| Hotline: 0983.970.780

Giữ vững tiêu chí thu nhập ở xã nông thôn mới

Thứ Sáu 19/11/2021 , 08:21 (GMT+7)

LÀO CAI Để đạt và duy trì thu nhập của người dân được đánh giá là tiêu chí khó thực hiện. Thế nhưng, một xã vùng sâu, vùng xa của Lào Cai đã làm được điều này.

Người dân xã Dương Quỳ (huyện Văn Bàn, Lào Cai) có thu nhập ổn định nhờ phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Hải Đăng.

Người dân xã Dương Quỳ (huyện Văn Bàn, Lào Cai) có thu nhập ổn định nhờ phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Hải Đăng.

Dương Quỳ trước đây là xã vùng III cách trung tâm huyện Văn Bàn 15 km nằm về phía Tây Bắc, xã có địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, dân cư sống không tập trung, giao thông đi lại khó khăn. Toàn xã có 13 thôn với 1.272 hộ và 6.095 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc, Kinh, Tày, Dao, Xa Phó, Thái cùng sinh sống.

Năm 2010, khi bước vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã mới đạt 3/19 tiêu chí: Thủy lợi, thông tin và truyền thông, y tế. Thu nhập bình quân đầu người mới đạt 7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 41,5%, đời sống kinh tế xã hội còn rất khó khăn.

Mặc dù có xuất phát điểm thấp, xã Dương Quỳ (huyện Văn Bàn, Lào Cai) lại có cách làm sáng tạo, thiết thực và sự đồng lòng của người dân cũng như hệ thống chính trị đã làm thay đổi bộ mặt của xã miền núi này, sớm cán đích nông thôn mới.

Đặc biệt, với nhiều địa phương, để đạt và duy trì bền vững thu nhập được đánh giá là tiêu chí khó, cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện. Thế nhưng với Dương Quỳ, cùng với việc đảm bảo thu nhập bình quân đầu người, thì cấp ủy chính quyền các địa phương cũng quan tâm đến sự đồng đều trong thu nhập, mức sống của bà con tại các thôn bản, các khu vực, quan tâm đến phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng khó.

Ông Quang Tác Sinh ở thôn Tùn Dưới, xã Dương Quỳ (huyện Văn Bàn, Lào Cai) từ đầu năm nay được hỗ trợ 1 con dê theo quyết định 2086 hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy giá trị hỗ trợ không lớn, nhưng đây là sự quan tâm ý nghĩa của Nhà nước, của chính quyền đối với hộ dân tộc thiểu số rất ít người như gia đình ông. Và đó cũng là động lực để gia đình ông tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình nuôi dê hiện có của gia đình, nỗ lực để xóa đói giảm nghèo.

Ông Quang Tác Sinh cho biết, nuôi con dê là dễ hơn nuôi lợn, chỉ việc đi thả, đi chăn thôi, lại không bị bệnh dịch. Việc chăm sóc dê cũng không quá khó hay đòi hỏi công chăm sóc tỉ mỉ. Thu nhập của con dê cũng cao hơn con lợn nhiều. Trước đây khi gia đình tập trung chủ yếu vào nuôi lợn trong khi dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, khiến khi nhiễm bệnh dịch thì thiệt hại ảnh hưởng thu nhập của gia đình.

Đàn dê của gia đình ông Quang Tác Sinh ở xã Dương Quỳ (huyện Văn Bàn, Lào Cai). Ảnh: Hải Đăng.

Đàn dê của gia đình ông Quang Tác Sinh ở xã Dương Quỳ (huyện Văn Bàn, Lào Cai). Ảnh: Hải Đăng.

Thôn Tùn Dưới có 100% dân số là người Xa Phó, mặt bằng cuộc sống vẫn còn thấp hơn so với các thôn bản khác trong xã. Chính vì vậy, xã Dương Quỳ cũng tập trung mọi nguồn lực để khuyến khích, vận động người dân tại các thôn vùng cao đưa những cây, con giống có giá trị vào sản xuất. Từ đó, những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như trồng rừng, chăn nuôi gia súc của người dân xuất hiện ngày càng nhiều.

Bà Đặng Thị Chính cùng ở thôn Tùn Dưới cho biết, trước kia nuôi trâu bò rễ thì hiệu quả không cao. Giờ thì gia đình tôi cũng vay vốn để mua nhiều rồi mua nhốt, biết phòng trừ dịch bệnh cho hiệu quả cao.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Dương Quỳ đã đạt 36,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 8,85%. Địa phương tiếp tục quan tâm để người dân ở các thôn khó khăn có thêm điều kiện để làm kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.

Ông La Xuân Thắm, Bí thư Đảng ủy xã Dương Quỳ (huyện Văn Bàn, Lào Cai) cho biết, chúng tôi cũng tiếp tục triển khai nhiều dự án như trồng nghệ, trồng gừng, bà con cũng hăng hái tham gia từ đó thu nhập được nâng cao.

Mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới, chính là cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho cư dân nông thôn. Chính vì vậy, với quyết tâm cao nhất, cấp ủy chính quyền tại Dương Quỳ nói riêng, các địa phương khác của Lào Cai đang nêu cao quyết tâm để nâng cao mức sống cho bà con, đưa nông thôn mới đi vào thực chất, xây dựng nông thôn mới bền vững, phồn thịnh.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.