT đã giúp địa phương hình thành chuỗi liên kết, sản xuất cà phê bền vững như thế nào, thưa ông?

Thông qua các hoạt động của Dự án VnSAT, đã hỗ trợ các tổ chức nông dân sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Dự án còn hỗ trợ một số tổ chức nông dân đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà kho, sân phơi và máy móc thiết bị sơ chế cà phê, giúp sản phẩm cà phê của các tổ chức nông dân nâng cao năng suất và chất lượng, đáp ứng nhu cầu kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Từ đó hình thành chuỗi liên kết trong ngành cà phê từ sản xuất đến tiêu thụ theo hướng bền vững lâu dài.

Dự án VnSAT giúp nông dân liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức để sản xuất cà phê bền vững. Ảnh: Quang Yên.

Dự án VnSAT giúp nông dân liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức để sản xuất cà phê bền vững. Ảnh: Quang Yên.

Đến nay, hầu hết các tổ chức, cá nhân sản xuất cà phê vùng Dự án đều có sự liên kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê như: HTX Ea Kmat - Hòa Đông (huyện Krông Păc) liên kết với Công ty TNHH DAKMAN Việt Nam, HTX Ea Tân (huyện Krông Năng) liên kết với Công ty Xuất nhập khẩu 2-9 (SIMEXCO), HTX Quyết Tiến (huyện Cư M’gar) liên kết với Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Đăk Lăk (INEXIM)…

Thưa ông, tái canh cà phê cần nguồn vốn lớn. Để giúp người dân trồng cà phê tái canh, Dự án VnSAT có nguồn vốn để người dân tiếp cận thuận lợi. Ông đánh giá thế nào về nguồn vốn này và người dân Đăk Lăk sử dụng tái canh cà phê ra sao?

Dự án VnSAT được Ngân hàng Thế giới (WB) bố trí nguồn vốn cho người dân vay để tái canh cà phê (thông qua các ngân hàng thương mại cho vay từ nguồn vốn VnSAT). Tuy nhiên theo tôi được biết, số vốn này không nhiều, khoảng hơn 1.000 tỷ đồng cho 5 tỉnh Tây Nguyên. Do đó, tại Đăk Lăk có 1.217 hộ được vay với khoản vay là 314,72 tỷ đồng để tái canh trên diện tích 2.145,61ha cà phê.

Để giúp nông dân tái canh, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, VnSAT Đăk Lăk đã đào tạo tập huấn được 686 lớp FFS với tổng số 23.943 hộ nông dân tham gia học tập và áp dụng quy trình sản xuất, tái canh cà phê bền vững. Ngoài ra, 64 tổ chức nông dân được đào tạo quy trình canh tác sản xuất và tái canh cà phê bền vững, đạt 128% số tổ chức nông dân trong vùng Dự án.

Qua kiểm tra, chúng tôi thấy đa số nông dân đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao như: Vườn cây phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao… góp phần tăng thu nhập cho người dân một cách bền vững.

Nông dân được đào tạo khoa học kỹ thuật giúp sản lượng cà phê được nâng cao. Ảnh: Mai Phương.

Nông dân được đào tạo khoa học kỹ thuật giúp sản lượng cà phê được nâng cao. Ảnh: Mai Phương.

Tuy nhiên so với nhu cầu thực tế, cho thấy một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tái canh cà phê chưa đạt kế hoạch nói chung của tỉnh là việc người trồng cà phê tiếp cận, vay được vốn tái canh còn hạn chế, tỷ lệ vay vốn tái canh còn thấp.

Nguyên nhân chính do các vấn đề về thủ tục và hạn mức cho vay chưa thuận lợi. Vì vậy, đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn chỉ đạo các ngân hàng thương mại và các ngân hàng thương mại cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn cho người nông dân để có thể tiếp cận và vay vốn tái canh, đặc biệt cần tăng nguồn, hạn mức vay, đơn giản hoá thủ tục vay...

Có như vậy, người dân mới có thể vay được vốn sản xuất nông nghiệp nói chung và tái canh cà phê nói riêng, chương trình cho vay tái canh cà phê mới thực sự có ý nghĩa và hiệu quả

Quyết tâm hoàn thành tiến độ các tiểu dự án

Hiện nay việc triển khai dự án tại địa phương gặp những khó khăn, vướng mắc gì? Địa phương đã có những giải pháp ra sao để tháo gỡ khó khăn này, thưa ông?

Hiện nay, Dự án VnSAT đã chuyển sang giai đoạn đầu tư công và chỉ gặp khó khăn chung là tình hình dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình cơ sở hạ tầng tại các địa phương vùng Dự án.

Cụ thể, trong năm 2021, đơn vị đã giải ngân hơn 42 tỷ đồng để thực hiện 9 dự án xây lắp cơ sở hạ tầng. Dự kiến, khối lượng đến hết năm 2021 đạt trên 50% tổng giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình để đảm bảo kết thúc các hoạt động vào ngày 30/6/2022 đúng thời gian gia hạn của Dự án.

Dự án VnSAT giúp người dân đầu tư nhà phơi, nâng cao chất lượng quả cà phê. Ảnh: Mai Phương.

Dự án VnSAT giúp người dân đầu tư nhà phơi, nâng cao chất lượng quả cà phê. Ảnh: Mai Phương.

Đặc biệt, dịch Covid-19 tại Đăk Lăk còn phức tạp nên việc tập trung nông dân để tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, Ban quản lý dự án của tỉnh đã thực hiện kiểm tra giám sát nội bộ tại các HTX, kết hợp lồng ghép hoạt động tham vấn nhóm dân tộc thiểu số về nhu cầu tập huấn canh tác cà phê bền vững (FFS).

Bên cạnh đó, ngoài nguồn vốn của dự án hỗ trợ để đầu tư kết cấu hạ tầng, người thụ hưởng trong vùng Dự án cũng phải đóng góp 20%, trong khi đó nhiều vùng triển khai Dự án còn khó khăn, các HTX và người dân không có tiền để đóng góp nên ảnh hưởng đến triển khai. Do đó từ 2020 đến nay, tỉnh Đăk Lăk đã chủ trương lấy nguồn đầu tư công bổ sung 20% này để hỗ trợ các vùng khó khăn, đảm bảo dự án được triển khai thuận lợi, phát huy hiệu quả Dự án và người dân sớm được hưởng lợi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Có thể khẳng định, hiệu quả của Dự án đã đóng góp rất lớn cho ngành cà phê của tỉnh nói riêng và sự phát triển kinh tế nông nghiệp của Đăk Lăk nói chung. Nếu như giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ tăng GDP của tỉnh bình quân đạt 11 - 12%/năm thì đến giai đoạn 2016 - 2020 đã tăng lên 12,5 - 13,5%/năm và quy mô nền kinh tế năm 2020 của tỉnh đã cao gấp 1,5 - 1,6 lần so với năm 2015.

(Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk).

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.