Ở Biển Hồ (Campuchia) có rất nhiều người gốc Việt sinh sống. Cuộc sống cho dù còn gặp vô vàn khó khăn nhưng ở đó có một ngôi trường mà người dân xây dựng lên để con em họ học tiếng Việt, giữ hồn Việt... Ngôi trường Việt Nam trên Biển Hồ
1. Chiếc tàu du lịch xé nước chừng nửa tiếng đồng hồ thì một vùng biển nước bao la và một làng nổi người Việt mỏng manh hiện ra trước sóng gió Biển Hồ. Đón chúng tôi như thường lệ khi có khách du lịch người Việt qua đây là ông Võ Văn Đầy. Ông Đầy là người đặt nền móng cho ngôi trường trên sóng nước Biển Hồ và kiêm luôn chức hội trưởng phụ huynh, mặc dù ông chẳng có con học ở đây. Ông Sáu Đầy gốc gác ở Nam Bộ và nói rất sõi tiếng Việt cho dù gia đình ông đã ba đời sinh sống trên mặt nước Biển Hồ. Hỏi quê gốc ông ở tỉnh nào tại Việt Nam, ông nói cũng không còn nhớ nữa, chỉ biết là vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Đầy cho biết: "Cụm dân cư người Việt trên Biển Hồ ở khu vực này có tên "làng Đầy" với 367 hộ và gần 2.000 nhân khẩu. Đây chỉ là một cụm dân cư thôi chứ tính trên Biển Hồ rộng lớn này thì có không dưới trăm cụm dân cư người Việt sinh sống như thế này".
Cuộc sống ở đây xem ra thật đơn giản. Mỗi gia đình là một ngôi nhà nổi làm từ vật liệu tre, luồng ghép lại, hoặc "sang" hơn thì nhà được làm nổi trên hệ thống thùng phuy. Nhà sát nhà, tạo thành một làng Việt Nam trên đất khách quê người. Công việc làm ăn của cư dân neo đậu trên Biển Hồ là đánh bắt, nuôi thả cá hoặc làm thuê làm mướn hay buôn bán lặt vặt. Vì việc vặt nên thu nhập cũng ít, hầu hết là nghèo khó.
Tôi ghé vào nhà chị Võ Thị Sang, đồ đạc cũng không có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi cũ đặt trên chiếc bàn nhựa sát tường nhà. Chị Sang nhìn ra biển nước mênh mông: "Mong sao đủ ăn cho cả nhà là tốt rồi. Được cái bà con mình nghèo nhưng đoàn két, thương nhau lắm. Nhà ai có khó khăn thì mọi người giúp nên cũng không túng quẫn”. Cá ở Biển Hồ không phải mùa nào cũng dồi dào mà ngày càng cạn kiệt dần nên việc đánh cá để bán không còn dễ dàng như trước nữa nên kéo theo đời sống của người đánh cá cũng khó khăn hơn.
2. "Cách đây hơn 10 năm, thấy con em thiếu chữ nên tui lo lắm. Bàn tính mãi, tui mới có ý định dựng một lớp học để dạy chữ cho con em người Việt. Ngoài cho học chữ, còn để cho con em biết đất nước đang đổi thay phát triển đi lên, để con em hướng về nguồn cội cần phải học lấy cái chữ của cha ông truyền lại", ông Đầy tâm sự về sự nghiệp trồng người ở Biển Hồ.
Nghĩ ra là vậy nhưng đây là công việc đầy khó khăn vì cộng đồng người Việt quá nghèo khó. Để thực hiện ý tưởng này ông Đầy đã phải cầu cứu đến Lãnh sự quán Việt Nam tại Bát Tam Bang (tỉnh Xiêm - Riệp). Và rồi những điều tốt lành cũng đã đến, một ngôi trường dù chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông dựng lên trên mặt nước. Sau đó vài năm, được sự giúp đỡ của Cty Xi măng Hà Tiên để lên tầng như ngày nay. Điều mừng là học sinh đến lớp mỗi ngày thêm đông. Đến nay có 5 lớp học từ lớp 1 đến lớp 5 với hơn 200 học sinh.
Vì những điều kiện khó khăn như đã nên nên trường học chỉ dạy 3 môn chính là toán, văn và lịch sử. Có lớp học và có các em đến trường đối với vùng sông nước ở phương trời xa ngái này đã là điều đáng quý rồi. Nhưng một điều còn quý hơn là tấm lòng của các thầy cô giáo. Chúng tôi đến thăm trường vào giữa tiết học và đã gặp ngay một "ông giáo làng" thực sự, đang hướng dẫn các em học bài.
Không phải tìm hiểu gì nhiều, ngay trên tường của lớp học đã có ngay dòng chữ “tự giới thiệu” bằng hai thứ tiếng: “Tôi là Trần Văn Tư, sinh năm 1937. Tôi tình nguyện sang Biển Hồ để dạy học từ thiện cho con em Việt kiều, để con em nhớ lại nguồn cội của cha ông”. Chừng ấy là quá đủ để hiểu về một "thầy giáo nhân dân” đến từ tỉnh Tây Ninh.
Cùng với thầy Tư, ở ngôi trường này còn có những thầy giáo trẻ, dạy học từ thiện hoàn toàn. Đó là thầy Nguyễn Minh Luân và thầy Nguyễn Văn Minh cũng từ Tây Ninh sang. Thầy giáo Tư kể lại: “Hồi đó, tôi nghe bên ni có trường lớp mà không có thầy nên cứ áy náy, đánh liều sang một chuyến, không ngờ "kết" luôn nghiệp làm thầy ở đây. Bây chừ thì thấy gắn bó như quê mình rồi”.
Lương bổng không, tiền đứng lớp không. Chỉ những ánh mắt và ước mơ cháy bỏng của các em nhỏ mong muốn được biết chữ đã níu chân các thầy. Thầy giáo Nguyễn Minh Luân bộc bạch: "Vốn có học nghề sư phạm nên tôi cũng định bụng sang bên này như một chuyến du lịch chơi cho vui. Sang rồi thấy cảnh sông hồ, cảnh người dân quây quần bên nhau đầm ấm quá nên ở lại. Giờ thì gắn với nghiệp làm thầy. Cứ mỗi lần về thăm nhà, cũng không ở được lâu. Nhớ cảnh các em đứng trên lớp vẫy tay tiễn thầy về là lòng dạ xốn xang để rồi hôm sau lại tất tả gói ít sách, báo, bắt xe, bắt thuyền sang với các em”.
Các thầy giáo ở với bà con, có gì ăn đó. Thậm chí như thầy Tư, lâu lâu gia đình còn gửi tiền sang để chi tiêu.
Ông Sáu Đầy bộc bạch: "Muốn đi học ở các lớp do nhà nước Campuchia mở cũng không dễ vì các em không có giấy khai sinh. Bố mẹ các em cũng không có những giấy tờ pháp lý chứng nhận thân nhân. Vì không có giấy tờ gì nên không được công khai về thăm quê hương, thậm chí khó lên bờ tìm việc làm, con sinh ra không làm được giấy khai sinh nữa đó chớ”. Đó cũng là nỗi niềm chúng tôi mang theo về quê hương trong chuyến đi này. Nhưng dẫu sao vẫn có niềm an ủi, trong gian khó người Việt tha hương vẫn đùm bọc nhau và cùng hướng về nguồn cội...
3. Bà con ở đây còn nghèo nên cái sự học trên sông nước cũng không dễ dàng gì. Nhiều gia đình không muốn con đi học để dành thời gian lao động phụ giúp gia đình. Với nhiệm vụ... không ai giao, các thầy cô cũng như ông Sáu Đầy lại phải đi vận động từng nhà để vận động con em đến lớp. Thầy giáo Trần Văn Tư chia sẻ: “Các em rất ngoan, chăm học và cũng rất ham học. Nhiều em nuôi ước mơ học để về nước lập nghiệp”.
Chúng tôi ghé vào một lớp học buổi sáng. Trong căn chòi khoảng 40 học sinh đang chăm chú nghe thầy giảng bài. Thấy có khách, thầy giáo cho các em tạm nghỉ ít phút. Em Nguyễn Thị Mến (học lớp 3), bẽn lẽn trò chuyện: “Ba mẹ cháu không biết quê ở vùng nào. Chỉ biết là ở Việt Nam thôi. Cháu cố gắng học để biết chữ rồi mai bữa lớn chút nữa sẽ về Việt Nam tìm quê cho ba má”. Còn cậu học trò Võ Văn Tuy thì láu lỉnh hơn: “Học biết chữ, biết đọc hết các loại sách, báo được đưa từ bên nước mình sang là chưa được đâu. Phải học cao thêm để biết làm cái nhà trường rộng hơn, cao hơn nữa”.
Tuy vậy, niềm vui đến trường chưa khoả lấp được những khoảng trống mà các em và gia đình những người Việt trên Biển Hồ đang đối mặt. Đây là lớp học không nằm trong chương trình của ngành giáo dục đất nước sở tại. Hội Việt kiều cũng có giấy chứng nhận học qua các lớp nhưng là để động viên các cháu thôi chứ không có giá trị pháp lý gì hết.