| Hotline: 0983.970.780

Nhà bác học với giấc mơ dân Việt sánh cùng dân Nhật:

GS Lương Định Của đã chết vì hóc xương?

Thứ Tư 09/07/2014 , 08:20 (GMT+7)

Nhà nông học Lương Định Của ra đi khi mới 55 tuổi để lại dở dang ước mơ đưa nông dân Việt bắt nhịp cùng nông dân Nhật.

Giai đoạn ở nhà tập thể của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, bà Nobuko (vợ GS. Lương Định Của) cũng tranh thủ nuôi thêm con gà, con lợn để cải thiện thêm bữa ăn cho gia đình - những việc mà khi ở Nhật Bản bà chưa bao giờ nghĩ tới.

10-50-05_vo-chong-ong-luong-dinh-cu
Vợ chồng Giáo sư Lương Định Của

Về sau bà được giao làm phát thanh viên tiếng Nhật cho Đài Tiếng nói Việt Nam phải ở trên Hà Nội thi thoảng ông Của có ghé thăm. Trở lại Hải Dương bao giờ trên tay ông cũng là cặp lồng ruốc hoặc cặp lồng thịt rang kho mặn vợ làm.

Ông Của ở Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, ăn cùng hai đứa con gái và một đứa con trai nhỏ. Lương Hồng Việt, người con trai lớn học Đại học Nông nghiệp ra trường 1968 về Viện cũng chỉ ăn bo bo, mì luộc, ở giường tầng, đi cày, đi bừa, đi cấy, gánh phân như ai.

Viện có đài công nhưng lúc mở lúc tắt. Cùng cơ quan, thỉnh thoảng anh Việt có lên phòng bố nghe đài ké với ba đứa em. Hễ nghe tiếng ô tô từ ngoài cổng thường trực thì đài trong nhà cũng tắt tiếng.

Anh Việt có người yêu là cháu của Phó Chủ tịch huyện Gia Lộc. Chị là người Hải Dương nhưng làm trên phố Hàng Thiếc (Hà Nội), đồng nghiệp với bà Của ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Hai bên gia đình ra sức tác hợp, mai mối cho họ.

Anh Việt lúc đó chưa có xe đạp riêng còn ông Của thì có cái commăngca đít tròn cũ để đi lại. Thế mà từ Hải Dương về Hà Nội nếu có họp ông Của cũng không bao giờ cho Việt đi theo. Ông thường bảo: “Xe này Nhà nước trang bị cho bố đi công tác chứ không phải cho con. Con làm được tiền thì đi xe đạp còn không làm được thì đi bộ hay nhờ bạn bè đèo ra đường 5 mà bắt xe ô tô về Hà Nội”.

Ngoài lý do muốn con mình cũng như mọi cán bộ khác ông còn muốn giành chỗ trống ít trong xe cho những người phụ nữa, trẻ em con của cán bộ đi cùng.

Có thời kỳ người yêu anh Việt định bỏ vì hàng tháng không thấy anh này về thăm. Năm 1975, ông Của cử ba cán bộ của Viện dự thi nghiên cứu sinh nước ngoài trong đó có Lương Hồng Việt, rủi thay cả ba đều trượt. Thực hiện chính sách công bằng xã hội, ông vận động Việt đi nghĩa vụ quân sự trong khi hai người trượt khác được thi tiếp nghiên cứu sinh nước ngoài lần hai vào năm sau.

Ông Của luôn có một giấc mơ cháy bỏng là được đứng vào đội ngũ của Đảng. Ông Hồ Đắc Song, nguyên Bí thư Đảng ủy của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, kể: “Về việc này chúng tôi đã đề đạt rất nhiều nhưng chỉ được giải thích nếu ông Của là đảng viên, một số nhân sĩ yêu nước ở nước ngoài thấy ông là cộng sản sẽ không trao đổi khoa học nữa”.

Còn ông Nguyễn Hoài Bắc, nguyên Chủ tịch tỉnh Hải Hưng, nhận định: “Ông Của không được vào Đảng nhưng nhân cách con người ông ấy còn hơn cả nhiều đảng viên. Ngoài Đảng nhưng ông có thể gõ cửa Bộ Chính trị gặp ông Phạm Văn Đồng, ông Phạm Hùng lúc nào cũng được”...

Thiếu tướng Tô Ký là bạn thân đến chơi, ông Của nói anh em ra đồng bắt chuột đãi. Đương mùa lúa chín, chuột đồng rất béo. Tự tay ông Của làm lông, làm lòng rồi luộc chuột ép lá chanh. Thịt chuột ăn theo cách ấy vị thơm ngon, ngọt, thịt gà còn phải chắp tay hàng. Lúc bạn về, ông Của còn dúi 100 đồng vào tay bắt nhận dù cảnh nhà mình cũng đang túng thiếu như ai.

Năm 1975, Thủ tướng cử chuyên gia đầu ngành về cây lúa là Lương Định Của sang giúp Cu Ba. Trở về sau chuyến đi, ông tham gia họp Quốc hội khóa thống nhất đầu tiên của đất nước. Những ngày khác ông Tôn Đức Thắng thường chiêu đãi mọi người cơm nhưng hôm đó lại chiêu đãi bánh kẹo. Ông Của chia gói bánh của mình làm đôi, nửa cho ông Nguyễn Hoài Bắc nửa mang về nhà.

Tối đó, bà Của làm cơm, có rán nem để chồng nhắm rượu. Ông Của có tiếng là uống giỏi. Đồng nghiệp kể rượu Phú Lộc dí diêm là cháy phừng phừng, thức nhắm lại chỉ có bát châu chấu rang mà cốc vại ông làm hai hơi là hết.

Bữa rượu tại nhà đó uống xong ông chẳng may phải cảm, thấy khó thở nên dậy tập khí công. Ba người phụ nữ trong nhà là bà Của và hai cô con dâu đang bụng mang dạ chửa tính gọi xe cấp cứu nhưng ông can: “Rồi cuối cùng sẽ qua thôi”.

Từ 8 giờ tối đến 11 giờ tối, tình hình mỗi lúc một trầm trọng. Chiếc com măng ca khi ấy của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đang để ở gara của Viện Thú y, lái xe thì chẳng biết ở đâu vì điện thoại không có. Khó thở quá nên ông Của nôn khan. Thức ăn từ thực quản trào vào khí quản. Gần như ông đã tắc thở từ ở nhà. Bởi thế mới xuất hiện dư luận đồn rằng ông Của chết vì hóc xương.

Ngay trong khu tập thể ông ở có anh làm lãnh đạo ở Bệnh viện Việt Xô. Anh này bình thường ngày nào cũng mang hộp đồ y tế về nhà nhưng tối đó lại để quên ở cơ quan nên đành khoanh tay bất lực. Bà Của cuống quýt đi gọi điện thoại cấp cứu cho Bệnh viện Bạch Mai thì kíp trực lạnh tanh bảo: “Bệnh viện chỉ cấp cứu khi bệnh nhân tới đây chứ không mang xe đi chở bệnh nhân”.

Cái chết của GS Lương Định Của khiến cho nhiều nông dân hồi đó để tang, thương khóc. Có người còn thốt lên tự chính đáy lòng mình rằng: “Giá có thể chết thay ông ấy tôi cũng cam lòng. Ông Của mất đi rồi thì lấy ai tiếp tục tạo ra cho nông dân chúng tôi những cây giống tốt?”

Sáng 28/12/1975, Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo trước quốc dân, đồng bào tin nhà khoa học Lương Định Của đã ra đi. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chỉ thị cho Bộ Nông nghiệp, Tổng cục Bưu điện, Bộ Y tế phải kiểm điểm vì cái chết của ông.

Bộ Nông nghiệp bị kiểm điểm vì không mắc điện thoại ở nhà riêng của ông, Bộ Y tế bị kiểm điểm vì không cấp cứu kịp thời, còn Tổng cục Bưu điện bị kiểm điểm vì làm ăn tắc trách.

Khi biết ông mất, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm điều ô tô đi đón anh Lương Thắng, con của ông lúc này đang là sinh viên khoa cơ khí thực tập ở Trạm máy kéo huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) về.

Thắng có hỏi sao đón đột ngột thế, đoàn đành nói dối là: “Bố cháu đang ốm nặng”. Cũng ngày 28/12 có một máy bay của ta rơi ở huyện Văn Giang do hết xăng không đỗ xuống đường băng. Dư luận đồn rộ ông Của bị tai nạn máy bay chết là vì thế.

Lúc đó ông Nguyễn Quốc Tuấn, cán bộ Viện cùng Viện phó là ông Hồ Đắc Song vào bệnh viện sau khi người ta giải phẫu tử thi ông Của. Bác sĩ nói, mổ sọ ra không thấy có gì bất thường, mổ tim ra thấy có cục máu đông bằng hạt tấm ở động mạch. Nhà nông học Lương Định Của ra đi khi mới 55 tuổi để lại dở dang ước mơ đưa nông dân Việt bắt nhịp cùng nông dân Nhật.

Trước ngày ra đi đột ngột đó, ông đã rất thành công với giống lúa xuân sớm được đặt tên là Nông nghiệp 75-1 chịu được cái rét cắt da, cắt thịt ở miền Bắc và có năng suất cao. Năm 1978, sau đúng 3 năm ngày mất của GS Lương Định Của, giống lúa này đã chính thức được công nhận, cấp bằng sáng chế.

(*) Tư liệu trong bài viết được ghi theo lời kể của ông Nguyễn Quốc Tuấn và ông Trần Quý Lộc, cán bộ Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất