| Hotline: 0983.970.780

Gần 79% các ổ dịch cúm gia cầm là do chủng virus A/H5N6

Thứ Năm 03/09/2020 , 09:08 (GMT+7)

Thông tin trên được Cục Thú y đưa ra tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2020 do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 3/9 tại Hà Nội.

Số ổ dịch cúm gia cầm được phát hiện gây ra do virus cúm gia cầm A/H5N6 chiếm tới gần 79%. Ảnh: Nguyên Huân.

Số ổ dịch cúm gia cầm được phát hiện gây ra do virus cúm gia cầm A/H5N6 chiếm tới gần 79%. Ảnh: Nguyên Huân.

Chưa ghi nhận trường hợp người mắc cúm gia cầm chủng A/H5N6

Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước xảy ra 66 ổ dịch cúm gia cầm, bao gồm 52 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 và 14 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 23 tỉnh, thành phố. Số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là gần 200 nghìn con.

Hiện tại, cả nước có 5 ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày, bao gồm 4 ổ dịch cúm A/H5N6 xảy ra tại Kon Tum (1 xã), Đăk Lăk (1 xã), Khánh Hòa (1 xã), Hải Phòng (1 xã); 1 ổ dịch cúm A/H5N1 tại tỉnh Trà Vinh (1 xã).

So với cùng kỳ năm 2019, số ổ dịch tăng 2 lần và số gia cầm bị dịch phải tiêu hủy cao hơn 2,8 lần. Các ổ dịch cúm gia cầm chủ yếu xảy ra trên vịt (chiếm 56%), gà chiếm 40%, số còn lại là các loại gia cầm khác.

Riêng chủng virus cúm A/H5N6 lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào năm 2014 và hàng năm gây ra các ổ dịch nhỏ lẻ trên gia cầm. Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người mắc bệnh do chủng virus cúm gia cầm A/H5N6. Tuy nhiên, số ổ dịch gây ra do virus cúm gia cầm A/H5N6 chiếm tới gần 79%.

Virus cúm gia cầm A/H5N6 chủ yếu lưu hành, gây bệnh ở khu vực phía Bắc và miền Trung. Các ổ dịch do virus cúm A/H5N1 xảy ra chủ yếu tại các tỉnh khu vực phía Nam.

Cục Thú y đã chỉ đạo Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương và Chi cục Thú y vùng VI gửi tổng cộng 1.261 mẫu virus cúm gia cầm sang phòng thí nghiệm của CDC Hoa Kỳ để phân tích chuyên sâu.

Kết quả cho thấy, tất cả các mẫu virus gây ra ổ dịch cúm gia cầm tại Việt Nam đều thuộc chủng A/H5N1 nhánh 2.3.2.1c và A/H5N6 nhánh 2.3.4.4g và 2.3.4.4h. Các nhánh virus không có biến đổi lớn, về cơ bản giống các chủng đã lưu hành năm 2019, ngoài trừ nhánh virus 2.3.4.4h có chiều hướng biến đổi.

Chưa ghi nhận chủng virus cúm gia cầm A/H7N9

Bên cạnh đó, chủng virus H9N2 được phát hiện khá phổ biến, ở khoảng 52% tổng số mẫu đã phân tích (662 mẫu). Riêng chủng virus H7N9 không phát hiện mẫu dương tính, đây là chủng virus rất nguy hiểm vì đã gây bệnh trên người tại Trung Quốc.

Cục Thú y nhận định, thực tế vừa qua cho thấy các ổ dịch cúm gia cầm chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc biệt tại các hộ mới chuyển sang chăn nuôi gia cầm (sau khi có bệnh dịch tả lợn Châu Phi), gia cầm chưa được tiêm phòng vacxin cúm. Tuy nhiên, các địa phương đã phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.

Cục Thú y đề nghị các địa phương và lực lượng chức năng cần tăng cường giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Ảnh: Nguyên Huân.

Cục Thú y đề nghị các địa phương và lực lượng chức năng cần tăng cường giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Ảnh: Nguyên Huân.

Dự báo, trong các tháng cuối năm 2020, nguy cơ dịch bệnh xảy ra là rất cao do thời tiết thay đổi, tổng đàn gia cầm lớn, mật độ chăn nuôi cao, việc vận chuyển giữa các địa phương tăng cao để phục vụ nhu cầu cuối năm. Hơn nữa, virus cúm gia cầm lưu hành với tỷ lệ tương đối cao (tỷ lệ lưu hành cúm gia cầm A/H5N1 là 1,83% và cúm A/H5N6 là 2,07%).

Cục Thú y lưu ý, mặc dù Việt Nam chưa phát hiện virus cúm A/H7N9, tuy nhiên, nguy cơ virus cúm A/H7N9 và các virus gia cầm khác như A/H5N2, A/H5N8 xâm nhiễm là rất cao nên các địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi cần tuân thủ tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình thú y và phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt, các địa phương và lực lượng chức năng cần tăng cường giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm, xử lý nghiêm những trường hợp hàng hóa nhập lậu qua biên giới, sản phẩm nhập khẩu không có nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.