| Hotline: 0983.970.780

Giống, thức ăn vẫn đảm bảo khôi phục sản xuất thủy sản

Thứ Năm 23/09/2021 , 06:00 (GMT+7)

Tổng cục Thủy sản cho biết khả năng cung ứng nguồn giống, thức ăn vẫn đảm bảo tốt cho việc khôi phục sản xuất ngành thủy sản trong thời gian tới.

Hệ thống sản xuất giống giảm công suất từ 30 - 40%

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, mục tiêu sản lượng thủy sản cả năm 2021 của nước ta là 8,6 triệu tấn, nhưng đến nay mới đạt xấp xỉ 5,7 triệu tấn, còn 2,9 triệu tấn cho 4 tháng cuối năm.

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, hiện nay các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… đang hồi phục kinh tế rất nhanh sau khi khống chế được dịch bệnh Covid-19, nhu cầu nhập khẩu thủy sản, nhất là mặt hàng tôm tăng cao.

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản. Ảnh: Minh Phúc.

Ngành thủy sản đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu trong các tháng cuối năm 2021. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 trong nước thời gian qua khiến việc cung ứng vật tư đầu vào cũng như hoạt động nuôi trồng, thu mua, chế biến của nông dân và các doanh nghiệp thời gian qua bị đình đốn.

Tại các vùng nuôi thực hiện giãn cách xã hội, có tình trạng người dân không thể di chuyển ra trông nom đầm tôm, ao cá của mình. Việc di chuyển để thu mua nguyên liệu chuyển về nhà máy chế biến cũng bị ngưng trệ. Nhiều bến cảng, nhà máy xuất hiện các ca F0 phải tạm dừng hoạt động...

Số doanh nghiệp còn hoạt động thì quy mô sản xuất cũng bị thu hẹp bởi vì khi hoạt đông theo phương thức “ba tại chỗ”, doanh nghiệp cũng chỉ đủ sức chứa tối đa khoảng 40% lao động so với bình thường.

Số lao động hoạt động "3 tại chỗ" được dồn từ nhiều dây chuyền sản xuất với các sản phẩm khác nhau gom lại, dẫn đến tay nghề không đồng đều, khiến cho năng suất lao động không cao. Người lao động tham gia sản xuất “ba tại chỗ” luôn mang tâm trạng lo âu về dịch bệnh, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình...

Tất cả điều này khiến lỗi kỹ thuật trên sản phẩm tăng lên, dẫn đến hoạt động của các doanh nghiệp không hiệu quả. Bên cạnh đó, các chi phí chăm lo sức khỏe cho người lao động, chi phí y tế để kiểm tra sức khỏe định kỳ cho những lao động ở lại công ty là không nhỏ… làm cho sản lượng chế biến tôm sụt giảm đáng kể.

Chuỗi cung ứng của ngành thủy sản đã bị đứt gãy nghiêm trọng những tháng qua. Ảnh: LHV.

Chuỗi cung ứng của ngành thủy sản đã bị đứt gãy nghiêm trọng những tháng qua. Ảnh: LHV.

Những yếu tố này dẫn tới không chỉ sản phẩm thủy sản nuôi xuất khẩu như tôm, cá tra… giá giảm mạnh, mà các sản phẩm khai thác cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê, giá các mặt hàng thủy sản sụt giảm rất lớn, đặc biệt là tôm giảm đến 30%. Nhiều hộ dân xuất hiện tâm lý hoang mang, lo lắng không biết có nên tiếp tục thả giống cho lứa tiếp theo nữa hay không.

Trước thực tế đó, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức nhiều cuộc họp, diễn đàn về thủy sản, nhất là về tôm. Theo đó, đã đưa ra những phân tích, đánh giá, giải pháp, dự báo để người dân thấy được nhu cầu của thị trường về tôm những tháng cuối năm còn rất lớn, đặc biệt dịp Tết nguyên đán đơn hàng sẽ nhiều hơn.

Vì vậy, nếu không duy trì viêc xuống giống thì ngành thủy sản phải chịu thiệt hại kép, một mặt khả năng đứt gãy nguồn cung ở các tháng cuối năm hoàn toàn có thể xảy ra, mặt khác thị trường đang có cơ hội tốt mà chúng ta không tranh thủ được.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, từ tháng 7, tháng 8/2021, hệ thống sản xuất giống đã giảm công suất từ 30 - 40%. Ở một số địa phương trong tháng 8, lượng xuống giống cũng giảm 30 - 40%.

Nhiều nơi, lượng tôm xuống giống đã giảm 30-40% so với bình thường, khiến nguồn cung tôm nguyên liệu có nguy cơ tụt giảm mạnh các tháng cuối năm 2021. Ảnh: LHV. 

