| Hotline: 0983.970.780

'Giường nghĩa tình' đồng bào gửi tặng khu cách ly

Thứ Ba 03/08/2021 , 08:38 (GMT+7)

Bình Phước Dù còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số Bình Phước đã tự tay làm ra những chiếc giường nghĩa tình bằng nguyên liệu tự có để gửi tặng các khu cách ly.

Ý tưởng từ tấm lòng đồng bào

Những ngày này, nhiều khu vực ở ấp Sóc Răng, xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản (Bình Phước) rộn ràng hơn thường lệ. Dưới cái nắng oi ả, không phân biệt người lớn trẻ nhỏ, bà con nơi đây đang khẩn trương hoàn thành những chiếc giường thủ công để kịp gửi tặng cho các khu cách ly.

Bà con ấp Sóc Răng hào hứng làm giường tặng khu cách ly. Ảnh: CTV.

Bà con ấp Sóc Răng hào hứng làm giường tặng khu cách ly. Ảnh: CTV.

Với những đôi tay vốn hàng ngày chỉ quen với việc cầm cuốc, cầm dao cạo mủ cao su thì giờ đây cũng dần quen với việc cầm cưa, cầm đục.

Nhìn những chiếc giường dài 1,8m và rộng 1,2m được làm hoàn toàn bằng những vật liệu tự nhiên như tre, tầm vông, gỗ được xếp ngay ngắn nơi góc sân nhà văn hóa ấp, tuy thô sơ nhưng rất vững chắc, có thể thấy được bao tình cảm chứa chan của người dân địa phương gửi gắm nơi tuyến đầu chống dịch.

Theo già làng Điểu Phụng, đồng bào nơi đây còn nhiều khó khăn nhưng giàu tình cảm: "Khi chúng tôi đưa ra kế hoạch làm giường gửi tặng khu cách ly, rất nhiều người nhiệt tình hưởng ứng và cùng tham gia làm.

Đồng bào ở ấp mình không giàu, không có nhiều tiền nên nảy ra ý tưởng làm những chiếc giường này. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, trong quá trình làm giường, chúng tôi sắp xếp chia thành nhiều nhóm nhỏ để thực hiện đúng khoảng cách, không tập trung đông người”, già làng Điểu Phụng chia sẻ.

Già, trẻ, lớn, bé trong ấp tùy vào sức của mình tự chọn công việc phù hợp để làm giường. Ảnh: CTV.

Già, trẻ, lớn, bé trong ấp tùy vào sức của mình tự chọn công việc phù hợp để làm giường. Ảnh: CTV.

Không chỉ có thanh niên trai tráng, công việc làm giường còn có sự hăng hái tham gia của các chị em phụ nữ, sức nhỏ làm việc nhỏ, thay vì phải khuân vác, đục đẽo, chị em đảm nhiệm vót tre, đan nẹp giường và tiếp tế trà nước.

“Sau khi được bà con trong sóc truyền tai nhau về hoạt động làm giường để hỗ trợ khu cách ly, tôi đã tham gia ngay. Mình không có tiền, lương thực hay thực phẩm để ủng hộ nên góp sức vót tre làm giường, chia sẻ với các lực lượng đang ngày đêm vất vả chống dịch. Mỗi người góp một chút như thế này cũng vui và đoàn kết,” chị Thị Mai chia sẻ.

Nhân rộng việc làm ý nghĩa

 Phó Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản Nguyễn Vũ Tiến cho biết, tính đến chiều 3/8, trên địa bàn huyện Hớn Quản đã ghi nhận 32 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Các khu cách ly tập trung của huyện đã tiếp nhận ngày càng nhiều trường hợp lây nhiễm cao, từ đó, gây áp lực không nhỏ cho địa phương.

Trước đó, khi nghe UBND huyện khó khăn trong việc mua giường cho các khu cách ly, đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đã sẵn sàng bỏ công việc thường nhật để cùng mặt trận, đoàn thể, ban ấp vào cuộc làm nên những chiếc giường nghĩa tình.

Hiện phong trào làm giường lan tỏa khắp các địa phương trong huyện Hớn Quản (Bình Phước). Ảnh: CTV.

Hiện phong trào làm giường lan tỏa khắp các địa phương trong huyện Hớn Quản (Bình Phước). Ảnh: CTV.

Từ một ý tưởng đơn lẻ của bà con đồng bào ấp Sóc Răng, xã Thanh Bình, chỉ chưa đầy một tuần lễ, toàn huyện Hớn Quản đã có hơn 250 chiếc giường do chính tay nhân dân tự đóng để gửi đến các khu cách ly.

“Với sự ủng hộ của nhân dân thời gian qua, nhất là phong trào đóng giường tặng các khu cách ly tập trung, chúng tôi đã phần nào giảm tải yên tâm về chỗ nghỉ cho những người cách ly”, ông Nguyễn Vũ Tiến chia sẻ.

Những chiếc giường tuy thô sơ nhưng rất vững chắc. Ảnh: CTV.

Những chiếc giường tuy thô sơ nhưng rất vững chắc. Ảnh: CTV.

Để ghi nhận việc làm ý nghĩa của bà con đồng bào tại địa phương, bí thư huyện ủy Hớn Quản Nguyễn Thị Xuân Hòa đã đến thăm, động viên và tặng bà con ấp Sóc Răng 2 câu thơ “Ngày xưa giã gạo nuôi quân. Ngày nay đục, vót tặng giường cách ly”.

“Chính “cái bụng” bà con tốt như vậy, chính cái việc làm của bà con ý nghĩa như thế nên chúng tôi càng phải cố gắng hơn, để làm sao bảo vệ được bình yên cho nhân dân. Bà con sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với Đảng, chính quyền, thì lãnh đạo địa phương càng phải trân quý những tình cảm ấy” bà Nguyễn Thị Xuân Hòa chia sẻ.

Lực lượng chức năng địa phương vận chuyển những chiếc giường đã hoàn thành đến các khu cách ly. Ảnh: CTV.

Lực lượng chức năng địa phương vận chuyển những chiếc giường đã hoàn thành đến các khu cách ly. Ảnh: CTV.

Dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân nói chung, người dân trong vùng dịch và những người trong khu cách ly nói riêng. Những chiếc giường do chính nhân dân các xã ở huyện Hớn Quản làm ra là minh chứng cụ thể, sinh động nhất, thiết thực nhất về tình người, tình đoàn kết dân tộc.

Những “món quà” ý nghĩa này là động lực to lớn, cổ vũ lực lượng tuyến đầu chống dịch và sưởi ấm tinh thần cho những người trong khu cách ly. Rồi đây, dịch bệnh chắc chắn sẽ qua đi, nhưng nghĩa đồng bào sẽ còn đọng mãi.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hạn hán ở Gia Lai gây thiệt hại gần 10 tỷ đồng

Bên cạnh 380ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, tỉnh Gia Lai còn ghi nhận hàng trăm ha cây trồng khác đang thiếu nước và chưa thể thống kê đủ mức độ thiệt hại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm