| Hotline: 0983.970.780

Giá dưới 5.000đ/kg, người trồng cam sành thua lỗ nặng

Thứ Hai 24/06/2024 , 14:49 (GMT+7)

VĨNH LONG Diện tích tăng chóng mặt, cung vượt cầu nên giá cam sành từ đầu năm đến nay chỉ dưới 5.000đ/kg, nông dân thua lỗ nặng.

Dù vườn cam đạt năng suất cao nhưng nông dân kém vui bởi giá bán rất thấp. Ảnh: Hồ Thảo.

Dù vườn cam đạt năng suất cao nhưng nông dân kém vui bởi giá bán rất thấp. Ảnh: Hồ Thảo.

Giá dưới 5.000 đồng/kg

Cam sành là cây ăn trái có tốc độ phát triển nhanh nhất trong thời gian qua ở huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) do có thời điểm lợi nhuận từ cây ăn quả này mang lại khá hấp dẫn, bình quân từ 400 - 600 triệu đồng/ha/năm. Từ đó nhiều người đã đổ xô trồng, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu nên giá cam sành giảm mạnh như hiện nay.

Những ngày này, ông Thạch Chiên ở xã Trà Côn (huyện Trà Ôn) cùng nhiều người trồng cam khác tại địa phương như “ngồi trên đống lửa” vì giá cam sành chỉ còn vài ngàn đồng một kí, trong khi vườn cam của họ đã đến thời điểm thu hoạch.

Ông Chiên cho biết gia đình đang trồng 30 công cam sành, trong đó 10 công là đất nhà, còn lại là đất thuê. Vụ cam năm nay ông đã đầu tư gần 1 tỷ đồng, trong đó tiền vay ngân hàng 500 triệu đồng. Hiện cam sành đã tới ngày thu hoạch nhưng lái báo giá thu mua chỉ 4.000 đồng/kg. Với giá này, xem như vụ cam năm nay ông Chiên lỗ nặng.

"Tôi nhẩm sơ các khoản đầu tư gồm cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cải tạo đất, lên liếp... mức chi phí đầu tư đã là 8.000 đồng mỗi ký cam. Như thế vụ này tôi lỗ gần 400 triệu đồng, không biết tiền đâu để trả ngân hàng", ông Chiên nói.

Ông Chiên cho biết thêm, từ đầu năm đến nay cam sành đứng giá từ 5.000 đồng/kg trở xuống. Các lái buôn cam thường ưu tiên thu mua những vườn có quả đẹp và gần đường lớn để dễ vận chuyển, thậm chí những vườn trái nhỏ, nằm xa mặt lộ cũng khó tìm người mua.

Hiện thương lái tại tỉnh Vĩnh Long chỉ thu mua cam sành tại vườn với giá từ 2.000 đến 5.000 đồng/kg. Ảnh: Hồ Thảo.

Hiện thương lái tại tỉnh Vĩnh Long chỉ thu mua cam sành tại vườn với giá từ 2.000 đến 5.000 đồng/kg. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Trà Ôn, hiện địa phương có khoảng 10.400ha đất trồng cam sành, trong đó khoảng 1/3 diện tích là nông dân thuê đất ruộng để canh tác. Bên cạnh người trồng cam thua lỗ, người cho thuê đất cũng rơi vào hoàn cảnh không mấy khả quan.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn ở xã Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn) chia sẻ, gia đình cho người từ địa phương khác thuê 1ha để trồng cam với giá 9 triệu đồng/công/năm. Tuy nhiên, do cam sành liên tục rớt giá, người thuê đất chỉ thanh toán được 50% tiền thuê trong năm đầu, sau đó mất khả năng chi trả.

"Dù tôi đã gia hạn thời gian nhưng họ vẫn không thể trả, sau 2 năm họ bỏ của chạy lấy người. Sau đó, tôi lấy lại đất cho người khác thuê lại để tiếp tục trồng, chăm sóc vườn cam với giá 3 triệu đồng/công/năm. Tính ra, gia đình tôi mất trên dưới 200 triệu đồng trong 4 năm vì không lấy được tiền thuê đất của người thuê trước, phần vì phải cho thuê lại với giá rẻ hơn”, ông Tuấn thở dài.

Chia sẻ về nguyên nhân giá cam sành giảm mạnh, nhiều thương lái cho rằng những năm gần đây nông dân liên tục mở rộng diện tích khiến sản lượng tăng mạnh. Cùng với đó, hiện cam có trái quanh năm, không còn phân biệt mùa thuận hay mùa nghịch.

Hơn nữa, một số thời điểm việc tiêu thụ cam sành ở thị trường miền Bắc rất khó khăn do trùng với mùa thu hoạch một số giống cam của miền Bắc, miền Trung, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. 

Diện tích cam sành tăng chóng mặt

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, diện tích trồng cam sành đã liên tục tăng với tốc độ rất nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây, đến nay đã tăng gấp đôi so với quy hoạch đến năm 2020.

Diện tích cam sành tăng quá nhanh là nguyên nhân chính khiến giá cam tụt giảm mạnh. Ảnh: Hồ Thảo.

Diện tích cam sành tăng quá nhanh là nguyên nhân chính khiến giá cam tụt giảm mạnh. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, hiện nay nông dân càng trồng càng thua lỗ do giá phân bón, thuốc BVTV, các chi phí bơm tưới, công lao động, giống, cùng với dây cột để chống đỡ khi cây cam mang trái cũng tăng rất cao.

Ông khuyến cáo khi nông dân muốn trồng cam trên đất ruộng phải tập trung theo vùng có điều kiện, tránh tràn lan, da beo, khó quản lý nước và các điều kiện khác. Cần sản xuất theo hướng hữu cơ, tiến tới áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn, có công nghệ bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sau này.

Để tìm lại vị thế cho cây cam sành, Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho rằng, các địa phương nên quy hoạch lại vùng trồng cam sành để tránh tình trạng cung vượt cầu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư vào dự án khoa học công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ trái cam sành (như nước ép, mứt, tinh dầu...). Đồng thời đề xuất Bộ NN-PTNT đàm phán xuất khẩu chính ngạch cam sành sang Trung Quốc và các nước khác để phát triển ổn định.

Xem thêm
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trao tặng con giống cho người dân Hải Phòng

HẢI PHÒNG Chiều 27/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã thăm, chia sẻ, động viên và tặng quà người dân bị thiệt hại do bão số 3 tại huyện Kiến Thụy và quận Dương Kinh, Hải Phòng.

Ninh Thuận khẩn trương dập dịch tả lợn Châu Phi

Ninh Thuận đã triển khai nhiều giải pháp để nhanh chóng dập dịch tả lợn Châu Phi đã xâm nhiễm và có khả năng lây lan rộng trong thời gian tới rất cao.

Tập huấn vận hành drone phun thuốc BVTV: Bước tiến mới trong khảo nghiệm nông nghiệp

So với phương pháp phun thủ công, phun thuốc bằng drone giúp giảm tới hơn 90% lượng nước, tăng tốc độ phun 30 lần, trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực phòng trừ tương đương.

Bình luận mới nhất