| Hotline: 0983.970.780

Dự kiến đầu tháng 1/2022 sẽ dạy học trực tiếp trở lại

Thứ Năm 07/10/2021 , 18:10 (GMT+7)

TP.HCM Có hơn 30.000 học sinh tiểu học TP.HCM đang ở tạm các tỉnh, thành khác, trong đó có hơn 26.500 đăng ký học trực tuyến và hơn 5.000 em đang học trực tiếp tại tỉnh.

Học sinh đã quen dần với việc học trực tuyến, các em đã biết mở hoặc tắt camera, tự thao tác trên zoom để trao đổi cùng giáo viên và bạn bè. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Học sinh đã quen dần với việc học trực tuyến, các em đã biết mở hoặc tắt camera, tự thao tác trên zoom để trao đổi cùng giáo viên và bạn bè. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tại cuộc họp báo cung cấp về tình hình dịch bệnh Covid-19 TP.HCM chiều 7/10, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, năm học 2021-2022, các trường Trung học (THCS và THPT) trên địa bàn TP.HCM học tập dạy học chủ yếu qua internet như truyền hình, livestream, học dạy trực tiếp qua các ứng dụng.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ học trực tuyến khối tiểu học là 97.73%, khối THCS là 97.9%, khối THPT trên 99.8%.

Ông Hiếu cũng cho biết, ở khối Tiểu học hiện còn hơn 30.000 học sinh còn ở tạm các tỉnh khác chưa về Thành phố, trong đó có hơn 26.500 em ở tỉnh nhưng đăng ký học trực tuyến tại TP.HCM; hơn 5.000 em chưa có thiết bị và đang học tạm tại các trường tiểu học ở địa bàn các tỉnh, thành phố khác.

“Còn một số em học sinh không có thiết bị và học tại nhà, thầy cô sẽ chuyển phiếu học tập và hướng dẫn học tại nhà. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều”, ông Hiếu nói.

Qua 4 tuần đối với THPT và 2 tuần với Tiểu học thực học trên môi trường internet, Sở GD-ĐT TP.HCM nhận thấy, còn gặp nhiều khó khăn trong dạy và học do số lượng học sinh lớn (hơn 1,3 triệu học sinh).

"Nếu cùng lúc các em học sinh đăng nhập trên hệ thống, thì sẽ không có một hệ thống nào chịu nổi. Do đó, sau tuần đầu, Sở đã có văn bản gửi Sở TTTT và Công viên phần mền Quang Trung đề nghị có giải pháp hỗ trợ tăng đường truyền, thêm các máy chủ để tăng khả năng phục vụ việc dạy và học trên môi trường internet. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trong mùa giãn cách xã hội cũng khó để cải thiện, nâng cấp", ông Hiếu thông tin.

Cũng theo ông Hiếu, thời gian qua Sở GD-ĐT TP.HCM đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin của ĐH Quốc Gia xây dựng hệ thống GMS để dậy học rất hiệu quả. Tuy nhiên, số lượng lên khoảng 400.000 học sinh cùng vào một lúc thì hệ thống này tê liệt hoàn toàn.

Do đó, ĐH Quốc Gia đã đầu tư, tuy nhiên thiết bị hiện nay rất khó khăn nên hệ thống GMS Đại học Quốc Gia cũng gặp khó khăn.

“Cách dạy học tại Thành phố có khác so với các tỉnh, thành khi dạy trực tuyến. Việc dạy học không chỉ có livestream hết cho học sinh, mà trong quá trình dạy học có quản lý, phân công nhiệm vụ dạy và học; học sinh tự nghiên cứu bài học và trao đổi, giao tiếp với thầy cô, bạn bè trước giờ livestream. Hiện, Thành phố có 12 hệ thống phần mềm được các đơn vị cung cấp miễn phí cho các trường”, ông Hiếu cho biết.

