| Hotline: 0983.970.780

Giữ rừng phòng hộ ở miền biên viễn

Thứ Năm 21/09/2023 , 10:42 (GMT+7)

Việc quản lý, bảo vệ những cánh rừng phòng hộ tại thành phố vùng biên Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) vẫn đang được duy trì tập trung thực hiện suốt nhiều năm qua.

Nhờ sự quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, những cánh rừng phòng hộ ở TP Móng Cái tránh được tình trạng chặt phá, lấn chiếm. Ảnh: Nguyễn Thành. 

Nhờ sự quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, những cánh rừng phòng hộ ở TP Móng Cái tránh được tình trạng chặt phá, lấn chiếm. Ảnh: Nguyễn Thành. 

Ban Quản lý rừng phòng hộ Móng Cái được giao quản lý, bảo vệ khoảng 12.000ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có gần 6.000ha rừng tự nhiên, 5.800ha rừng ngập mặn thuộc 12 xã, phường trên địa bàn thành phố. Thời gian qua, nhằm tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng, Ban Quản lý đã thành lập 4 trạm bảo vệ tại những địa bàn chủ chốt là Bắc Sơn, Hải Sơn, Hải Tiến và Vĩnh Thực.

Cụ thể, Ban Quản lý rừng phòng hộ Móng Cái đã giao diện tích cho từng trạm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát thường xuyên, kể cả những dịp lễ tết. Vì vậy, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố Móng Cái không để xảy ra tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng phòng hộ, rừng ngập mặn. Cùng với công tác quản lý, bảo vệ rừng, đơn vị này đã thực hiện trồng rừng thay thế được gần 150ha trong gần 10 năm qua.

Đến Trạm Quản lý rừng phòng hộ Hải Tiến (xã Hải Tiến, TP Móng Cái), trước mắt phóng viên là căn nhà cấp 4 rộng chừng 40m2, nơi đây là chỗ nghỉ ngơi của 8 cán bộ, nhân viên đang ngày đêm trông giữ rừng. Ông Nguyễn Hữu Hùng, Trạm trưởng trạm Hải Tiến chia sẻ, trạm được xây dựng từ năm 2006, sau thời gian dài đi vào hoạt động, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hôm mưa to, trạm bị dột lỗ chỗ khiến cho cán bộ, nhân viên trạm phải huy động xô chậu để hứng nước.

"Đến đầu năm 2023, trạm đã được sửa phần mái, hiện không còn tình trạng cứ mưa là ướt hết đồ đạc bên trong. Tuy nhiên, còn nhiều trạm thuộc Ban Quản lý cũng đã xuống cấp nhưng chưa có tiền sửa chữa", ông Hùng cho biết.

Ngoài ra, trạm Hải Tiến được Ban Quản lý rừng phòng hộ Móng Cái đầu tư cho một chiếc xuồng máy thay thế cho chiếc bè máy cũ, nên việc tuần tra, canh gác bảo vệ rừng tại khu vực lòng hồ Tràng Vinh đã bớt khó khăn hơn. Tất cả công trình, phương tiện làm việc đều được huy động từ vốn xã hội hóa.

Kể về những khó khăn, vất vả khi quản lý, bảo vệ hơn 4.000ha rừng phòng hộ, ông Nguyễn Hữu Hùng bộc bạch, hiện trạm có 8 người, trong đó có 3 cán bộ và 5 nhân viên hợp đồng nhưng diện tích rừng cần bảo vệ là rất lớn. Trung bình, mỗi người đang phải phụ trách gần 1.000ha rừng.

"Thuận lợi duy nhất với chúng tôi là sau nhiều năm gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, các anh em đã nắm rõ từng lô, khoảnh rừng, từng cánh rừng trồng năm nào và hiện sinh trưởng ra sao. Từ đó, khi có tin báo về cháy rừng hay có kẻ gian xâm phạm, chúng tôi đều có mặt kịp thời".

Đặc biệt, tình trạng người dân vào rừng chặt trộm gỗ, khai thác lâm sản vẫn diễn ra. Tuy nhiên, từ khi rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng, khu vực rừng phòng hộ thuộc diện quản lý của trạm không giao cho người dân, nên công tác quản lý, bảo vệ chặt chẽ hơn. Từ đó, không còn tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ, lâm sản. 

Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Móng Cái đang bảo vệ khoảng 12.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành. 

Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Móng Cái đang bảo vệ khoảng 12.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành. 

Cùng với công tác tuần tra, kiểm soát, trạm Hải Tiến cũng như các trạm khác thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Móng Cái tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân sống gần rừng hiểu biết về lợi ích, tầm quan trọng của những cánh rừng. Đồng thời, vận động, hướng dẫn người dân tham gia ký kết bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, chung sức bảo vệ, phát triển rừng.

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng phòng hộ, hàng năm Ban đều xây dựng kế hoạch công tác quản lý và bảo vệ rừng theo quy định, ký hợp đồng với lực lượng chuyên trách. Bên cạnh đó, triển khai giao khoán diện tích, địa điểm cụ thể cho từng người. Đặc biệt, việc giao khoán bảo vệ, phát triển rừng cho người dân lân cận đã góp phần hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Móng Cái Nguyễn Văn Đông cho biết, hiện tỷ lệ che phủ rừng đối với phần diện tích đất lâm nghiệp thuộc Ban phụ trách đã đạt hơn 80%. Do diện tích rừng rộng, địa hình hiểm trở, các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng còn thiếu đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Trồng 1.000 cây hoa ban tri ân mảnh đất Điện Biên Phủ

Chiến dịch 'Phủ xanh tương lai trên mảnh đất lịch sử' tiến hành trồng 1.000 cây hoa ban tại những di tích lịch sử quan trọng ở thành phố Điện Biên Phủ.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.