| Hotline: 0983.970.780

Gọi 'lan đột biến' như hiện nay là tùy tiện, không có cơ sở khoa học

Thứ Tư 21/04/2021 , 10:57 (GMT+7)

“Lan đột biến” đang được tuyên truyền, quảng bá rầm rộ, với những thương vụ hàng chục, hàng trăm tỷ là điều không bình thường, hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

Về mặt khoa học việc sử dụng tên gọi “lan đột biến” chỉ khi biết rõ giống lan đó được tạo ra bằng phương pháp gây đột biến như xử lý bằng phóng xạ hay hóa chất gây đột biến. Về mặt thực tiễn các giống lan được thu thập, phát hiện trong rừng mang về nuôi trồng dù có đặc sắc đến đâu cũng không thể khẳng định đó là giống “lan đột biến” được.

Các giống lan dù có đặc sắc đến đâu cũng không thể khẳng định đó là giống 'lan đột biến' được. Ảnh: internet.

Các giống lan dù có đặc sắc đến đâu cũng không thể khẳng định đó là giống “lan đột biến” được. Ảnh: internet.

Hoa lan, sở dĩ có được sự đa dạng đến kinh ngạc về kiểu dáng, màu sắc, hương thơm như hiện nay vì đó là sản phẩm từ các biến dị di truyền trải qua hàng vạn năm. Biến dị di truyền gồm có biến dị đột biến và biến dị tái tổ hợp. Biến dị đột biến có thể là đột biến gen (mất, thêm, thay thế cặp nucleotit) hay đột biến nhiễm sắc thể (mất đoạn, lặp đoạn, đảo đoạn, chuyển đoạn, đa bội thể). Nguyên nhân đột biến là các tác nhân trong tự nhiên như tia phóng xạ, tia cực tím, sốc nhiệt, thuốc diệt cỏ... Biến dị tái tổ hợp là những tổ hợp gen mới được sắp xếp lại ở đời con tạo nên những kiểu hình mới khác lạ so với bố mẹ, ông bà, cụ kỵ. Nguyên nhân là do sự phân ly độc lập, sự trao đổi chéo của các nhiễm sắc thể. Đối với hoa lan và các cây giao phấn khác thì côn trùng (ong, bướm) cũng góp phần tạo nên sự đa dạng khi mang phấn hoa của cây này thụ phấn cho cây khác, của giống này thụ phấn cho giống khác.

Nhờ biến dị di truyền mà họ Lan Orchidaceae trở thành một trong những họ thực vật lớn nhất thế giới với khoảng 28.000 loài tự nhiên và 100.000 lai ghép; số lượng loài và chi hoa lan vẫn không ngừng tăng lên theo thời gian (Wikipedia tiếng Việt). Theo cuốn Phong lan Việt Nam của Trần Hợp (1998) nước ta có khoảng 137-140 chi gồm trên 800 loài lan rừng. Tuy nhiên, không thể khẳng định một giống lan nào đó được phát hiện, thu hái trong rừng được tạo ra do đột biến hay tái tổ hợp.

Việc gắn thêm cái đuôi 'lan đột biến' là tùy tiện. Ảnh: internet.

Việc gắn thêm cái đuôi “lan đột biến” là tùy tiện. Ảnh: internet.

Thực tế thì đa số giống lan của nước ta là thu hái từ trong rừng tự nhiên hoặc nhập nội về nuôi trồng. Trong nước chưa có công bố nào về giống lan được tạo ra bằng phương pháp đột biến. Trung tâm nghiên cứu hoa - Viện Nghiên cứu Rau quả, cơ quan đầu ngành về hoa đã bắt tay chọn tạo giống lan mới bằng lai tạo và gây đột biến nhưng kết quả cũng mới ở bước đầu. Vì vậy, ai đó may mắn phát hiện được một giống lan đẹp, quý hiếm trong rừng hoặc tình cờ mua được một nhành hoa lan hiếm lạ ở phiên chợ Bưởi – Hà Nội chẳng hạn, họ có thể đặt cho nó một cái tên, nhưng việc gắn thêm cái đuôi “lan đột biến” là tùy tiện.

Câu hỏi là tại sao một nhóm người cố ý gắn thêm cái đuôi “lan đột biến” rồi tuyên truyền, quảng bá rầm rộ, bán tiền triệu, tiền tỷ mỗi mắt chồi thân trong khi chưa biết mặt mũi hoa đẹp thế nào mà vẫn có người mua? Bởi vì, có nhiều người cho rằng hoặc cố tính giải thích rằng “lan đột biến” mới đẹp, lạ, độc đáo hơn so với giống lan do lai tạo “tái tổ hợp” hay “lan thường”... Cách gọi giật gân “đột biến” đã đánh vào tâm lý hiếu kỳ, nhẹ dạ, cả tin của những người thiếu hiểu biết.

Tóm lại, hàng loạt giống “lan đột biến” đang được tuyên truyền, quảng bá rầm rộ, với những thương vụ hàng chục, hàng trăm tỷ là điều không bình thường, hoàn toàn không có cơ sở khoa học và thực tiễn, chỉ có thể nói đây là một trò chơi đậm màu “lừa đảo”.

Cách gọi giật gân 'đột biến' đã đánh vào tâm lý hiếu kỳ, nhẹ dạ, cả tin của những người thiếu hiểu biết. Ảnh: internet.

Cách gọi giật gân “đột biến” đã đánh vào tâm lý hiếu kỳ, nhẹ dạ, cả tin của những người thiếu hiểu biết. Ảnh: internet.

Thực ra luật pháp cũng đã có các quy định để hạn chế tình trạng này. Luật Trồng trọt năm 2018 yêu cầu giống cây mới phải được công bố thông tin (tên, nguồn gốc, sự khác biệt…) trước khi lưu hành trên thị trường, tuy nhiên quy định này đến năm 2022 mới có hiệu lực. Ngoài ra, Luật Sở hữu trí tuệ 2009 quy định cấp bằng bảo hộ cho chủ nhân của giống lan mới, kể cả giống mới đó được tìm kiếm, phát hiện trong rừng hay lấy từ các bộ sưu tập hoa lan, nếu chứng minh được giống mới thực sự khác biệt so với các giống lan khác đã được thị trường biết đến rộng rãi.

Tuy nhiên để pháp luật đi vào cuộc sống, ngoài việc nhà nước cần quan tâm hơn đến nhưng cây mà lâu nay ta coi là “phụ” nhưng khi có thị trường nó lại thành “chính” thì những người sản xuất, kinh doanh hoa lan chân chính cần tập hợp lại, vạch trần những thủ đoạn làm ăn gian dối, không minh bạch, xây dựng một ngành hoa lan rất có triển vọng của nước ta.

(VACVINA)

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm