"Đổi món" liên tục cho cây chè
Lên thăm HTX Nông nghiệp Phú Thịnh (Phú Đình, huyện Định Hoá, Thái Nguyên), chúng tôi ngỡ ngàng thấy người dân ở đây mua cả mật ong và trứng gà chăm bón cho cây chè. Nhờ vậy, chỉ trồng 10ha chè theo hướng hữu cơ, nhưng năm nào HTX cũng thu được gần 10 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3 tỷ đồng.
Về lý do dùng mật ong và trứng gà chăm bón cho cây chè, ông Đỗ Văn Thao, Giám đốc HTX nói chỉ làm theo kinh nghiệm của nhà nông xưa truyền lại, như dùng đỗ tương và chuối chín ngâm ủ hoai mục, sau pha loãng với mật ong và nước sạch để phun cho cây chè sau khi thu hái khoảng 12 - 15 ngày sẽ giúp chất lượng chè ngon hơn, nước chè thơm và ngậy hơn.
Ông Thao cũng cho biết kinh nghiệm đánh tan lòng đỏ trứng gà với dầu đậu nành (dầu ăn) rồi pha loãng với nước sạch, phun cho chè 2 lần cách nhau 1 tuần sau mỗi lứa thu hái thì côn trùng sẽ không dám bén mảng đến gây hại vườn chè, vì chúng rất sợ ngửi mùi hỗn hợp trên.
Trong thâm canh chè, HTX còn mua phụ phẩm cá, hạt đậu tương, trùn quế, ngâm ủ riêng từng loại, khi hoai mục chắt lấy nước cốt pha loãng, luân phiên phun với phân hữu cơ vi sinh Dig Gold hoặc Pooung Jak Yi cho cây chè định kỳ 5 ngày/lần. Để bón gốc, HTX cũng phải kén mua phân gia cầm nhập khẩu từ Mỹ hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời tận dụng các loại rơm rạ và cỏ khô để tủ gốc, giữ ẩm đất, hạn chế cỏ dại, chống rửa trôi dinh dưỡng trên đồi chè. Các loại rơm rạ sau này mục ải sẽ trở thành nguồn phân hữu cơ cho gốc chè.
Giải thích việc luân phiên sử dụng các phân hữu cơ khác nhau cho cây chè, ông Thao ví von: Cây chè cũng như con người, cần thay đổi món ăn mới không bị chán, ăn được nhiều, cơ thể sẽ khoẻ hơn, ít ốm đau, làm được nhiều việc ruộng đồng. Với cây chè cũng vậy, thay đổi phân bón thường xuyên cây sẽ tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, tăng sức chống chịu, ít bị dịch bệnh gây hại, sinh trưởng phát triển khoẻ, năng suất, chất lượng chè tăng cao.
Trong phòng trừ sâu bệnh, bên cạnh sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, HTX đã trồng nhiều cây xoan ta trên các đồi chè để lấy lá ngâm với nước sạch, sau chiết xuất dung dịch, dùng như một loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu hại chè rất hiệu quả.
Bí kíp làm chè thượng hạng
Theo ông Trần Văn Tâm (thành viên HTX Nông nghiệp Phú Thịnh), một ấm chè được coi là ngon búp phải dày và chắc, màu đen sáng; nước hãm chè trong suốt, óng ánh như mật ong; hương thơm ngát, vị chát nhẹ, có hậu.
Để tạo ra được chất lượng chè này, vùng trồng chè phải có đất đai màu mỡ, chăm sóc tốt, thu hái và chế biến kịp thời. Đặc biệt, do chè thu hái về phải đưa vào chế biến ngay nên vùng trồng chè cần cách xa đường giao thông và các khu công nghiệp lớn để tránh bụi và các khí độc bám dính trên lá và búp chè.
Huyện Định Hóa, bao gồm xã Phú Đình là địa phương đã được đưa vào quy hoạch trồng chè từ đầu những năm 1970. Về quy trình chăm sóc, ngoài những kinh nghiệm độc đáo nêu trên, nhiều nhà nông địa phương cũng như xã viên của HTX Nông nghiệp Phú Thịnh đã đầu tư được hệ thống tưới phun mưa tự động cho chè theo công nghệ Israel và cứng hóa mạng lưới giao thông nội đồng trên đồi chè, giúp giảm nhẹ công lao động và việc đi lại chăm sóc, thu hái chè được dễ dàng, thuận tiện hơn.
