| Hotline: 0983.970.780

Giả danh trung tá quân đội, lừa cả nhà chùa

Thứ Sáu 11/01/2019 , 09:20 (GMT+7)

Dù các nạn nhân của hai người trên đã gửi rất nhiều đơn từ đến các cơ quan chức năng, mà hai người đó vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?

Tháng 5/2018, thông qua một số mối quan hệ, Bùi Hoàng Yến đã cùng với Đỗ Văn Vững, giám đốc Công ty CP Thương binh và Bệnh binh Trường Sơn (có trụ sở tại nhà của Vững là đội 3, thôn Quảng Yên, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) đến gặp sư thầy Thích Đàm Lâm, trụ trì chùa Am Sáo ở thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, cùng huyện này.

Giấy nhận tiền của nhà chùa Am Sáo do Yến ký và Vững đóng dấu

Yến xưng là trung tá quân đội đã nghỉ hưu, hiện làm phó cho Vững, và “nổ” tung trời rằng Yến là cháu gọi một vị cán bộ Trung ương, từng làm "rất to" (đã nghỉ hưu) bằng cậu ruột. Vị cán bộ "rất to" này lại là “bố nuôi” của một vị "rất to" khác, vì thế Yến với vị "con nuôi” kia chẳng khác gì chị em ruột. Bản thân Yến lại là chị của một vị phó chủ nhiệm văn phòng một cơ quan quyền lực cấp Bộ (đã nghỉ hưu).

 Với mối quan hệ đó, Yến “đi cửa nào cũng lọt”, và Yến có thể làm được rất nhiều việc, nào đưa một người bình thường vào làm công chức nhà nước không cần thi; nào “chạy” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho cả những thửa đất không đủ điều kiện cấp sổ đỏ; nào “chạy” chính sách từ tử sĩ trở thành liệt sĩ; nào “chạy” giám đốc thẩm các vụ án, và “chạy”xin Bộ VH-TT, DL cấp bằng công nhận di tích lịch sử, văn hóa cho các đình chùa và đặc biệt là xin kinh phí tu sửa, tôn tạo những cơ sở tôn giáo đó...

Yến nói nếu sư thầy Thích Đàm Lâm muốn tu sửa hay nâng cấp chùa Am Sáo, thì Yến sẽ “chạy” xin cho 15 tỷ đồng. Những lời “nổ” đó của Yến được Vững tán dương thêm vào, khiến chúng trở thành gấm hoa. Tin lời Yến, sư thầy đã nhờ Yến làm các thủ tục xin kinh phí cho chùa. Yến bảo sư thầy: "Thôi, đằng nào cũng một công xin, con sẽ xin cho thầy 20 tỷ".

Tiếp theo, Yến yêu cầu sư thầy đưa tiền để làm kinh phí “lo lót”. Mỗi lần nhận tiền của sư thầy, Yến đều viết “giấy biên nhận” hẳn hoi. Và để tạo niềm tin cho người đưa tiền, Vững còn dùng con dấu của Công ty CP Thương binh và Bệnh binh Trường Sơn đóng hẳn hai ba dấu vào đó, có tờ biên nhận, Vững còn đóng hẳn 4 dấu.

Sau khi cầm của sư thầy 2,082 tỷ đồng, Yến và Vững “lặn” mất tăm. Đến lúc đó, sư thầy mới biết mình bị lừa. Và ngoài sư thầy, Yến còn cầm tiền của hàng loạt người khác, chỉ riêng 3 vị trụ trì ở 3 ngôi chùa là chùa Cao Mật (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội), chùa Vối Cầu (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), chùa My Hạ (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội), Yến đã cầm 3,918 tỷ đồng.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Bệt (xóm 6, thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai) còn đưa cho Bùi Hoàng Yến 346 triệu đồng để nhờ “chạy” cho con gái vào công chức; ông Phạm Hữu Lưu (xòm Cầu Thân, tổ dân phố Ngô Sài, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) đưa cho Yến 227 triệu đồng để nhờ “chạy” sổ đỏ; ông Nguyễn Hoàng Giác (tổ dân phố phố huyện, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) đưa cho Yến 60 triệu đồng để “chạy” sổ đỏ; ông Nguyễn Hữu Long (xòm Đình, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất) đưa cho Yến 40 triệu đồng cũng để “chạy” sổ đỏ; ông Quản Đắc Họp (thôn Vân Côn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức) đưa cho Yến 40 triệu đồng để nhờ Yến “chạy” giám đốc thẩm cho hai con trai đang phải chấp hành án 5 năm và 5 năm 6 tháng tù.

Bà Nguyễn Thị Bình (thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai) có chồng là tử sĩ nghe lời Yến nỉ non, cũng móc hầu bao đưa cho Yến 20 triệu đồng để “chạy” cho chồng thành liệt sĩ... Hiện tại, mới biết được trên chục nạn nhân đã đưa tiền cho Yến tổng cộng trên 7 tỷ đồng. Rất có thể danh sách các nạn nhân của Yến còn kéo dài hơn nữa.

Với tất cả những người đưa tiền để nhờ “chạy” việc này việc kia, Yến không giúp được cho ai một việc gì. Cũng theo sư thầy Thích Đàm Lâm, thì khi biết sư thầy có đơn gửi các cơ quan chức năng, Yến đã gọi điện cho thầy, chửi bới rất thô tục, và nhắc đi nhắc lại “tao sẽ cho người về giết mày”. Những lời này, sư thầy đều ghi âm được.

Hành vi của Yến đã có dấu hiệu cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Còn Đỗ Văn Vững, Giám đốc Công ty CP Thương binh và Bệnh binh Trường sơn, có dấu hiệu là đồng phạm với Yến.

Theo tìm hiểu, Yến có nơi sinh sống là khu tập thể quân đội, Tổng cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), và hiện đang sống cùng con gái tại căn hộ P718-K6, khu đô thị Việt Hưng (phường Giang Biên, quận Long Biên), còn Vững có nơi cư trú là đội 3, thôn Quảng Yên, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai.

Những người dân ở các địa chỉ trên cho biết họ vẫn thấy Yến và Vững đi lại, sinh hoạt bình thường. Nhưng không hiểu sao, dù các nạn nhân của hai người trên đã gửi rất nhiều đơn từ đến các cơ quan chức năng, mà hai người đó vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.