| Hotline: 0983.970.780

Giải quyết tình trạng thu mua sắn nguyên liệu không đồng nhất

Chủ Nhật 28/11/2021 , 10:53 (GMT+7)

Thanh Hóa Hiện nay, các doanh nghiệp tại Thanh Hóa đang tập trung thu mua sắn nguyên liệu. Ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã xây dựng các giải pháp thu mua và chế biến sắn.

Theo ghi nhận của PV NNVN, hiện nay các đầu nậu thu mua sắn nguyên liệu tại ruộng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ở mức gần 2 nghìn đồng/kg. Đây là mức giá khá cao trong những năm qua, đảm bảo người nông dân có lãi.

Tuy nhiên, khảm lá sắn đã khiến nhiều ruộng sắn giảm năng suất, hiệu quả kinh tế từ cây sắn chưa cao như kỳ vọng. Điều này khiến diện tích sắn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa niên vụ 2021-2022 giảm so với niên vụ trước.

Nông dân Thanh Hóa bước vào mùa thu hoạch sắn nguyên liệu bán cho các nhà máy trên địa bàn. Ảnh: VD.

Nông dân Thanh Hóa bước vào mùa thu hoạch sắn nguyên liệu bán cho các nhà máy trên địa bàn. Ảnh: VD.

Bài liên quan

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Thanh Hóa, niên vụ 2021-2022, nông dân Thanh Hóa trồng được gần 13,7 nghìn ha sắn, giảm gần 1,3 nghìn ha so với cùng kỳ, năng suất đạt 15 tấn/ha. Diện tích sắn nguyên liệu ổn định phục vụ cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn là 11 nghìn ha. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang có 5 nhà máy và cơ sở chế biến tinh bột sắn.

Kết quả khảo sát của Chi cục TT&BVTV  tỉnh Thanh Hóa cho thấy, chi phí sản xuất sắn bình quân 18 triệu/ha/vụ. Với giá thu mua bình quân của các nhà máy hiện nay, điểm hòa vốn của sắn là 10 tấn/ha (năng suất từ 15 tấn/ha trở lên) nông dân có lợi nhuận từ 9,75 triệu đồng/ha trở lên.

Tuy nhiên, niên vụ sắn 2020-2021, diện tích sắn bị nhiễm khảm lá sắn gần 3,8 nghìn ha, làm giảm năng suất từ 15% - 30%, gây thiệt hại lớn cho người nông dân.

Bước vào niên vụ chế biến sắn 2021-2022, từ cuối tháng 9/2021, các doanh nghiệp và cơ sở chế biến tinh bột sắn đang thu mua và chế biến sắn nguyên liệu. Hiện tại, sắn đang bước vào mùa thu hoạch rộ nên các nhà máy, cơ sở chế biến tinh bột sắn đang đẩy mạnh việc thu mua sắn phục vụ hoạt động chế biến.

Đến nay, các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng mới chỉ thu mua được từ 10-30% nguyên liệu theo kế hoạch với tổng diện tích thu mua khoảng gần 4,4 nghìn  ha (tương đương gần 66 nghìn tấn).

Bệnh khảm lá sắn đã khiến diện tích sắn trong niên vụ 2021-2022 giảm so với cùng kỳ; hiệu quả từ cây sắn chưa cao như kỳ vọng. Ảnh: VD.

Bệnh khảm lá sắn đã khiến diện tích sắn trong niên vụ 2021-2022 giảm so với cùng kỳ; hiệu quả từ cây sắn chưa cao như kỳ vọng. Ảnh: VD.

Theo đánh giá của Chi cục TT&BVTV tỉnh Thanh Hóa, từ đầu vụ thu mua sắn nguyên liệu đến nay, giá và cơ chế thu mua của các nhà máy chưa đồng bộ, thống nhất.

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh thu mua sắn nguyên liệu tại nhà máy với giá 1.950.000 đồng/tấn. Nhà máy chế biến tinh bột sắn Bá Thước thu mua sắn nguyên liệu tại nhà máy với giá 1.850.000 đồng/tấn. Công ty TNHH Chế biến nông - lâm sản xuất khẩu Như Xuân thu mua sắn nguyên liệu tại nhà máy với giá 2.050.000 đồng/tấn.

Về giá sắn nguyên liệu và thanh toán:

Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo các nhà máy, công ty trên địa bàn tỉnh thống nhất giá, cơ chế thanh toán, thu mua sắn nguyên liệu và công khai minh bạch giá mua sắn, phương thức thu mua và thanh toán nhanh, gọn…

Việc thu mua không thống nhất giữa các nhà máy và cơ sở khiến người dân có sự so sánh, lựa chọn. Vì vậy, xảy ra tình trạng sắn từ vùng nguyên liệu này bán cho nhà máy khác, thậm chí bán cả ra tỉnh ngoài gây bất ổn vùng nguyên liệu.

Để bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động chế biến cho các nhà máy, cơ sở chế biến tinh bột sắn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng các nhóm giải pháp về chăm sóc, thu hoạch, thu mua và chế biến sắn nguyên liệu.

Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đề nghị các địa phương, nhà máy, cơ sở chế biến tinh bột sắn rà soát, đánh giá phân loại, xác định cụ thể các trà sắn trồng sớm, trồng muộn; tăng cường công tác chăm sóc sắn tránh bị đổ ngã để đảm bảo năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trên diện tích sắn bị bệnh khảm lá sắn, các địa phương cần khoanh vùng để thu hoạch, tận thu củ và tiêu hủy triệt để tàn dư cây bị bệnh, tuyệt đối không sử dụng cây bị nhiễm bệnh để làm giống cho vụ tới.

Các nhà máy tính toán thời gian chế biến và xây dựng kế hoạch thu mua nguyên liệu chi tiết đến từng hộ dân, thông báo sớm, công khai với các chủ hợp đồng, các hộ trồng sắn thời gian thu hoạch để chuẩn bị nhân lực, thiết bị đảm bảo thu hoạch nhanh, gọn theo nguyên tắc:

Tranh thủ thời tiết thuận lợi và vùng đang an toàn trước dịch covid-19 đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và vận chuyển; rà soát xác định khu vực trồng sớm thu hoạch trước, trồng muộn thu hoạch sau. Với diện tích khó vận chuyển, các nhà máy cần thu hoạch vào những thời điểm thuận lợi, thu hoạch đến đâu, vận chuyển và đưa vào chế biến ngay.

Ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa ban hành các giải pháp giải quyết tình trạng thu mua sắn nguyên liệu không đồng nhất. Ảnh: VD.

Ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa ban hành các giải pháp giải quyết tình trạng thu mua sắn nguyên liệu không đồng nhất. Ảnh: VD.

Sở NN&PTNT  Thanh Hóa cũng đề nghị các địa phương rà soát lại điều kiện giao thông, phối hợp tu sửa kịp thời; chuẩn bị các phương tiện vận tải đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, khi vào vụ thu hoạch an toàn, kịp thời đúng kế hoạch; không để tình trạng sắn vận chuyển không kịp do thiếu phương tiện hoặc phương tiện không đảm bảo.

UBND các huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành có liên quan phối hợp với các nhà máy quản lý tốt vùng nguyên liệu trên địa bàn, nhất là những địa phương trồng sắn ký hợp đồng với nhiều công ty khác nhau; kiên quyết không để xảy ra tình trạng tranh chấp nguyên liệu; lén lút mua nguyên liệu của công ty này bán cho công ty khác hoặc bán cho tư thương, đầu nậu để chế biến thủ công và bán ra ngoài tỉnh.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.