Công tác tại Huyện ủy Con Cuông thâm niên ngót 20 năm, có cuộc sống tương đối đủ đầy và một gia đình êm ấm. Đùng cái ông Đông quyết định từ bỏ phố thị, bán tống bán tháo tài sản tìm về chốn khỉ ho cò gáy trong sự ngỡ ngàng của tất thảy.
2 vợ chồng ông Đông xác định phát triển hình thức du lịch cộng đồng Homestay. |
Trong mắt người đời ông là kẻ điên, nào ngờ chỉ sau vài năm ngắn ngủi chính người đàn ông gàn dở đó đã xóa tan định kiến…
Kiên định
Phần lớn thời gian này, ông gắn bó mật thiết với Chánh Văn phòng Vi Văn Sơn, người hiện tại là Chủ tịch UBND huyện.
Chia sẻ về hành trình phục tráng dòng rượu quý, ông Đông thừa nhận đó là cơ duyên. Số là trong một chuyến công tác dài ngày, Chánh Văn phòng Vi Văn Sơn bùi ngùi tâm sự: “Hầu hết các huyện miền Tây đều có đặc sản riêng, có sản phẩm im đậm trong tâm trí du khách, ví như bò giàng Kỳ Sơn, chè Thanh Chương, bánh gai Anh Sơn, trong khi Con Cuông vốn nhiều tiềm năng nhưng chưa tạo được dấu ấn rõ nét”.
Chung nỗi lòng, trắng đêm hôm đó hai “thầy trò” liệt kê ra đủ loại sản phẩm lợi thế nhưng phân tích đủ đường mới thấy rõ gian nan. Suy đi tính lại chỉ độc nhất rượu men lá truyền thống là khả thi nhất bởi đây là nét văn hóa thuở xa xưa, đồng thời khơi dậy đúng niềm đam mê bấy lâu mà ông Đông vẫn hằng ấp ủ. Dù vậy nghĩ và làm là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau, điều này càng được chứng thực rõ nét khi chính thức xắn tay vào công cuộc phục tráng.
Mọi thứ đang xuôi chèo mát mái đùng cái ông Đông xin thôi việc rồi bán tống bán tháo tài sản, chi ra hàng tỷ đồng tìm về nơi đồng không mông quanh cất dựng nhà sàn, làm vườn rượu, theo đuổi phong cách Homestay.
Cần nói thêm, 7 năm về trước bản Thành Đào, xã Bồng Khê vô cùng hoang sơ, bốn phía chìm nghỉm trong cỏ cây mây ngàn, không gian nhìn rất cám cảnh. Dễ hiểu hành động lạ lùng của ông khiến người người trố mắt kinh ngạc, lắm kẻ ác miệng khăng khăng ông có vấn đề, một số khác chắc mẩm ông ăn chơi đàm đúm nên mới ra nông nỗi này.
Bên ngoài hoài nghi, đến như người vợ đầu ấp tay gối suốt bao năm, chị Vi Thị Nga cũng không thể nào chấp nhận nổi ý nghĩ trái khoáy của đức ông chồng: “Ngay cả vợ tôi cũng làm mình làm mẩy, kịch liệt phản đối suốt 2 năm trời. Suốt thời gian dài tôi như người đi ngược nắng, may mắn thay tình hình về sau bắt đầu có chuyển biến, áp lực nhờ thế cũng được giải tỏa đi ít nhiều”.
Thực tế bản thân ông Đông đã cất công mò mẫm, lân la khắp 13 xã, thị, đêm hôm gõ cửa từng nhà cậy nhờ nhưng chẳng khác nào hành trình mò kim đáy bể. Hỏi đến ai cũng lắc đầu nguầy nguậy, mỗi bận như thế niềm tin lại cạn vơi đi ít nhiều
Rượu men lá truyền thống đã được phục tráng thành công. |
May thay trong nắng hạn lại gặp được cơn mưa rào, bước ngoặt xuất hiện khi ông tìm thấy cụ Vi Thị Hoàng, ở bản Xiềng, xã Đôn Phục, người may mắn lưu giữ được 60-70 % quy trình làm ra vốn quý: “Lúc này trong nhà bà cụ còn một ít rượu chưng cất lâu năm, uống thử thấy hương vị rất êm, mang nhiều nét truyền thống của rượu truyền thống xưa kia. Thực tâm khi cụ bà khẳng định vẫn nhớ cách thức, bản thân tôi như vớ được vàng”.
Những tưởng mọi việc sẽ sớm hanh thông nhưng khi nghe ý tưởng, cụ bà Vi Thị Hoàng cùng một số hộ khác tỏ ra ái ngại, họ cho rằng quy trình quá phức tạp, chưa kể việc tìm kiếm nguyên liệu rất mất thời gian, thậm chí trường hợp chiết xuất thành công thì giá thành sẽ rất đắt đỏ, liệu rằng người tiêu dùng có chấp nhận hay không?
Trước những thách thức đặt ra, ông Đông khẳng định chắc nịch: “Chỉ cần mọi người toàn tâm toàn ý cho công việc, tôi cam đoan tất cả sẽ được xử lý ổn thỏa nội trong 3 ngày”.
Vỡ òa
Ban đầu ông Đông chủ động thử nghiệm trên một lượng nguyên liệu vừa phải, không ngờ chưng cất tức thì ngay dòng sản phẩm vô cùng thơm ngon. Thành công đến sớm khiến ai nấy như mở cờ trong bụng, điều đó vô tình kéo theo tâm lý chủ quan của những người trong cuộc.
