| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội: Chủ động ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Thứ Tư 19/12/2018 , 09:04 (GMT+7)

UBND TP Hà Nội ban ban hành Kế hoạch số 187/KH-UBND triển khai các giải pháp, hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với khả năng bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, UBND TP yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Hà Nội.

Cụ thể, khi chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi dưới nhiều hình thức. Tổ chức tập huấn cho hệ thống thú y cơ sở và các đối tượng liên quan về các biện pháp ứng phó bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và tuân thủ nghiêm các quy định. Củng cố và tăng cường hoạt động của các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông và các chốt kiểm dịch động vật liên ngành TP và Đội kiểm dịch động vật lưu động; tổ chức tốt công tác tiêm phòng cho đàn lợn, đặc biệt đối với bệnh Dịch tả lợn và tổ chức tiêu độc môi trường chăn nuôi, chú ý tại những nơi có nguy cơ cao như: Chợ, bãi rác; thực hiện vệ sinh, tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn.

Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn: Lấy mẫu giám sát vi rút dịch tả lợn châu Phi đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nghi mắc bệnh, nghi nhập lậu (thịt tươi, thịt đông lạnh, dăm bông, xúc xích) tại các điểm, cơ sở giết mổ lợn hoặc trong quá trình vận chuyển; xây dựng phương án đóng cửa chợ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có các biện pháp xử lý khi phát hiện có vi rút dịch tả lợn châu Phi...

Khi phát hiện có sự xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn TP, cần khẩn trương thực hiện các nội dung sau: Chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần tổ chức thực hiện ngay các biện pháp xử lý ổ dịch, các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; tiêu hủy đàn lợn mắc bệnh và các đàn lợn có nguy cơ nhiễm bệnh và khoanh vùng dịch, vùng đệm theo hướng dẫn của Bộ NN- PTNT, Cục Thú y; không điều trị lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cấm vận chuyển, giết mổ, kinh doanh lợn và các sản phẩm của lợn, kể cả sản phẩm đã qua chế biến chín trong khu vực có dịch. Tổ chức ký cam kết đối với các hộ chăn nuôi, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu vực có dịch và khu vực xung quanh để tiêu diệt mầm bệnh và tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp thực hành chăn nuôi tốt.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.