| Hotline: 0983.970.780

Giữa đại ngàn xanh rừng Nà Hẩu

Chủ Nhật 19/02/2023 , 17:59 (GMT+7)

YÊN BÁI Cách trung tâm huyện Văn Yên khoảng 30km, Nà Hẩu nằm gọn giữa chốn thâm nghiêm của hàng vạn ha rừng nguyên sinh trù phú, nơi được mệnh danh "đại ngàn xanh của Yên Bái".

Đại ngàn xanh Nà Hẩu. Ảnh: Tuấn Anh.

Đại ngàn xanh Nà Hẩu. Ảnh: Tuấn Anh.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có diện tích quy hoạch 16.950ha, trong đó, khu bảo vệ nghiêm ngặt 7.250ha, phân khu phục hồi sinh thái 9.700ha trải rộng trên địa bàn 4 xã: Nà Hẩu, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ Thượng của huyện Văn Yên (Yên Bái). Không chỉ có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu còn là một trong những khu rừng phòng hộ xung yếu của thượng nguồn của sông Hồng.

Nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn, xã Nà Hẩu có tổng diện tự nhiên 5.640ha, trong đó rừng tự nhiên đặc dụng trên 4.500ha. Rừng Nà Hẩu như mái nhà chung của 484 hộ dân với trên 2.490 nhân khẩu, dân tộc Mông chiếm 99%. Mái nhà chung ấy được đồng bào nơi đây đồng lòng gìn giữ, cho dù cuộc sống của họ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Nhân dân - nguồn lực chính bảo vệ rừng

Ông Lý Tòn Cầu, Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu cho biết: Với phương châm bảo vệ rừng tận gốc, toàn dân tham gia bảo vệ rừng, UBND xã Nà Hẩu đã phối hợp với Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu giao khoán quản lý bảo vệ trên 3.700ha rừng tự nhiên, rừng đặc dụng cho 3 thôn trên địa bàn xã. Qua đó nâng cao vai trò, quyền lợi gắn với trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Người dân chung tay bảo vệ rừng Nà Hẩu. Ảnh: Tuấn Anh.

Người dân chung tay bảo vệ rừng Nà Hẩu. Ảnh: Tuấn Anh.

Đây là chỗ dựa vững chắc trong công tác bảo vệ Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng tự nhiên như khai thác gỗ, săn bắt động vật, phát, phá rừng trái phép, phòng cháy chữa cháy rừng.

Cùng với đó, UBND xã phối hợp với cán bộ Hạt Kiểm lâm Văn Yên tăng cường xuống cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân; tổ chức cho bà con ký kết các quy định bảo vệ rừng gắn với phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Anh Giàng A Quang, thôn Trung Tâm, xã Nà Hẩu nói: "Cả cuộc đời gắn bó với rừng, sống cùng rừng, người Mông ở Nà Hẩu coi rừng như nguồn sống, là mái nhà che chở, là chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng. Trải qua hàng trăm năm chung sống hoà thuận với rừng, hiểu được luật rừng, dân tộc Mông đặt ra những quy định về việc bảo vệ rừng được cộng đồng tôn trọng như những luật tục.

Rừng Nà Hẩu được giữ vẹn nguyên cùng năm tháng. Ảnh: Tuấn Anh.

Rừng Nà Hẩu được giữ vẹn nguyên cùng năm tháng. Ảnh: Tuấn Anh.

Với người dân ở Nà Hẩu, việc giữ rừng giống như giữ nhà của mình, nên người dân ở đây ai cũng tự bảo nhau không được phá rừng làm nương rẫy, không để người lạ vào rừng. Nếu ai xâm phạm vào khu vực rừng nhận khoán, người dân sẽ nhanh chóng thông báo chính quyền xã và cán bộ kiểm lâm can thiệp, xử lý kịp thời.

Được hỗ trợ tiền khoán bảo vệ rừng, người dân ở đây tự nhắc nhở nhau bảo vệ diện tích rừng đã nhận khoán. Đồng thời, tự giác tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát và triển khai nhiều biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng; ngăn chặn kịp thời các hành vi chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép.

Những cánh rừng cấm, rừng thiêng gần bản là nơi chở che dân bản tránh lũ ống, lũ quét, cho dân bản sản vật để ăn, nguồn nước để uống và tưới tiêu cho đồng ruộng. Giữ cánh rừng luôn tươi tốt cũng chính là giữ cho dân bản luôn bình an, no ấm.

Nhờ làm tốt công tác quản lý mà trong nhiều năm qua, diện tích rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu không bị tàn phá, không để xảy ra cháy rừng. Những cánh rừng bạt ngàn luôn một màu xanh tốt, ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên theo hướng thân thiện với rừng và môi trường sống.

Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Yên cùng người dân đi tuần rừng. Ảnh: Tuấn Anh.

Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Yên cùng người dân đi tuần rừng. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Phạm Tiến Thịnh, kiểm lâm viên trạm Đại Phú An kể: "Lúc mới nhận công tác, việc giữ rừng ở Nà Hẩu gặp không ít khó khăn. Mùa đông ở đây lạnh cắt da thịt, quần áo mặc không đủ ấm nên nạn chặt phá rừng còn diễn ra thường xuyên. Với họ, sưởi ấm là quan trọng hơn. Do đó công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu được giá trị của rừng là vấn đề cấp thiết nhất. Không chỉ thông qua những buổi họp thôn, bản mà tôi còn đến từng nhà vận động người dân giữ rừng".

Vừa giữ rừng, vừa giúp nhân dân ổn định cuộc sống.

Các hộ dân đến đây sinh sống trước khi Khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập, do vậy đất rừng đặc dụng và đất sản xuất đan xen nhau, lại nằm trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu nên cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn diện tích thuộc đất rừng đặc dụng nên người dân không thể mở rộng đất sản xuất. Dân số gia tăng, diện tích đất thổ cư hạn chế, nhiều hộ gia đình trên cùng một mảnh đất của ba mẹ khi lấy vợ, gả chồng anh em đã phải chia nhau dựng nhà để ở.

Rừng Nà Hẩu gắn liền với đời sống người dân tộc Mông nơi đây. Ảnh: Tuấn Anh.

Rừng Nà Hẩu gắn liền với đời sống người dân tộc Mông nơi đây. Ảnh: Tuấn Anh.

UBND xã Nà Hẩu cũng đã kiến nghị lên cấp trên những mong muốn của bà con, đề xuất chuyển đổi một phần đất đã khai phá trước khi thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu sang đất thổ cư để người dân ổn định cuộc sống.

Mặc dù cuộc sống của đồng bào Mông ở Nà Hẩu còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà việc giữ rừng bị sao nhãng. Quyết tâm giữ rừng của người dân nơi đây đã góp phần ổn định tình hình; các vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép kịp thời được phát hiện xử lý theo quy định của pháp luật. Những cánh rừng thiêng, rừng nguyên sinh vẫn ngút ngàn xanh và trường tồn dài lâu như tập tục giữ rừng của người Mông. Đó là một nét đẹp văn hoá hết sức đáng trân trọng của những người dân sống nơi đại ngàn xanh Nà Hẩu.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm