| Hotline: 0983.970.780

Giá dầu tăng: Ngư dân "sét đánh ngang tai"

Thứ Hai 12/03/2012 , 09:57 (GMT+7)

Trong những ngày qua, không khí làm ăn của ngư dân có tàu đánh bắt xa bờ ở Bình Định bỗng dưng chùng xuống khi giá nhiên liệu đột nhiên tăng cái vút lên hơn 1.000đ/lít, lại nhằm vào lúc chuyện đánh bắt của bà con chẳng suôn sẻ gì.

Trong những ngày qua, không khí làm ăn của ngư dân có tàu đánh bắt xa bờ ở Bình Định bỗng dưng chùng xuống khi giá nhiên liệu đột nhiên tăng cái vút lên hơn 1.000đ/lít, lại nhằm vào lúc chuyện đánh bắt của bà con chẳng suôn sẻ gì.

Thời điểm này, xăng dầu bỗng dưng tăng giá là tin “sét đánh ngang tai” đối với bà con ngư dân. Ông Huỳnh Văn Hoàng ở xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn - Bình Định), chủ tàu BĐ 96289TS, nói trong tiếng thở dài: “Cuối năm 2011 vừa qua, tàu của tui hành nghề câu mực liên tục thua lỗ, hết nợ tiền xăng dầu đến nợ các chủ nậu. Số tiền nợ ngày càng chất chồng. Đầu năm 2012 đến nay, 3 chuyến đánh bắt đầu vụ kiếm được kha khá nhưng chưa đủ trả nợ thì giờ xăng dầu lại tăng giá”.  

Ngư dân Lương Văn Minh than thở với PV

Yên lặng một lát rồi ngồi bệt xuống mạn tàu ra vẻ chán nản, ông Hoàng tính toán: “Tàu của tui có công suất 110 CV, mỗi chuyến đi biển ít nhất kéo dài 20 ngày, tốn khoảng 2.000 lít dầu, cộng với các loại phí tổn khác phải gần 60 triệu đồng. Hải sản đánh bắt được thì ngày càng ít, thu không đủ bù chi. Bây giờ dầu tăng hơn 1.000đ/lít, tính sơ sơ cũng phải mất thêm hơn 2 triệu đồng nữa cho mỗi chuyến ra khơi. Kiểu này chắc tui phải bàn tính với vợ bán tàu kiếm nghề khác làm ăn. Đi biển mà lỗ nặng thì đi làm gì”.

Khi giá dầu tăng, nhà ai có nhiều tàu nỗi lo càng lớn. Gia đình ông Nguyễn Văn Ái ở xã Mỹ An (Phù Mỹ - Bình Định) đang sở hữu đội tàu “khủng” gồm 4 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Trong đó 2 chiếc có công suất 270 CV, 1 chiếc có công suất 450 CV và 1 chiếc tàu “khủng” có công suất 900 CV đang làm nghề lưới vây rút chì tại vùng biển Trường Sa.

Ông Ái cho hay: “4 chiếc tàu của gia đình tui thường xuyên thu hút hơn 100 người tham gia đi bạn. Nếu xăng dầu tăng giá, thu nhập từ mỗi chuyến biển xuống thấp thì sẽ có hàng trăm gia đình bị ảnh hưởng. Chỉ riêng chiếc tàu 900 CV mỗi chuyến biển đã “nuốt” đến 16.000 lít dầu. Bây giờ giá tăng hơn 1.000đ/lít, vị chi mỗi chuyến biển chiếc tàu này phải chịu mất thêm khoản tổn phí là 16 triệu đồng. Nếu trời yên biển lặng thì đội tàu của gia đình tui làm ra bạc tỷ sau mỗi chuyến biển, nhưng khi đánh bắt không thuận lợi ắt sẽ lỗ to vì chi phí nhiên liệu quá lớn”.

Tàu cầm bờ tại cảng Quy Nhơn

Không chỉ phải chịu thêm khoản chi phí lớn, dầu tăng giá còn “đẩy” hàng nghìn chiếc tàu đánh bắt xa bờ ở Bình Định vào cảnh “cầm bờ” vì không kiếm ra bạn để đi biển. Ngồi buồn bã trên mạn chiếc tàu đang cập tại cảng cá Quy Nhơn, ông Lương Văn Minh, chủ chiếc tàu BĐ 95747 TS giải thích: “Chiếc tàu 300 CV của tui làm nghề câu mực khơi. Từ năm ngoái đến nay làm ăn chẳng ra sao, bị lỗ liên tục. Trước mỗi chuyến biển thường thì tui phải cho 7 người đi bạn ứng trước 3 triệu/người, sau chuyến đánh bắt họ sẽ trả lại. Liên tiếp nhiều chuyến đánh bắt không có sản phẩm, tui bị lỗ đã đành, tiền ứng trước cho bạn kể như vô phương thu hồi, riêng năm ngoái tui bị tổn thất gần 200 triệu đồng".

"Bây giờ giá dầu tăng mà đánh bắt không ra, cầm chắc sẽ lỗ to hơn. Không có tiền ứng trước cho bạn thì họ bỏ tàu đi hết không làm cho mình nữa, tàu phải chịu cảnh cầm bờ. Mà tàu cầm bờ là ngư dân tụi tui phải treo niêu”, ông Minh tỏ ra chán nản. Vừa di chuyển những can dầu từ dưới tàu lên bờ, chị Lê Thị Hai, vợ của một chủ tàu tâm sự: “Chuyến biển vừa rồi mới ra khơi, tàu của chồng tui gặp ngay áp thấp nhiệt đới nên phải cập bờ. Giá dầu tăng cao, để dầu trong tàu những ngày tàu cầm bờ sợ bị mất trộm, tui phải hút ra hết mang về nhà cất, khi nào mở biển sẽ bơm vô lại”.  

Chị Hai hút dầu về nhà cất trong những ngày tàu của gia đình chị bị cầm bờ

“Thế nhưng để kiêm nghề không phải tàu nào cũng có khả năng. Bởi đầu tư cho giàn lưới vây rút chì phải tốn ít nhất là 300 triệu đồng. Trong khi làm ăn thua lỗ dài dài thì dù muốn lắm nhưng tụi tui không kham nổi”, ngư dân Trần Văn Cắt, chủ tàu BĐ 95290 TS ở Tam Quan Nam (Hoài Nhơn - Bình Định) cho biết.

Theo ngư dân, khi dầu tăng giá thì những tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương càng gặp khó khăn bởi phải xa bờ nhiều ngày, tiêu tốn nhiều nhiên liệu. Khai thác và chế biến hải sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương ở miền Trung, nếu dầu tăng giá, ngư dân làm ăn thua lỗ, không thể bám biển thì những địa phương này sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Bà Mai Kim Thi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, cho biết: “Vào tháng 3 năm ngoái, giá dầu tăng 2 đợt ngư dân vẫn chưa hết tá hỏa thì nay dầu lại tăng. Theo tính toán, trong những năm gần đây, giá nhiên liệu tăng đến 30-40%, trong khi đó giá sản phẩm chỉ tăng có 10% nên ngư dân gặp khó. Trong bối cảnh này, ngư dân Bình Định đang khắc phục bằng cách làm kiêm nghề để kéo dài thời gian trên biển và đánh bắt được nhiều loại sản phẩm”.

Bà Thi ví dụ, ngư dân chuyên câu cá ngừ đại dương đang trong vụ cá Bắc (từ tháng 10 ÂL năm trước đến tháng 4 ÂL năm sau) giờ kiêm thêm nghề lưới vây rút chì đánh cá ngừ sọc dưa hoặc câu mực. Những chiếc tàu cá ngừ đại dương đang theo vụ cá Nam (từ tháng 1 đến tháng 10 ÂL) giờ làm thêm nghề lưới rê. Nếu câu cá ngừ không có thì chuyển sang làm cá cây để tránh lỗ tổn. Khi ra khơi những tàu làm kiêm nghề mang theo 2 loại ngư cụ.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.