| Hotline: 0983.970.780

Doanh thu khu vực ngành nghề nông thôn đạt hơn 200.000 tỷ đồng

Thứ Sáu 30/06/2023 , 18:12 (GMT+7)

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng chỉ có xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng liên kết sản xuất thì làng nghề, ngành nghề nông thôn mới có thể phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, để xây dựng được vùng nguyên liệu thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Ảnh: Trung Quân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, để xây dựng được vùng nguyên liệu thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Ảnh: Trung Quân.

Ngày 30/6, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị "Xúc tiến đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề, ngành nghề nông thôn”.

Nhiều "nút thắt"

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) thông tin, đến hết năm 2022, khu vực ngành nghề nông thôn có doanh thu hơn 200.000 tỷ đồng. Tổng số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh hơn 800.000 cơ sở; tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động với thu nhập bình quân đầu người đạt 5 triệu đồng/năm. Xuất khẩu các sản phẩm và nguyên liệu đạt khoảng 3,3 tỷ USD.

Cả nước có hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận với doanh thu hơn 75.000 tỷ đồng. Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh hơn 270.000 cơ sở; tạo việc làm cho hơn 1,5 triệu lao động với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 5-6 triệu đồng/năm.

Theo ông Thịnh, hiện nay, các sản phẩm của làng nghề, ngành nghề nông thôn được làm từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau từ nuôi, trồng, khai thác tự nhiên đến sử dụng các nguyên liệu công nghiệp. Việc sử dụng nguyên liệu ngày càng đa dạng và kết hợp nhiều chủng loại trong một sản phẩm đã hình thành sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các đơn vị cung ứng nguyên liệu và cơ sở sản xuất của làng nghề.

Tuy nhiên, việc phát triển các vùng nguyên liệu cho làng nghề và ngành nghề nông thôn vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc như thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung. Diện tích ngày càng bị thu hẹp do phải cạnh tranh với các loại cây trồng khác và quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa…

Hiện cả nước khoảng 600 làng nghề đan lát, với các nguyên liệu sản xuất chủ yếu là tre, song, mây, cói... Nguyên liệu họ tre nứa có diện tích 1,5 triệu ha, trong đó có khoảng 6.000 ha được cấp chứng chỉ FSC. Tổng trữ lượng khoảng 9,5 tỷ cây; bình quân khai thác từ 500-600 triệu cây/năm với sản lượng khoảng 2,5-3 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ từ 900-1 tỷ cây/năm. Do đó, nhiều doanh nghiệp, làng nghề sản xuất hàng mây tre đan phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Lào và Camphuchia.

Nguyên liệu song, mây diện tích xen lẫn gỗ khoảng 382.000 ha, sản lượng khoảng 30.000-40.000 tấn/năm. Nhu cầu sử dụng song, mây hàng năm của nước ta vào khoảng 80.000 tấn. Hiện tại, nguồn nguyên liệu song, mây chủ yếu khai thác tự nhiên và trở nên rất khan hiếm do việc khai thác quá mức, thiếu sự quản lý.

Việc chưa hình thành được các vùng trồng tập trung, quy mô lớn dẫn đến tình trạng nguồn cung nguyên liệu thiếu tính ổn định. Bên cạnh đó, các quốc gia có nhiều nguyên liệu song, mây trên thế giới như Indonesia, Lào... cũng cấm xuất khẩu nguyên liệu thô nên các doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội đã nêu lên những khó khăn và đề xuất các giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề và ngành nghề nông thôn. Ảnh: Trung Quân.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội đã nêu lên những khó khăn và đề xuất các giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề và ngành nghề nông thôn. Ảnh: Trung Quân.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Đại diện Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT) cho rằng, để phát triển vùng nguyên liệu bền vững cho ngành thủ công Việt Nam trước hết cần ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu dựa trên lợi thế cạnh tranh của mỗi vùng, miền và có truy xuất nguồn gốc. Ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh tập trung kết hợp với các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình nhằm giải quyết hài hòa giữa ổn định vùng nguyên liệu và tạo thu nhập cho các hộ gia đình ở vùng nông thôn.

Không có nguyên liệu tốt thì sẽ không tạo được sản phẩm chất lượng. Ảnh: Trung Quân.

Không có nguyên liệu tốt thì sẽ không tạo được sản phẩm chất lượng. Ảnh: Trung Quân.