Nghĩ đã cầm chắc phần thắng, cộng thêm cam đoan từ chính các hộ nấu, ông quyết định đầu tư làm lớn khi nhập vào hàng tấn ngô, gạo những mong có được sản phẩm tương tự. Lạc quan bao nhiêu bỗng chốc thất vọng bấy nhiêu khi toàn bộ lượng men làm ra đều có vấn đề, lần đó men hỏng nhiều vô kể, mùi chua nồng xộc lên tận óc. Tiếc của tiếc công, tiếng thở dài tuôn ra thườn thượt.
Cuối cùng ông Đông cũng thành công khi phục tráng dòng rượu men lá. |
Đinh ninh chỉ là sự cố đơn thuần, ngờ đâu những lần tiếp theo vẫn y nguyên kịch bản cũ. Sự việc kéo dài triền miên dần dà dẫn đến tâm lý hoang mang tột độ, cứ thế tư tưởng buông xuôi xuất hiện như một lẽ tất yếu.
“Của đau con xót” chính bản thân ông Đông là người cảm nhận rõ áp lực hơn cả, nhưng trót đâm lao phải theo lao, đã lao tâm khổ tứ thì không thể dễ dàng buông bỏ. Nghĩ là làm, một mặt ra sức động viên, mặt khác ông yêu cầu các hộ triển khai bài bản, chi tiết hơn, từng công đoán phải được ghi chép kĩ lượng để từ đó rút ra quy chuẩn, tỷ lệ phù hợp nhất.
Trời không phụ lòng người, ngày qua ngày, sau thời gian dài tuân thủ nghiêm ngặt rốt cuộc tín hiệu tích cực đã đến, các sản phẩm làm ra dần cho thấy sự ổn định cần thiết, những mẻ men sau thường đảm bảo hơn các mẻ men trước. Cứ thế sau khoảng 1 năm rưỡi đổ mồi hôi sôi nước mắt mọi thứ dần hoàn chỉnh.
Hương vị xưa kia được phục hồi nhưng điều đáng ngại là nồng độ rượu quá nặng, đến mức chỉ một mồi lửa đã cháy phừng phực. Mất thêm một vài tháng mày mò, rốt cuộc mẻ sản phẩm ưng ý nhất cũng ra lò. Theo đánh giá của số đông người biết thưởng thức, dòng rượu cải tiến phát tiết thêm cảm giác êm ái, lâng lâng, quan trọng nhất là vẫn giữ được những nét đặc trưng vốn có.
“Rượu men lá truyền thống nếu được hạ thổ sẽ có hương vị tuyệt vời, nếu ai đã dùng quen thì khó chấp nhận bất kỳ loại rượu nào khác. Ngay khi mở nắp chum có thể cảm nhận rõ mùi thơm riêng biệt, quan sát trên bề mặt có một lớp màng mỏng tang, gạt nhẹ mặt nước sẽ nhìn thấy rõ mồn một phía dưới đáy. Chưng cất đúng cách sẽ có ngay mẻ rượu trong vắt, trong đến mức nhiều thực khách bán tín bán nghi”, ông Đông tâm đắc.
Sản phẩm chưng cất thành công đúng vào thời điểm kinh tế đã cạn kiệt sau chuỗi ngày dài cùng cực gồng gánh, những tưởng ông Đông sẽ tranh thủ thời cơ để tận thu đồng vốn. Nào ngờ trong tình thế nước sôi lửa bỏng, chất ngông lại một lần nữa trỗi dậy: “Tiếng lành đồn xa, lượng khách hàng tìm đến ngày càng tăng lên. Nhiều người hỏi mua nhưng ông ấy kiên quyết từ chối, trước sau chỉ biếu một ít sản phẩm để có sự đánh giá khách quan. Của nả dư dả chẳng nói làm gì, đằng này được chừng nào đổ dồn hết vào đây, năm hết tết đến bao nhiêu thứ cần chi tiêu mà ông ấy cứ bình chân như vại”, chị Vi Thị Nga nhớ lại.
Dần dà, vợ chồng ông Đông đã tích lũy trong tay cả cơ ngơi rượu quý, lúc đỉnh điểm phải đến hàng ngàn lít. |
Kiên định củng cố vững chắc thương hiệu, từng bước gầy dựng chờ thời điểm bung lụa, cứ thế dần dà gã gàn phố núi đã tích lũy trong tay cả cơ ngơi rượu quý, lúc đỉnh điểm phải đến hàng ngàn lít, nguồn hàng được đánh đi khắp 20 tỉnh, thành trên cả nước.
Thành công của ông Đông đã tạo nên động lực lan tỏa rộng khắp, nhiều hộ đã chính thức quay về với giá trị xưa cũ sau chuỗi ngày dài lệ thuộc vào dòng men công nghiệp độc hại. Phải thừa nhận, rượu men lá truyền thống Con Cuông đang sống lại những ngày hoàng kim.
Qua lời các bậc cao nhân, rượu men lá truyền thống sở hữu nhiều nét đặc trưng riêng biệt. Rượu được chiết xuất từ 18 – 20 loại thảo dược quý như cây vàng gua, cây bu tử, quế hay cam thảo rừng. Khác với cách thức thông thường, quy trình sản xuất rượu men lá đòi hỏi sự tỉ mẩn, chi li, nguyên liệu phải làm sạch bong rồi mới tiến hành phơi khô, tiếp đó đến khâu trộn bột làm men, xong xuôi trộn tiếp với lá rừng trước khi xay nhuyễn. Sau quá trình ủ, khơi, từng viên men được đưa ra phơi ngoài ánh sáng, lúc này tuyệt đối không để ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào. Quy trình nấu ròng rã cả tháng trời, dễ thấy việc phục tráng thứ rượu độc đáo này quả thực hết sức gian nan, nhất là trong bối cảnh sản phẩm đã mai một từ hàng chục năm nay. |