Về chế biến, ngoài sản xuất các loại chè búp móc câu phổ thông, truyền thống, HTX còn tạo ra loại chè tôm nõn, còn gọi là chè thượng hạng. Để sản xuất chè móc câu, chỉ cần thu hái chè đúng kỹ thuật “1 tôm 2 lá” và dừng thu hái trước 10h sáng, sau đó đưa vào chế biến ngay.
Riêng với chè thượng hạng, chỉ được hái 1 tôm + 1 lá nhỏ và phải hái chè tập trung trong khoảng 5 giờ sáng khi giọt sương còn đọng long lanh trên cây. Loại chè này đặc biệt ngon, giá bán thường gấp 5 - 6 lần chè búp móc câu, nhưng số lượng ít và chỉ bán cho khách mua làm quà biếu hoặc người có thu nhập cao.
Để chế biến kịp thời các loại chè, HTX Nông nghiệp Phú Thịnh còn mua sắm được dây chuyền điện máy cho khâu ốp, vò và sao khô chè. Nhờ đó chè tươi sau thu hái được sao suốt kịp thời, không phơi nắng, không để quá buổi hoặc qua ngày. “Đây là một trong các khâu chế biến then chốt, vì chè không sao suốt chất lượng sẽ kém ngon đáng kể so với chè được sao suốt”, ông Đỗ Văn Thao, Giám đốc HTX cho biết.
Nói về bí quyết lấy hương chè, ông Phạm Văn Tiếp (thành viên HTX) tiết lộ: Cũng như kinh nghiệm kho cá ở dưới xuôi, việc đồ xôi hay sao khô chè của bà con miền núi đều phải qua “2 lửa” mới đảm bảo thơm ngon tuyệt đỉnh. Bởi chè sao khô, quạt nguội, đóng bao nhưng vẫn chưa khô hoàn toàn, sau khoảng 7 ngày, độ ẩm còn sót lại trong búp chè sẽ thoát ra, tạo men và hương thơm hấp dẫn. Lúc này cần đưa chè vào sao lại dưới nguồn nhiệt lượng thấp mới đảm bảo chè khô kiệt triệt để, chất lượng chè tăng thêm đáng kể, không bị ẩm mốc và hư hỏng trong quá trình bảo quản và lưu thông.
Bằng những bí kíp nêu trên, HTX Nông nghiệp Phú Thịnh luôn bán hết được sản phẩm làm ra với giá 0,3 - 1,8 triệu đồng/kg (tùy loại). Ngoài ra, HTX còn liên kết sản xuất và tiêu thụ cho 40ha chè trồng trên địa bàn.
Ông Phạm Văn Tiếp phấn khởi: "Bây giờ bà con trồng chè đỡ vất vả hơn nhiều, kể cả khâu thu hái cũng có ô lưu động che nắng, ngăn mưa để hái kịp thời các cây chè vừa tới lứa thu hoạch, trong mọi điều kiện thời tiết".
“Xã Phú Đình đang có 210ha chè khai thác kinh doanh. Trong đó có hơn 73ha chè của HTX Phú Thịnh và HTX Bình Minh được chứng nhận VietGAP. Số còn lại đều sản xuất theo hướng VietGAP hoặc hữu cơ”, ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình thông tin.
Chè là cây trồng lưu niên, chăm sóc tốt sẽ cho thu hoạch 40 năm liên tục, mỗi năm cho hái 7 - 8 lứa, năng suất bình quân đạt 3,2 - 3,5 tấn chè khô/ha/năm. Để vườn chè luôn cho năng suất cao, hàng năm, HTX Nông nghiệp Phú Thịnh đều phải tiến hành đốn tỉa đúng yêu cầu kỹ thuật, gồm đốn phớt ngay sau mỗi lứa thu hái, đốn lửng 1 lần vào tháng 12 năm trước tới tháng 1 năm sau (sau khi có sương muối 10 - 15 ngày).