| Hotline: 0983.970.780

Gia Lai: Vườn khô ruộng khát, 500ha cây trồng bị thiệt hại

Thứ Hai 17/04/2023 , 08:21 (GMT+7)

Tây Nguyên đang là cao điểm của mùa khô. Hàng trăm ngàn ha cây trồng nơi đây đang đối mặt với nỗi lo hạn hán, thiếu nước tưới. Gia Lai cũng không ngoại lệ.

20190226_104724

Hàng trăm cây trồng đang phải đối mặt với nỗi lo thiếu nước tưới mùa khô. Ảnh: Đăng Lâm.

Trên 500 ha cây trồng đã bị thiếu nước

Báo cáo mới nhất từ Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn tỉnh gieo trồng hơn 77.000 ha cây trồng, riêng lúa nước khoảng trên 26.800ha, đạt 103% kế hoạch. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có khoảng 525ha cây trồng vụ đông xuân 2022- 2023 bị thiệt hại do thiếu nước tưới cục bộ, trong đó có khoảng 497ha lúa nước (thiệt hại trên 70% khoảng 308ha, thiệt hại 30-70% khoảng 188ha). Ước thiệt hại quy thành tiền khoảng hơn 2,9 tỷ đồng.

Qua tổng hợp báo cáo nhanh từ các địa phương gửi về Sở NN-PTNT, huyện Đăk Đoa có 154ha lúa và một số diện tích các loại cây trồng khác bị thiệt hại do thiếu nước tưới. Huyện Chư Sê có trên 320ha lúa bị thiệt hại từ 30- 70%, gần 30ha cây trồng khác ở đây cũng đang quay quắt vì thiếu nước tưới. Tại huyện Chư Prông, trên 30ha lúa đang trong giai đoạn ngậm sữa cũng đang có dấu hiệu xuống sức do thiếu nước tưới…

Nông dân Nguyễn Tấn Lộc, chủ vườn ở thôn 4, xã Ia H’lốp (huyện Chư Sê) với 1.200 cây cà phê, 1.600 trụ tiêu, 100 cây sầu riêng và 200 cây chanh leo. Thời gian qua, trên địa bàn không có mưa nên vườn cây của ông Lộc héo rũ.

“Hạn hán làm thiếu nước tưới, cây chanh leo và cà phê bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm ngoái, 200 gốc chanh leo này, tôi thu được gần 8 tấn quả. Năm nay quả chanh bị khô do thiếu nước, năng suất không đạt, không thể thu được 5 tấn”, ông Lộc nói. Còn cây cà phê đang thời điểm ra hoa, gặp lúc thiếu nước nên lá dần đổi màu, rũ xuống. Khắc phục tình trạng thiếu nước tưới, ông Lộc đã khoan thêm 2 giếng để mong tìm nguồn nước, cứu vớt vườn cây.

Vườn cà phê khô héo của gia đình ông Tú. Ảnh: Đăng Lâm.

Vườn cà phê khô héo của gia đình ông Tú. Ảnh: Đăng Lâm.

Ngay bên cạnh vườn cây của ông Lộc là 1,3ha cà phê của ông Trần Văn Tú. Ông Tú vừa cầm kéo tỉa cành cà phê, vừa than vãn: “Cà phê chuẩn bị bước vào đợt tưới thứ ba nhưng không có nước, lá cứ héo dần. Mặc dù tưới đợt ba không cần nhiều nước như hai đợt trước, nhưng không thể thiếu bởi nếu tưới không đủ lượng nước cần thiết, sẽ ảnh hưởng xấu đến năng suất và chất lượng vườn cây về sau”. Chúng tôi hỏi vậy khắc phục thế nào? Ông Tú chỉ cười buồn: “Chờ trời thôi!”.

Tại huyện Đăk Đoa, trên 150ha lúa nước đang chịu cảnh khô khát. Ông Thăn (dân tộc BahNar ở thôn 8, xã Ia Băng) có 3 sào ruộng lúa nước đang thời mơn mởn, bỗng gần chục ngày nay khựng lại do chân ruộng không còn lấy một giọt nước. “Với 3 sào lúa, tôi đầu tư gần 4 triệu đồng nhưng thu về không được là bao. Việc thiếu ăn trong thời gian tới là khó tránh khỏi”, ông Thăn không giấu nổi nỗi buồn.

Đi tìm giải pháp

Trước những diễn biến trên, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương các cấp ở Gia Lai đang khẩn trương tìm mọi biện pháp ứng phó, bảo vệ cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Luyến, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Prông cho biết: Thời tiết đang vào cao điểm của mùa khô, nguồn nước trên các suối, khe cạn và ngừng chảy hoàn toàn. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước cục bộ trên diện tích lúa gieo sạ muộn đang giai đoạn ngậm sữa, chủ yếu tại các xã không có công trình thủy lợi như Ia Băng, Thăng Hưng, Ia Me, Ia Drăng, Ia Bang…

Người dân căng mình phòng chống khô hạn. Ảnh: Đăng Lâm.

Người dân căng mình phòng chống khô hạn. Ảnh: Đăng Lâm.

“Phòng Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân huy động lực lượng, phương tiện, nhiên liệu, máy móc để bơm nước từ các giếng, ao, hồ nếu còn nước để tưới; phối hợp với các công ty sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch tưới luân phiên, hạn chế tranh chấp nguồn nước giữa cây lúa và cây công nghiệp dài ngày”, ông Luyến cho biết.

 Ở huyện Đăk Đoa, diện tích lúa thiếu nước tưới cục bộ chủ yếu tại các xã không có công trình thủy lợi, chủ yếu dựa vào nguồn nước mạch như Ia Băng, A Dơk, Glar, Ia Pết… Đặc biệt, năm nay, thời tiết bất thường dẫn đến thiếu nước tưới cục bộ.

“Ban Chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023 của huyện đã phân công các thành viên phối hợp hướng dẫn các xã, thị trấn tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục hạn cục bộ; thành lập đoàn kiểm tra cấp huyện, xã thống kê diện tích thiệt hại đề xuất hỗ trợ cho người dân theo quy định” - ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Đoa cho biết.

Diễn biến thời tiết khó lường đã làm hàng trăm ha lúa gieo sạ muộn tại một số huyện như: Chư Sê, Đak Đoa, Chư Prông… thiếu nước tưới cục bộ, gây thiệt hại cho người dân. Phía trước vẫn đang vào mùa khô khốc liệt, do đó, nỗi lo vẫn còn đeo bám ở những vườn cây, chân ruộng, và ở trên gương mặt lo âu của mỗi nông dân nơi đây.

“Ngay từ đầu vụ, Sở NNPTNT đã có văn bản khuyến cáo người dân gieo sạ sớm, không sản xuất ở những khu vực thường xuyên bị hạn hoặc ở xa nguồn nước tưới nhằm giảm thiệt hại do hạn cục bộ", ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai cho biết.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.