Nhiều nơi, lượng tôm xuống giống đã giảm 30-40% so với bình thường, khiến nguồn cung tôm nguyên liệu có nguy cơ tụt giảm mạnh các tháng cuối năm 2021. Ảnh: LHV. 

Giống, thức ăn vẫn đảm bảo tái sản xuất

"Tuy nhiên theo thống kê, tại các trang trại sản xuất giống vẫn duy trì trên 55.000 con tôm bố mẹ, đủ khả năng cung cấp giống cho các tháng nuôi tiếp theo. Đây là điều kiện để người nuôi tiếp tục xuống giống vụ nuôi mới", ông Trần Đình Luân cho biết.

Về sản xuất thức ăn, ông Luân cho biết hiện nay, cả nước có 15 nhà máy sản xuất thức ăn đang tạm dừng do có các ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, với công suất hiện tại thì trong các tháng cuối năm, các doanh nghiệp vẫn có thể sản xuất trên 2 triệu tấn thức ăn để phục vụ chăn nuôi, nên vấn đề này không đáng ngại.

Vấn đề cần tháo gỡ hiện nay là việc lưu thông giữa các địa phương vẫn chưa có sự thống nhất về quy định, chính sách, dẫn tới tình trạng người dân, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiến hành thu hoạch và vận chuyển nguyên liệu về nhà máy chế biến.

Thời gian qua, Tổng cục Thủy sản cũng đã đưa ra khuyến cáo cho bà con xuống giống trong tháng 8/2021, nên xuống với mật độ thưa, kéo dài thời gian nuôi để đạt kích cỡ lớn. Mặc dù, hiện nay tôm kích cỡ lớn giá giảm xuống thấp, tuy nhiên những giải pháp kỹ thuật bà con vẫn phải duy trì, để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho nhà máy chế biến hoạt đông liên tục.

Tổng cục Thủy sản cho biết sẽ sớm tổ chức hội nghị nhằm có giải pháp căn cơ hơn nữa để khôi phục sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới. Ảnh: LHV.

Tổng cục Thủy sản cho biết sẽ sớm tổ chức hội nghị nhằm có giải pháp căn cơ hơn nữa để khôi phục sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới. Ảnh: LHV.

"Bên cạnh những sản phẩm sơ chế, chúng ta có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng có vị thế trên thị trường. Vì vậy, nguồn cung nguyên liệu tôm tươi để làm ra các sản phẩm đó cũng cần phải duy trì và phục hồi", ông Luân đánh cho biết. 

Cũng theo ông Trần Đình Luân, thời gian tới, Tổng cục Thủy sản cũng sẽ tham mư Bộ NN-PTNT dự kiến tổ chức hội nghị bàn các giải pháp để giúp phục hồi sản xuất, lưu thông, đảm bảo đủ các nguồn nguyên liệu phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trong hội nghị này, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ, những vấn đề còn vướng mắc sẽ được tập hợp và đề xuất tới các ngành, các bộ ngành, các đơn vị, nhất là các tỉnh, thành, địa phương ở ĐBSCL để có sự thống nhất về chính sách, giúp cho việc thu hoạch, lưu thông hàng hóa được thuận lợi nhất. Qua đó, giảm những chi phí không cần thiết, tăng lợi nhuận cho người dân, doanh nghiệp và duy trì được chuỗi sản xuất trong các tháng cuối năm 2021, xa hơn là đầu năm 2022. 

"Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, khó khăn lớn nhất là không thể đến trực tiếp các địa phương, các điểm nóng để chỉ đạo sản xuất. Vì vậy, Tổng cục Thủy sản đã thường xuyên tổ chức trao đổi thông tin với các địa phương qua các cuộc họp trực tuyến. Nhờ đó, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, vận chuyển… đều có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Việc chỉ đạo sản xuất diễn ra theo từng ngày, mỗi địa phương có diễn biến khác nhau sẽ đưa ra những biện pháp tháo gỡ khác nhau đảm bảo hoạt động sản xuất của người dân, doanh nghiệp diễn ra thuận lợi nhất.

Các thông tin về kỹ thuật, dự báo thời tiết, môi trường cũng đã và đang được cung cấp đến người nuôi liên tục, giúp giảm rủi ro trong quá trình sản xuất xuống mức thấp nhất, chi phí tối ưu nhất…".

(Ông Trần Đình Luân).

Xem thêm
Xử phạt 8 tàu thuyền vi phạm lĩnh vực thủy sản hơn 340 triệu đồng

Thừa Thiên - Huế Lực lượng chức năng tổ chức bắt giữ, xử lý 6 vụ với 8 phương tiện tàu thuyền, đồng thời ra quyết định xử lý vi phạm hành chính số tiền hơn 340 triệu đồng.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất