| Hotline: 0983.970.780

Giới hạn nào cho đạo nhạc?

Thứ Hai 09/06/2014 , 09:15 (GMT+7)

Trong vụ việc sử dụng nhiều bản hòa âm của nước ngoài với mục đích thương mại hóa, rõ ràng, Sơn Tùng M-TP đang đi quá giới hạn của mình trong âm nhạc và cả sự tôn trọng đối với khán giả yêu mến mình.

Trong thời gian gần đây, ca sĩ trẻ Sơn Tùng M-TP nổi lên như một hiện tượng của giới trẻ với nhiều ca khúc hiện đại, có giai điệu bắt tai và phù hợp với xu thế phát triển của âm nhạc Việt Nam.

Ngoài hấp dẫn giới trẻ, Sơn Tùng M-TP còn được nhiều nhạc sĩ lớn tuổi đánh giá cao như nhạc sĩ Nguyễn Cường từng đề cao ca khúc “Cơn mưa ngang qua” do Sơn Tùng sáng tác, ca khúc này từng đoạt giải “Bài hát của tháng” trong chương trình “Bài hát yêu thích” (VTV). Gần đây, ca khúc “Em của ngày hôm qua” do chính ca sĩ này sáng tác cũng lập được kì tích tương tự.

Tuy nhiên, vị giám khảo của chương trình “Nhân tố bí ẩn” - nhạc sĩ Dương Khắc Linh đã lên tiếng rằng, người sáng tác ca khúc “Every night” (Hằng đêm) của nhóm Exid - đến từ Hàn Quốc đã phát hiện ra chuyện Sơn Tùng sử dụng beat ca khúc “Every night” để sáng tác lên ca khúc "Em của ngày hôm qua" mà không xin phép và họ tỏ ra rất bức xúc.

Ngoài ra, cư dân mạng cũng tiếp tục phanh phui khi Sơn Tùng sử dụng beat của nhiều ca khúc Hàn Quốc, Nhật Bản khác để sáng tác các ca khúc của mình.

Beat là gì? Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến cho rằng: “Bạn cứ tưởng tượng, một bài hát chia ra làm 2 phần: giai điệu và beat. Beat ở đây là phần hòa âm. Thông thường, giai điệu ca khúc sẽ do nhạc sĩ sáng tác viết ra, còn beat sẽ do những nhạc sĩ chuyên về hòa âm phối khí làm ra. Ví dụ, ca khúc “Dệt tầm gai” - giai điệu và lời do nhạc sĩ Ngọc Đại và nhà thơ Vi Thùy Linh viết ra, nhưng beat lại là công việc sáng tạo của nhạc sĩ Đỗ Bảo. Nếu ai sáng tác trên beat của bản thu “Dệt tầm gai” đó, là đạo nhạc của nhạc sĩ Đỗ Bảo. Ở nước ngoài, khi ra một ca khúc, nhà sản xuất sẽ phải ghi rõ những người nào đã làm nên bản thu âm trên, ví dụ nhạc sĩ sáng tác, người viết lời, người hòa âm, ca sĩ, hòa âm có sử dụng tư liệu âm thanh nào không”.

Theo tìm hiểu của PV, viết giai điệu trên một beat của một bài hát khác không phải là mới, mà trước đây đã có nhiều người từng làm việc này. Đi đầu trào lưu này là những ca sĩ nghiệp dư, thích sáng tác và viết giai điệu, mục đích của họ mang tính “chơi” và không đem những sản phẩm đó vào việc thương mại. Chính vì tính chất phi thương mại đó nên nó không bị lên án và một bộ phận khán giả nghe trên mạng cũng không xem việc này quá nghiêm trọng.

Dù  thán phục năng lực viết giai điệu ca khúc của Sơn Tùng M-TP, nhưng có lẽ trong vụ việc sử dụng nhiều bản hòa âm của nước ngoài với mục đích thương mại hóa, rõ ràng, Sơn Tùng M-TP đang đi quá giới hạn của mình trong âm nhạc và cả sự tôn trọng đối với khán giả yêu mến mình.

Riêng trường hợp của Sơn Tùng M-TP thì ngược lại, anh sử dụng beat của các ca khúc đó và viết giai điệu, đem nguyên xi bản hòa âm đem đi biểu diễn thương mại, kinh doanh nhạc chuông nhạc chờ và trên hết, được giới chuyên môn trao những giải thưởng uy tín, thì việc này đã vượt quá giới hạn và bị quy kết vào việc “đạo nhạc” cũng không hẳn không có cơ sở.

Theo nhạc sĩ Dương Khắc Linh: “Nếu lấy một bản hoà âm đã có sẵn của một ca khúc đã được ra mắt của một ca sĩ khác và viết một giai điệu mới lên thì vẫn bị gọi là lấy cắp, vì hiển nhiên chưa được sự đồng ý của tác giả. Hơn nữa, khi ca sĩ đã thu lợi nhuận từ việc biểu diễn những ca khúc này, bán nhạc chuông nhạc chờ từ những ca khúc này thì lại càng phạm luật. Điều mà ít người biết. Đó là ngày xưa, thời của nhạc cổ điển thì luật bản quyền chưa tồn tại.

Vì vậy có rất nhiều người sử dụng nhạc cổ điển để cho vào ca khúc của mình, điều đó hoàn toàn đúng luật. Hơn nữa, họ vẫn luôn luôn tôn trọng người nhạc sĩ sáng tác, và luôn để rõ ràng tên của họ. Ở thời hiện đại, từ khi âm nhạc có thể được kinh doanh và làm ra lợi nhuận thì bản quyền là cực kỳ quan trọng. Các bạn trẻ không nên lầm tưởng là lấy beat của người khác viết là điều đáng làm, mà ngược lại, là điều đáng tránh”.

Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương chia sẻ trên trang cá nhân rằng: “Viết nhạc cực khó, không đơn giản như các em nghĩ đâu. Nếu có lấy câu dạo của bài nào nổi tiếng vào bản phối của mình thì phải xin phép đàng hoàng”.

Trên thế giới, việc sử dụng hay lấy ý tưởng từ các bản phối hay những câu nhạc kinh điển cho sáng tác mới không phải là hiếm, điển hình nhất là “On the floor” (Sàn nhảy) của Jenifer Lopez với giai điệu Lambada kinh điển và rất nhiều ca khúc khác nữa, nhưng tất cả những sản phẩm này đều tôn trọng bản quyền và xin phép rõ ràng.

Xem thêm
'Cỗ xe tam mã' của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng

Trong hồi tưởng của Đại tá Lê Trọng Nghĩa (1921 - 2015), tại Sở chỉ huy Mường Phăng, luôn có bộ 3 cán bộ bên cạnh Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.