Nghiên cứu cải tiến giống và kỹ thuật trồng, đầu tư chăm sóc các loại cây nguyên liệu nhằm tạo ra nguyên liệu có chất lượng tốt, phù hợp với các mặt hàng thủ công với kỹ thuật sản xuất mới của các nghề thủ công.

Đa dạng hóa các hình thức chủ sở hữu vùng nguyên liệu, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu tại các làng nghề tham gia phát triển vùng nguyên liệu (bao gồm cả khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ khai thác, chế biến) dưới hình thức hợp tác công-tư-cộng đồng (PPCP).

Ưu tiên phát triển thiết kế như một bước đột phá để nâng cao giá trị sử dụng nguyên liệu và nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề của Việt Nam. Ưu tiên phát triển các sản phẩm làng nghề có chất lượng cao, sử dụng ít nguồn nguyên liệu tự nhiên hoặc sử dụng nguồn nguyên liệu tận dụng, nguyên liệu phế thải trong thiên nhiên (phụ phẩm nông nghiệp).

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng cho sự phát triển bền vững của các làng nghề. Trong đó, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề có đủ năng lực chuyên môn để hỗ trợ phát triển làng nghề và vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất của làng nghề.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, làng nghề truyền thống không chỉ giải quyết công ăn việc làm, mang lại giá trị kinh tế cho lao động nông thôn mà còn là nơi hội tụ, kết tinh những gía trị lịch sử, văn hóa của mảnh đất, con người địa phương đó.

Để làng nghề có thể phát triển thì vùng nguyên liệu phục vụ cho các làng nghề đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, nếu không có nguyên liệu tốt thì sẽ không tạo được sản phẩm chất lượng, không chủ động được trong sản xuất. Quan trọng hơn, vùng nguyên liệu phục vụ cho ngành nghề nông thôn là nơi để giữ chân người lao động, tạo sinh kế bền vững cho người dân ở nông thôn…

Tuy nhiên, để xây dựng được vùng nguyên liệu thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu; hình thành các chuỗi liên kết; đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào sản xuất, nhất là khâu giống.

Thứ trưởng cũng cho rằng, để phát triển được vùng nguyên liệu cho làng nghề, ngành nghề nông thôn không còn cách nào khác là phải hình thành các chuỗi liên kết. Điểm yếu của các doanh nghiệp hiện nay là chưa tận dụng được hết lợi thế của mình khi đặt chân đến 1 địa phương để hình thành các mối liên kết, phát triển bền vững.

Theo các đại biểu, dư địa để làng nghề, ngành nghề nông thôn phát triển còn rất lớn. Ảnh: Trung Quân.

Theo các đại biểu, dư địa để làng nghề, ngành nghề nông thôn phát triển còn rất lớn. Ảnh: Trung Quân.

“Doanh nghiệp đến địa phương mới chỉ tập trung vào việc xin quỹ đất để xây dựng được nhà máy chế biến mà không tận dụng được chủ trương, hỗ trợ hình thành các vùng nguyên tập trung của địa phương. Từ đó, không có mối liên kết chặt chẽ với các hộ sản xuất để đảm bảo nguyên liệu và huy động được nguồn lao động tại chỗ; trong khi địa phương mở cửa, nông dân sẵn sàng hợp tác”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng gợi mở, tiềm năng phát triển của ngành nghề nông thôn ở các địa phương hiện nay còn rất lớn. Do đó, từng địa phương cần sớm xây dựng quy hoạch, chính sách hỗ trợ cụ thể để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.

Đối với hiệp hội, ngành hàng, muốn trao đổi, hợp tác được với các tổ chức, đơn vị quốc tế thì các doanh nghiệp trong cùng một ngành hàng phải tìm được tiếng nói chung trước. Bên cạnh đó, các chủ trương, chính sách hỗ trợ sẽ không thể phân tán cho từng đơn vị độc lập, vì vậy việc các hiệp hội, ngành hàng phát huy vai trò của mình trong việc đưa tiếng nói, bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp lại càng phải được đề cao hơn nữa.

Đồng thời, các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp nghiên cứu đến việc tham gia xây dựng trung tâm logistic ngành nghề nông thôn. Trong đó, hội tụ tất cả các khâu từ nguyên liệu, sản xuất, chế biến, công nghiệp phụ trợ… của ngành thủ công mỹ nghệ.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.

Bình luận mới nhất