Nhận định về kết quả dạy học trong 2 tuần đầu trên internet, ông Hiếu cho biết, do yêu cầu của Thành phố là không đặt nặng lượng kiến thức cho các em học sinh, cho nên việc tiếp nhận kiến thức đối với khối tiểu học khá tốt. Riêng lớp 1 và lớp 2, Sở đã chuẩn bị để dạy và học trên truyền hình hết học kỳ 1. Clip dạy học trên truyền hình khá phong phú, đáp ứng được nhu cầu cho học sinh tiểu học.

Về cơ sở vật chất chuẩn bị cho việc dạy và học sau khi kết thúc dịch bệnh để học sinh quay trở lại trường, ông Hiếu cho hay, hiện TP.HCM có hơn 1.500 cơ sở giáo dục đang được trưng dụng phục vụ cho việc phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong số đó, chỉ mới có khoảng 150 trường (10%) đã hoàn thành nhiệm vụ và có chủ trương trả lại cho ngành giáo dục để phục hồi, sửa chữa, khử khuẩn, đưa vào dạy học trực tiếp trở lại.

Còn các trường khác sẽ phụ thuộc vào sự chỉ đạo của các quận huyện. “Các địa phương sẽ thực hiện cuốn chiếu dần quá trình kết thúc nhiệm vụ phòng, chống dịch tại các trường học. Dự kiến, giữa tháng 11 sẽ hoàn tất việc chuyển giao. Như vậy, ngành giáo dục có hơn một tháng để sửa chữa, khắc phục, chuẩn bị cơ sở để dạy và học trực tiếp khi kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Dự kiến, đầu tháng 1/2022 (học kỳ II) sẽ dạy và học trực tiếp trở lại”, ông Hiếu nói.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho biết, UBND huyện Cần Giờ đã có văn bản để xuất cho hai trường tại xã đạo Thạnh An (huyện Cần Giờ) được dạy học trực tiếp trở lại từ ngày 11/10. Sở đã kiểm tra, nắm tình hình và yêu cầu khắc phục thêm một số nội dung, xây dựng bộ tiêu chí tại trường và xây dựng đội phòng chống Covid-19 tại chỗ để đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại.

Theo kế hoạch của Cần Giờ có 5 khối lớp (lớp 1,2,6,9,12) đề nghị đi học trở lại với 242 học sinh, 60 giáo viên. "Với số lượng học sinh và giáo viên này, đảm bảo đủ điều kiện an toàn để dạy học trực tiếp tại xã đảo Thạnh An", ông Hiếu nhận định

Đối với học sinh đang ở khu cách ly: Giáo viên động viên, nắm tình hình sức khỏe của học sinh, ghi nhận những nội dung trọng tâm, gửi thông tin về các bài giảng trên truyền hình, link bài giảng của giáo viên gửi hoặc các bài giảng trên https://hoctructuyen.hcm.edu.vn để học sinh theo dõi và giáo viên trực tiếp thông báo đến cha mẹ học sinh qua tin nhắn;

Phối hợp với UBND phường cử lực lượng dân quân gửi bài (bản giấy), hướng dẫn nội dung học tập cho học sinh; Khi học sinh hết thời gian cách ly giáo viên chủ động trao đổi, hướng dẫn học sinh cách tự học, có phương án tổ chức phụ đạo trực tuyến nhằm giúp học sinh nắm một số nội dung trọng tâm mà các em chưa tiếp cận trong thời gian cách ly y tế;

Giáo viên thường xuyên theo dõi quá trình học tập của học sinh để có những hỗ trợ kịp thời cho các em; Gửi nội dung học tập qua bưu điện cho học sinh, đồng thời trao đổi với phụ huynh, học sinh để nắm tình hình học của học sinh; Ngoài ra, giáo viên biên soạn in ra giấy nội dung bài học, phiếu học tập gửi cho học sinh thông qua đội ngũ tình nguyện viên của địa phương (Chuyên trách giáo dục).

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.