Lạc quan
Sau 17 tháng đàm phán căng thẳng, rốt cuộc đôi bên đã gần đi tới điểm chốt cho thoả thuận mang tính lịch sử, đặt dấu mốc cho việc Anh rút khỏi EU (Brexit). Theo AFP, hội nghị bất thường của EU đã bắt đầu lúc 9h30 hôm qua 25/11 (15h30 giờ Việt Nam) tại Brussels với sự tham dự của lãnh đạo 27 nước thành viên và Thủ tướng Anh Theresa May.
Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean Claude Juncker |
Trong lá thư gửi lãnh đạo các nước thành viên vào tối trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã kêu gọi EU phê chuẩn thoả thuận Brexit cùng tuyên bố chính trị về quan hệ tương lai giữa EU với vương quốc Anh. Thoả thuận bao trùm lên các lĩnh vực quan hệ giữa đôi bên, như an ninh, thương mại, quyền công dân, vấn đề North Ireland cũng như các giai đoạn chuyển tiếp. Ông Donald Tusk, người liên tục khẳng định không ủng hộ Brexit bởi “không ai có lý do để hạnh phúc với một cuộc ly hôn”, nhưng đồng thời cho rằng, thoả thuận đôi bên đang hướng tới đã “giảm thiểu rủi ro và mất mát”. Guardian hôm qua dẫn lời ông Jean Claude Juncker, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu cho biết, cá nhân ông cũng ủng hộ dự thảo thoả thuận Brexit.
“Đây là thoả thuận tốt nhất có thể. Tôi nghĩ rằng quốc hội Anh sẽ phê chuẩn thoả thuận này, vì họ là những người thông minh”-ông Juncker phát biểu.
Tuy nhiên theo AFP, vẫn còn những nguy cơ về khả năng thoả thuận Brexit không đạt được đúng thời hạn. Nhiều nghị sĩ theo quan điểm hoài nghi EU trong đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May tuyên bố, sẽ phủ quyết dự thảo. Vào đầu tháng 12 tới, thoả thuận này sẽ được mang ra nghị viện Anh để bỏ phiếu.
Trong lá thư “gửi quốc gia” hôm qua, Thủ tướng Theresa May nhấn mạnh, đây là thoả thuận “cho tương lai tương sáng của nước Anh”. Bà May đồng thời kêu gọi các đảng phái chính trị ủng hộ thoả thuận.
Gibraltar và nghề cá
Tin từ giới ngoại giao cho biết, Anh và Tây Ban Nha sẽ có những thoả thuận riêng đối với vấn đề bán đảo Gibraltar. Bán đảo này nằm gần Tây Ban Nha nhưng Anh cũng tuyên bố chủ quyền.
Trước đây khi Anh và Tây Ban Nha còn chung khối, rất dễ để EU tuyên bố về “chủ quyền EU” ở Gilbrantar. Nhưng tình thế sẽ thay đổi khi Anh không còn trong EU.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez từng đe doạ, sẽ phủ quyết thoả thuận Brexit nếu vấn đề Gibraltar không được giải quyết thoả đáng. Trong khi đó, bà May cũng kiên định lập trường về quyền của Anh gắn liền với bán đảo này. AFP cho biết về pháp lý, Tây Ban Nha không ngăn cản được việc EU thông qua dự thảo Brexit. Nhưng 26 thành viên còn lại của EU cần sự đồng thuận từ Madrid, tránh gây nên những mối chia rẽ mới.
Nguồn tin ngoại giao cũng cho biết, các lãnh đạo EU sẽ bàn thảo với Anh về quyền lợi nghề cá sau khi nước này rời EU. Tại Brussels, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bị báo giới nước này đặt câu hỏi về quyền lợi của ngư dân nước này sau khi thoả thuận Brexit được thông qua. Ông Macron đã lập tức phải lên tiếng trấn an: “Các ngư dân của chúng ta sẽ được bảo vệ tốt. Đấy là ưu tiên của các mối quan hệ trong tương lai”.
Chủ tịch quốc hội EU, Antonio Tajani hôm qua tỏ ra lạc quan về triển vọng thoả thuận Brexit giữa Anh và EU sẽ kết thúc tốt đẹp. Tuy nhiên, các bên tham gia đàm phán thừa nhận, quá trình đi tới một thoả thuận chung trong 17 tháng qua diễn ra hết sức khó khăn. Trưởng đàm phán Brexit của EU, Michael Barnier cho rằng sau giai đoạn đàm phán phức tạp và khó khăn, đây là thời điểm “các bên cần thể hiện trách nhiệm của mình”. Ông Barnier cho biết: “Chúng tôi không bao giờ chống lại Anh. Thoả thuận này là cần thiết để xây dựng lòng tin giữa Anh với EU mà chúng ta cần làm. Chúng ta sẽ vẫn là những người bạn, là đồng minh”.