Có lần xe đang bon bon trên quốc lộ nhìn xuống thấy bà con cấy lúa, ông Phạm Hùng bảo tài xế cho dừng lại bước tới xem. Mấy cô gái đang cấy ngửa tay, hàng thẳng tăm tắp không biết những người đang đứng xem trên bờ là ai liền trêu: “Các chú cứ đứng trên bờ xem thì bao giờ biết cấy được! Có muốn học thì lội xuống đây các “em” dạy cho!”.
Giả tảng không để ý tới những tiếng cười đùa châm chọc, ông Phạm Hùng hỏi: “Các cô cấy theo kiểu nào mà ngửa tay, thẳng hàng đẹp thế?”. Mấy cô đồng thanh: “Kiểu ông Của đấy”. Nghe đến đây ông Phạm Hùng nháy mắt ra hiệu. Ông Của bèn xắn quần, bỏ dép, xuống ruộng cấy ngửa tay, thẳng hàng. Ông cấy nhanh thoăn thoắn, hàng lối còn đẹp hơn cả những cô gái mạnh miệng nọ khiến cho họ cứ tròn mắt nhìn: “Chú này đáng là đồng nghiệp với ông Của rồi đấy!”.
Ông Của là người tiên phong vận dụng kinh nghiệm của nước ngoài mà chủ yếu là của Nhật vào điều kiện đồng ruộng Việt Nam như xây dựng bờ vùng bờ thửa, cấy chăng dây thẳng hàng, dùng cào Nhật.
Trước đây có hai phái chọn giống: Phe xã hội chủ nghĩa theo thuyết di thực và thuần hóa, nói tóm tắt là chuyển giống ở các vùng sinh thái quen về sinh thái lạ rồi thuần hóa.
Quan điểm của ông Của lại theo thuyết của tư bản để tạo ra giống mới phải nhân lai với nhau để ra con lai F1 từ đó chọn tạo nhiều đời theo tính trạng mình cần. Chính trị tư bản và xã hội chủ nghĩa không chơi với nhau đã đành nhưng khoa học còn ghét cả học thuyết của nhau.
Ông Vũ Công Hậu, một nhà khoa học, khá tiếng tăm về bông, gắn bó bao nhiêu năm mà không thể tạo ra một giống bông mới vì không chịu theo học thuyết tư bản. Ông Của cười: “Hễ đã là khoa học thì bất kể tư bản hay xã hội chủ nghĩa đều là khách quan cả”.
Vị trí thức Nhật học này rèn người rất ghê. Anh em khóa 9 của Đại học Nông nghiệp về công tác tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, thường thắc mắc: “Chúng tôi là cán bộ đại học hay là công nhân mà bắt đi cày, đi bừa, gánh phân, nhổ mạ?”.
Ông Của ôn tồn: “Có lao động cực nhọc, có đổ mồ hôi trên đồng mới thấu hiểu nỗi khổ của nông dân, mới biết nông dân cần gì, mới nghiên cứu ra thứ có tính ứng dụng. Học nông nghiệp mà không phân biệt được cỏ lồng vực với cây lúa (hai loại cây có ngoại hình rất giống nhau khi còn nhỏ) là vứt!”. Quan điểm của ông phải từ đồng ruộng trở vào phòng thí nghiệm rồi từ phòng thí nghiệm quay trở lại phục vụ ruộng đồng.
Noi gương, chính ông cũng quần xắn móng lợn quần quật ngoài đồng. Nhiều lúc say sưa quá ông cầm que vạch ngay trên đường đất giảng cho đám cán bộ của mình ý tưởng chọn giống phải thế nào, chọn cây ra làm sao, lai tạo sao cho hiệu quả.
Chính những công việc đó sau này giúp cho họ, lớp cán bộ được đào tạo tại Viện nhiều người trưởng thành làm đến Giám đốc, Phó giám đốc Sở hay thành nhà khoa học nổi danh như PGS.TS Nguyễn Thị Trâm - người bán bản quyền giống lúa lai TH3-3 với giá 10 tỉ chấn động một dạo…
Một bận vào Thanh Hóa chỉ đạo SX, cái đài của ông Của hết pin. Anh Nguyễn Thanh Trung, cán bộ trong đoàn đi cùng ra bách hóa huyện xin mua 1-2 đôi pin. Anh Trung vừa mở lời với cửa hàng trưởng, thấy uy tín của ông Của người này đã chỉ đạo bán luôn cho cả cái đài cùng mấy đôi pin.
Nói về chuyện lương, nhiều anh em trong Viện hay than vãn thấp cao nhưng ông Của bảo: “Nếu nghĩ đến lương không bao giờ tôi về nước Việt Nam đang bom rơi, đạn nổ bởi ở Nhật thu nhập của tôi cao hơn gấp mấy chục lần. Nước ta còn nghèo, các anh hãy nghĩ cách để cống hiến cho đất nước hơn là nghĩ cách hưởng thụ”. |
Cái đài hồi đó là cả một gia tài, là ước mơ xa vời của đại đa số mọi người vì trị giá của nó còn hơn cả một con trâu mộng. Anh cán bộ dưới quyền tung tăng xách cái đài mới tinh vào phòng, hí hửng khoe, không ngờ bị ông Của trách móc: “Sao chú tham thế? Tôi có bảo chú mua đài đâu? Đài mình có rồi, mang trả đi”. Nếu đem bán cái đài đó trên thị trường chợ đen có giá gấp bốn lần giá của cửa hàng nên anh Trung đem trả mà lòng tiếc buốt buồn buột.
Chỉ đạo SX ở Thanh Hóa, nhiều lãnh đạo huyện mất chức vì ông Của. Trước hội nghị, ông nói về thâm canh lúa, về thay đổi giống, tạo năng suất các vị này xoen xoét hứa triển khai nhưng một tháng sau đến kiểm tra không thấy gì cả, ông làm ầm lên, cuối cùng bị kỷ luật đến tuột cả chức.
Có lần về nông thôn công tác, nghe tiếng kẻng báo giờ nông dân đi làm và báo giờ nghỉ làm theo kiểu dong công, phóng điểm trong khi người nông dân cần phải làm khoán, ông đã hỏi: “Không biết ở đây có kẻng nhắc các cặp vợ chồng đi ngủ không nhỉ?”. Lại có lần cùng mấy kỹ sư của Viện từ làng sơ tán ra tới đường lớn để đi ô tô có một đoạn lội, ông Của tháo dép xách tay, đi chân đất. Một cậu kỹ sư trẻ thấy vậy vội vã đưa tay: “Thưa thầy, để em cách dép cho”. Ông nhẹ nhàng nhắc: “Viện cử anh đi công tác cơ mà”.
Nghiêm khắc là thế nhưng ông lại rất hòa đồng và có khiếu kể chuyện tiếu lâm: “Hai vợ chồng một nhà nọ có con bò cái động đực, sang nhà hàng xóm lấy giống bò. Con bò đực đi một vòng quan sát con bò cái, hít hít tí chút rồi dửng dưng bỏ đi năm. Hai vợ chồng người cần lấy giống bò lo lắng sợ nếu sang ngày hôm sau sẽ trễ lứa. Biết được nỗi lo ấy, bà chủ nhà có con bò đực nói: “Hai bác cứ yên tâm, em đã có cách”. Rồi bà bê ra chậu nước nóng và cái khăn mặt, nhanh chóng nhúng chiếc khăn vào chậu nước nóng đắp lên mông con bò đực.
Chỉ mấy phút sau, con bò đực hăng lên, “nhảy” con bò cái luôn mấy lần liền. Sau lần lấy giống đó, tuy con bò cái có thai nhưng chủ nhân trở nên cau có, khó chịu. Ông có con bò đực rất ngạc nhiên hỏi: “Con bò nhà ông đã có chửa, tại sao mặt ông cứ khó đăm đăm?”.
Ông có bò cái nói: “Tôi bực vợ ông lắm”. Ông có con bò đực ngạc nhiên: “Nhà tôi đã làm gì ông?”. Ông có bò cái buồn rầu: “Từ ngày vợ tôi nhìn thấy vợ ông đắp cái khăn nóng lên mông con bò đực nhà ông, tối nào vợ tôi cũng làm như thế với hai cái mông của tôi. Liệu vợ ông hằng đêm cũng làm như vậy với ông, mặt ông có còn dễ chịu được không?”.
(*) Tư liệu trong bài viết này được ghi theo lời kể của ông Nguyễn Quốc Tuấn và ông Trần Quý Lộc, cán bộ Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm