| Hotline: 0983.970.780

Gánh nặng gia đình vì em gái 'hoang thai' và phá của

Thứ Hai 18/03/2019 , 09:56 (GMT+7)

Khi gần 18 tuổi, nó có con ngoài ý muốn (gia đình con không biết ba đứa bé là ai, nhưng cái người đó cũng không ra gì, nghe nói hiện đã đi tù). Vấn đề không dừng lại ở đó cô ơi...

Con chào cô Dạ Hương!

Thêm lần nữa con lại phải tìm tới cô. Nhưng lần này con viết không vì bản thân con, con viết về đứa em gái của con cô ơi.

Em sinh cuối năm 1995, là con út trong nhà có 4 anh chị em (3 gái, 1 trai). Nó học không hết cấp 3 (mặc dù gia đình đã năn nỉ, tạo điều kiện để thi lại, học lại kể cả học bổ túc), nhưng cuối cùng cũng không thành công.

Rồi em chọn con đường đi làm, nhưng giai đoạn đi học từ cấp 2 đến lớp 11 nhà con trần ai với em luôn: nghiện internet, trộm cắp vặt… Khi gần 18 tuổi, nó có con ngoài ý muốn (gia đình con không biết ba đứa bé là ai, nhưng cái người đó cũng không ra gì, nghe nói hiện đã đi tù). Đến bây giờ em bé đã hơn 4 tuổi.

Vấn đề không dừng lại ở đó cô ơi, có thể em học không nhiều nên cái lối suy nghĩ vẫn như một đứa vị thành niên, đơn giản nông cạn. Ví như vay tiền nóng, chỉ cần được vay và có tiền chứ chưa bao giờ ngoảnh lại xem vay 2 năm từ 30 triệu sẽ là bao nhiêu.

Rồi người ta vô tận nhà đòi khiến chị em con phải xoay sở giúp mẹ, rồi những khoản nợ vặt ở chỗ làm, chưa nói đến vụ em tin người ta (người làm chung công ty) đứng ra vay ngân hàng (vay tín chấp), rồi người đó ôm tiền bỏ đi, đến mức tên đầy đủ của người đó và nơi ở nó cũng không biết luôn (nhà con lại xoay sở lần nữa).

Nói chung còn nhiều, rất nhiều sự việc khác, con không biết phải hướng em đi như thế nào. Nói chuyện với em, khuyên ngăn hay răn đe đều có, nó khóc lóc hứa hẹn, cả quỳ gối van xin, hình như nó ăn sâu vào đầu em con rồi, nói đó, hứa đó, nhưng vài bữa đâu lại vào đó.

Bây giờ con phải làm sao hả cô? Người chị đầu đã có gia đình riêng, chị con ở xa hơn, con may mắn phước phần có chồng, gia đình chồng ổn định về kinh tế cũng như những vấn đề khác, nhưng cũng vì vấn đề này mà con ôm gia đình mình nặng hơn. Nhưng còn con của con, còn chồng của con nữa, sao đây? Con có thể thương đứa cháu bất hạnh kia hơn con mình, nhưng sao có thể bao bọc hoài được?

Có phải trong nhà thường bị một đứa như vậy đúng không cô? Con thấy nuôi con đã khổ, dạy con còn trần ai hơn, nhưng cũng tùy từng đứa đúng không cô? Bản thân con rất nhát, nghe ba mẹ hù là sợ tái mặt rồi, không cần chờ đến roi chứ đừng nói những thứ khác. Về đứa cháu gái này lá thư sau con lại chia sẻ với cô. Cô giữ kín email giúp con.

----------------------

Cháu thân mến!

Cha mẹ sinh con trời sinh tính, ấy là đúc kết dân gian. Nói trời để khỏi nói thêm nữa, nhưng thực ra, do bí ẩn của di truyền đó cháu. Gene lặn và gene trội cháu biết rồi đó. Con cái giống cha hoặc giống mẹ nhưng tự dưng có người giống bà cô bà cố hay ông cố ông can ông sơ ông sở. Kỳ lạ đến mức các đấng sinh thành còn không nhận biết con mình giống ai về mặt tính cách và đặc điểm, vì họ cũng lờ mờ ông bà tổ của mình.

Em gái của cháu không giống mẹ và các chị có thể do di truyền và một phần cũng do học không vào trong thời buổi các tiện ích điện tử làm cho mê hoặc, áp đảo và buông xuôi. Thời nay ấy, người có bản lĩnh lắm mới vững vàng, không mê game, không mê mạng, không mê Internet, không mê phim đen, không mê chat chit…

Có không những đứa trẻ lớn lên không mê những thứ ấy, có nhưng quá ít. Đa số đều ngấm, đều không rời được smartphone và iPad cùng lap top, cái thời theo cô là nhiều xui rủi chứ chẳng hay ho gì. Con người quay cuồng và tội các phát triển như vũ bão.

Cô nghĩ, gia đình nào cũng eo đèo một khúc. Một bầy con bốn đứa của ba má cháu thì một đứa chật vật. Đúng thôi. Đó là quy luật cân bằng của trời đất, người ta nói rằng, để cho công bằng, không nhà nào được trọn vẹn cả. Thôi thì cứ tin như vậy để sống tiếp, không thì cứ so sánh với nhà khác rồi chết buồn à?

Em của cháu nó đã lợt đợt từ khi bé, va vấp toàn những chuyện tày trời, như hoang thai mà có con sớm, rồi mượn nợ ăn chơi, rồi dính với tín dụng đen do lòng tham …vụ việc nhiều nhưng tựu trung cũng vì nó quan hệ với những đối tượng có vấn đề tư cách và đạo đức cả. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã cháu ạ.

Làm sao đây? Cô cũng không biết sao nữa. Nó đã hai mươi mấy tuổi, một bà mẹ đơn thân, nó đi làm, nhưng nó chưa tu tỉnh. Cứ đà này coi chừng cuộc đời nó đi thẳng vào ngõ cụt. Ba và má cháu cứ bình tâm ôm đứa cháu ngoại ấy chăm như con út đi, đừng hy vọng vào người mẹ là nó.

Không chừng với bộ gene của mẹ và bố đứa bé, cô con gái này lớn lên cũng chật vật. Bình tâm để mà còn sống tiếp nữa chứ. Và cháu, ở gần và vững vàng thì phải gánh trách nhiệm nặng cháu ạ, không né được. Hy vọng thời gian sẽ làm cho em cháu chín chắn và khi gặp được một người đàn ông tử tế, nó mới yên.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm