Ngày 13/2, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cần Thơ tổ chức tổng kết mô hình “Canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp” trong vụ lúa đông xuân 2024 - 2025 tại huyện Thới Lai. Mô hình này thuộc Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Mô hình được triển khai trên diện tích 6ha tại hộ ông Trần Văn Đời ở ấp Trường Khương, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
Đây là vụ đầu tiên hộ ông Đời áp dụng phương pháp canh tác lúa giảm phát thải với giống lúa Đài Thơm 8. Nhờ áp dụng các biện pháp quản lý nước hiệu quả, bón phân cân đối và giảm sử dụng thuốc BVTV, mô hình đã giảm chi phí sản xuất từ 15 - 20% so với canh tác truyền thống.
Đặc biệt, mô hình giúp giảm đáng kể lượng giống gieo sạ, giảm công lao động, giảm sử dụng phân bón, thuốc BVTV. Lúa trong mô hình sẽ thu hoạch sau 2 - 3 ngày tới, dự kiến năng suất lúa đạt 8,5 tấn/ha. Với giá bán 6.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Trần Văn Đời dự kiến thu lãi hơn 4,3 triệu đồng/công. Đây là kết quả rất khả quan cho vụ sản xuất đầu tiên.
![anh-2-143710_31-143710.jpg Mô hình trồng lúa giảm phát thải cho năng suất 1,1 tấn/công (1.300m2), sau khi trừ chi phí lãi 4,3 triệu đồng/công. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/14/anh-2-143710_31-143710-083640.jpg)
Mô hình trồng lúa giảm phát thải cho năng suất 1,1 tấn/công (1.300m2), sau khi trừ chi phí lãi 4,3 triệu đồng/công. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Anh Nguyễn Văn Dương, phụ trách marketing khu vực ĐBSCL của Công ty cổ phần Sản xuất - Kinh doanh Phân bón Bình Điền II (Phân Bón 2 Phong) - đơn vị tài trợ 50% chi phí phân bón cho mô hình cho biết: So với sản xuất truyền thống, mô hình giảm chi phí phân bón từ 20 - 30% nhờ bón phân vùi trước và sau khi xuống giống. Trong canh tác sử dụng sản phẩm phân Lúa Xanh NPK 18-14-6+6S+TE.
Vụ lúa đông xuân 2024 - 2025, Công ty triển khai nhiều mô hình (khoảng 700ha) ở các tỉnh ĐBSCL và hứa hẹn mang lại hiệu quả tốt. Từ những kết quả khả quan đạt được, Công ty Phân Bón 2 Phong sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trong các vụ lúa tiếp theo để bà con nông dân áp dụng.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đánh giá, đây là một trong những mô hình canh tác lúa tiên tiến, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Mô hình này không chỉ giúp giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Đây là tiền đề quan trọng để nhân rộng mô hình trên nhiều quận, huyện khác trong những năm tới ở Cần Thơ.
Theo Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, thời gian tới Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, HTX và nông dân để mở rộng diện tích áp dụng mô hình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đồng thời, đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân tiếp cận với các giải pháp canh tác tiên tiến và các chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo tính bền vững của mô hình.
![Trồng lúa giảm phát thải giúp nông dân giảm chi phí sản xuất từ 15 - 20% so với sản xuất truyền thống. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/14/anh-3-143710_977-143711-083641.jpg)
Trồng lúa giảm phát thải giúp nông dân giảm chi phí sản xuất từ 15 - 20% so với sản xuất truyền thống. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
"Vụ lúa đông xuân 2024 - 2025, các địa phương đã làm tốt khâu liên kết từ nông dân với doanh nghiệp và có sự chủ động của người sản xuất giúp giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận từ 10 - 15% so với sản xuất thông trường. Đặc biệt, mô hình mô canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải đã góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi nền nông nghiệp bền vững của TP Cần Thơ theo hướng hiện đại”, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ nhấn mạnh.