| Hotline: 0983.970.780

Gia Lai: Chủ tịch xã trục lợi, chi sai hàng tỷ đồng từ tiền giữ rừng

Thứ Năm 08/08/2019 , 15:51 (GMT+7)

Chủ tịch UBND xã Hà Tây, huyện Chư Păh, Gia Lai đã chỉ đạo làm các chứng từ khống để trục lợi, chi sai hàng tỷ đồng từ tiền ngân sách được giao về giữ rừng.

Chủ tịch xã bắt gỗ lậu đưa về... nhà mình

Ông Nay Kiên, Chủ tịch huyện Chư Păh đã ký kết luận số 2751, trong đó chỉ rõ việc ngân sách nhà nước được giao về quản lý, bảo vệ rừng nhưng đã bị xã Hà Tây làm trái mục đích nhằm trục lợi, chiếm đoạt. Kết luận còn nêu thực trạng, việc bảo vệ rừng là càng bảo vệ càng mất, vì vậy cần phải những quyết sách lớn để "bịt lỗ hỏng" nhằm giữ rừng tốt hơn.

Một vụ phá rừng ở xã Hà Tây, Chư Păh

Xã Hà Tây có 3.697 ha rừng tự nhiên nhưng chỉ trong 3 năm (2016-2018) đã để mất hơn 850 ha. Trong 5 tiểu khu do xã quản lý thì có 3 tiểu khu bị người dân đốt, chặt phá để trồng mì, bời lời, lúa. Điều đáng nói, khi rừng bị phá hàng năm đều báo cho Chủ tịch xã Hà Tây là ông Thaoh nhưng ông này đều cho biết, các trường hợp lấn chiếm đất, đốt phá rừng rất khó khăn nên UBND xã không xử lý được.

Xã Hà Tây cũng phát hiện nhiều vụ khai thác gỗ trái phép nhưng lâm tặc không đưa được gỗ ra khỏi rừng. Thấy vậy, ông Thaoh đã thuê xe và chỉ đạo cán bộ xã tham gia bốc gỗ lên xe chở đi nơi khác cưa xẻ làm mặt bàn, ghế rồi đưa về nhà ông Thaoh.
 

Trục lợi, chi sai hàng tỷ đồng

Ngân sách Nhà nước từ năm 2016 - 2018 đưa về cho xã Hà Tây hơn 5 tỉ đồng để phục vụ cho việc quản lý, bảo vệ rừng. Tuy vậy, Chủ tịch UBND xã Hà Tây - ông Thaoh đã tìm nhiều cách vơ vét, trục lợi và chi sai gần 1 tỉ đồng.

Sai phạm nghiêm trọng nhất của ông Thaoh là tiền kinh phí giao khoán bảo vệ rừng. Tiền này được xã phân bổ chi trả cho các làng, nhóm hộ ký hợp đồng bảo vệ rừng. Tuy nhiên, UBND xã chiếm đoạt, trục lợi bằng cách trích lại 10% kinh phí mà 3 làng được thụ hưởng, nhận khoán bảo vệ rừng là gần 256 triệu đồng; trích lại 40% của 2 nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng là 368,6 triệu đồng. Tổng số tiền trích lại sai quy định là hơn 624 triệu đồng.

Theo trình bày của ông Thaoh thì việc trích tỉ lệ % đã chi để bồi dưỡng cho cán bộ tham mưu, làm thủ tục thanh toán hợp đồng bảo vệ rừng, chi tiếp khách. Vụ này, ông Thaoh trao đổi và thống nhất với Bí thư Đảng ủy, kế toán - tài chính xã. Số tiền này được thỏa thuận giao cho kế toán giữ, khi cần thì ông thao chỉ đạo duyệt chi nhưng không có ghi vào sổ sách. Tuy nhiên, Đảng ủy và UBND xã đã phủ nhận chuyện này.

Bên cạnh đó, UBND xã Hà Tây còn lập khống 6 chứng từ của 2 nhóm hộ để chiếm đoạt 271 triệu đồng. Để chiếm dụng số tiền này, kế toán xã còn giả nhiều chữ ký của người dân được giao khoán bảo vệ rừng, dù thực tế việc này không có thật.

Thanh tra huyện chỉ rõ, UBND xã Hà Tây đã tùy tiện lập khống chứng từ, hợp thức hóa chứng từ, trích lại tiền % tiền giao khoán bảo vệ rừng là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Ngân sách Nhà nước 2015. Tổng số tiền sai phạm cần phải thu hồi là 917 triệu đồng.

Ông Nay Kiên, Chủ tịch huyện Chư Păh cho biết, những sai phạm về sử dụng nguồn kinh phí dịch vụ môi trường đã ở xã Hà Tây đã từng được UBND huyện, công an huyện kiểm tra, chấn chỉnh. Tuy nhiên, UBND xã không rút kinh nghiệm mà vẫn tiếp tục để xảy ra sai phạm.

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.

Giảm án cho bị cáo Nguyễn Cao Trí trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Tòa phúc thẩm giảm án cho Nguyễn Cao Trí trong vụ Vạn Thịnh Phát, ghi nhận khắc phục hậu quả nhưng hành vi chiếm đoạt tài sản vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng.