Tình trạng thiếu hụt lực lượng kiểm lâm hiện đang là vấn đề mà ngành nông nghiệp cũng như các địa phương quan tâm. Trong khi đó, một vấn đề đáng lo ngại hiện nay là nghề kiểm lâm không còn sức hấp dẫn đối với thế hệ trẻ bởi đặc thù công việc cũng như cơ chế, chính sách đãi ngộ. Tại các trường đại học về nông lâm nghiệp, việc tuyển dụng sinh viên vào chuyên ngành kiểm lâm ngày càng chật vật, số lượng sinh viên chuyên ngành này ngày càng vắng bóng.
4 năm, không tuyển nổi 1 lớp
PGS.TS Nguyễn Quang Hà, Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm Bắc Giang chia sẻ: Năm 2014, nhà trường bắt đầu đưa chuyên ngành quản lý tài nguyên rừng (kiểm lâm) vào chương trình đào tạo. Trong giai đoạn từ 2014 - 2018, trung bình mỗi năm nhà trường tuyển sinh được 1 lớp với số sinh viên theo học từ 15 - 20 người. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, nhà trường không thể mở lớp vì không tuyển đủ số lượng sinh viên.
“Kế hoạch của nhà trường là mỗi năm sẽ tuyển sinh được 1 lớp từ 20 - 30 sinh viên chuyên ngành kiểm lâm. Công tác tuyển sinh được nhà trường tổ chức một cách bài bản, quyết liệt, phạm vi tuyển sinh không chỉ ở các tỉnh đồng bằng mà được mở rộng lên các tỉnh miền núi, cán bộ tuyển sinh vận dụng hết tất cả các phương pháp, kênh thông tin nhưng vẫn không ăn thua”, ông Hà buồn bã.
Theo ông Hà, việc tuyển sinh không hiệu quả nguyên nhân cốt lõi là ngành học này không còn hấp dẫn đối với người học. Trong các khối ngành thì sức hút của khối nông nghiệp vốn đã thấp, trong khối nông nghiệp thì ngành lâm nghiệp lại xếp cuối bảng về độ hấp dẫn, vậy là khó khăn lại chồng khó khăn.
Ông Hà phân tích: Thực tế hiện nay, học sinh tốt nghiệp THPT có xu hướng phân định rõ ràng. Những em có học lực thấp hoặc gia đình định hướng không theo học đại học thì ngay lập tức nộp đơn xin việc làm công nhân tại các khu công nghiệp, nhà máy…
Nhóm thứ hai là các em có mong muốn được đào tạo bài bản, lành nghề thì chọn học đại học hoặc cao đẳng. Tuy nhiên, đa phần sẽ chọn những ngành dễ xin việc, điều kiện lao động tốt hơn như khối ngành liên quan tới kinh tế, công nghiệp, dịch vụ…
Minh chứng là trong những năm gần đây, số lượng sinh viên đăng ký theo học chính quy các chuyên ngành của nhà trường đa phần tập trung ở các ngành như tiếng Trung, kế toán... trong khi rất ít, thậm chí không có sinh viên đăng ký học kiểm lâm.
“Rất đau xót khi một trường đào tạo nông lâm mà không có sinh viên đăng ký theo học nông lâm, trong khi các ngành khác lại rất đông đảo. Không những vậy, để có thể duy trì hoạt động của khoa, giữ chân giáo viên, nhà trường đã phải đưa cán bộ đi làm nghiên cứu, dự án.
Thu nhập là một chuyện, nhưng làm nghề giáo thì phải có học sinh, nếu giáo viên cứ mãi ngồi đợi học sinh thì ai rồi cũng sẽ nản. Vẫn còn đó những người thực sự tâm huyết, luôn tin rằng ngành học này sẽ lấy lại được vị thế vốn có của mình, nhưng nếu càng kéo dài thì niềm tin đó chắc chắn sẽ bị lung lay”, PGS.TS Nguyễn Quang Hà bộc bạch.
Nhiều ưu đãi, nhưng vẫn dần "rơi rụng"
Cùng chung tình trạng trên, trường Đại học Lâm nghiệp được biết đến là một trường có bề dày truyền thống về đào tạo ngành kiểm lâm, tuy nhiên những năm gần đây, công tác tuyển sinh, đào tạo của nhà trường cũng đang đối diện với rất nhiều khó khăn khi số sinh viên đăng ký theo học ngày càng giảm mạnh.
Ông Hà Văn Huân, Trưởng phòng Đào tạo (Đại học Lâm nghiệp) thông tin: Từ năm 2015 đến nay, nhà trường tuyển sinh được 820 sinh viên theo học ngành kiểm lâm, số lượng sinh viên tốt nghiệp là 1.396 em, đây là một con số khá khiêm tốn.
Công tác tuyển sinh của nhà trường được thực hiện theo quy chế tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hình thức tuyển sinh rất đa dạng, linh hoạt như: Xét học bạ, dùng điểm thi, điểm đầu vào thấp... Bên cạnh đó, nhà trường áp dụng nhiều chính sách như miễn, giảm học phí (trường hợp phải đóng thì mức học phí rất thấp), tiền ký túc xá, cấp học bổng..., tuy nhiên số sinh viên theo học vẫn giảm dần qua từng năm và thường không đạt chỉ tiêu đề ra.
Theo ông Huân, nguyên nhân của việc số lượng sinh viên đăng ký theo học giảm dần qua các năm được xác định là do sức hấp dẫn của ngành học ngày càng giảm. Thay vì chọn một nghề chủ yếu hoạt động trong rừng núi, điều kiện khó khăn, nguy hiểm, vất vả thì hầu hết các bạn trẻ đều chọn ngành học để ở lại thành phố.
Hướng tuyển sinh những bạn sinh ra tại vùng đất đó, muốn gắn bó với quê hương rất khả quan, tuy nhiên, những nơi có rừng đặc dụng, phòng hộ thường là vùng sâu, vùng xa, cư dân xung quanh hầu hết là đồng bào các dân tộc thiểu số, để tìm được những người trẻ thực sự yêu nghề, có trình độ cũng không phải là một việc dễ dàng.
Thay đổi cơ chế tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng kiểm lâm
Theo ông Hà Văn Huân, để tạo bước đột phá trong công tác tuyển sinh, thu hút được người học ngành kiểm lâm, cần phải có sự thay đổi. Ngành kiểm lâm là ngành tương đối đặc thù nên phải có cơ chế đặc thù. Bởi lẽ, kiểm lâm không chỉ đóng vai trò bảo vệ tài nguyên quốc gia, môi trường sinh thái mà tại những tỉnh biên giới cũng đóng vai trò quan trọng bảo vệ an ninh quốc phòng.
Do đó, nên chăng cần nâng vị thế xã hội, có cơ chế bố trí việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp tương tự như ngành công an, quân đội thì mới mong thu hút được người học.
“Bất cập hiện nay của kiểm lâm là công chức nhà nước, công việc đặc thù như công an, quân đội, nhưng tuyển sinh, đào tạo lại theo cơ chế thị trường. Nếu thay đổi được việc này, sẽ thu hút được đông đảo, thậm chí cạnh tranh nhau vào ngành. Từ đó, chọn được những người thực sự yêu thích, say mê, gắn bó lâu dài với nghề”, ông Huân nhận định.
Một giải pháp khác theo ông Huân, đó là các địa phương có thể cân nhắc là xây dựng kế hoạch dài hạn, trong thời gian tới cần bao nhiêu nhân lực kiểm lâm, sau đó tiến hành tuyển dụng tại địa phương theo nhu cầu sử dụng rồi cử về trường đào tạo, khi tốt nghiệp bố trí việc làm cho những người được chọn. Ngược lại, những người tham gia vào chương trình này sẽ có những cam kết, ràng buộc, thỏa thuận với địa phương, như thế sẽ đảm bảo được sự cân bằng cung cầu nhân sự.
“Hình thức này là đào tạo theo nhu cầu thực tế, chứ không đào tạo thả nổi tự do như hiện nay. Cách làm này sẽ giải quyết được tận gốc vấn đề, vừa thu hút được người học, vừa đảm bảo đủ nhân lực cho các địa phương. Tất nhiên, khi triển khai sẽ có những khó khăn ban đầu nhưng nếu quyết tâm thực hiện thì chắc chắn sẽ làm được”, ông Huân nêu quan điểm.
PGS.TS Nguyễn Quang Hà, Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm Bắc Giang thì cho rằng: Việc nhiều cán bộ kiểm lâm không còn mặn mà với nghề là do mức thu nhập, đời sống gặp khó khăn. Do đó, việc đầu tiên cần làm là có cơ chế, chính sách cải thiện mức sống cho cán bộ kiểm lâm, giúp người học thấy rằng, việc làm sau này của mình không chỉ vì tiền mà còn vì sở thích, đam mê.
Chính phủ nên coi ngành quản lý tài nguyên rừng như một lĩnh vực quan trọng vì liên quan tới sức khỏe dân tộc, cải thiện môi trường sống... Từ đó, có những đầu tư đích đáng cho đào tạo nguồn nhân lực của ngành này.
Bên cạnh đó, việc tăng thu nhập từ rừng, cải thiện đời sống cho cán bộ kiểm lâm là việc làm cần thiết. Mỗi vùng gắn với rừng tự nhiên đều có cơ hội để cải thiện, việc phát triển lâm sản ngoài gỗ hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, cách làm phải căn cứ vào tình hình thực tế tại từng địa bàn, từng dự án cụ thể, chứ không thể nói chung chung.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng nhất của rừng là tác động tới môi trường sinh thái thì điều này lại không mang lại giá trị kinh tế. Mặc dù, hiện nay đã có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bán chứng chỉ carbon..., nhưng nguồn thu chưa đáng kể.
“Về lâu dài, nếu chúng ta giữ chính sách đóng cửa rừng thì không có gì hấp dẫn từ lâm nghiệp. Chúng ta phải hiểu rằng, quản lý rừng mà chỉ giữ đơn thuần thì chẳng cần tới kỹ sư; còn vừa bảo vệ được rừng, tài nguyên quốc gia, vừa gắn được rừng với sự phát triển kinh tế, xã hội ở những vùng sâu, vùng xa thì mới cần đến người có trình độ. Thiếu là thiếu lực lượng này”, ông Hà phân tích.
"Các doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, doanh nghiệp vẫn tư duy theo lối cũ: Việc đào tạo nguồn nhân lực là việc của nhà trường, xã hội, đào tạo xong rồi mới tuyển dụng, thậm chí doanh nghiệp đến nhà trường tuyển dụng sinh viên còn được biết ơn. Tuy nhiên, đây là câu chuyện của nhiều năm trở về trước. Bây giờ không làm như thế được nữa, phải cùng với nhà trường tuyển sinh, hỗ trợ sinh viên học tập ngày từ ban đầu".
PGS.TS Nguyễn Quang Hà