| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội: Khốn khổ vì ô nhiễm nước sông

Thứ Sáu 15/11/2019 , 08:41 (GMT+7)

Nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy của thành phố Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến hoạt động canh tác nông nghiệp gặp khó khăn.

09-01-41_o-nhiem-song-nhue-01
Sông Nhuệ biến thành “dòng sông đen” do nguồn nước bị ô nhiễm. Ảnh: Minh Phúc.

Không những vậy, đời sống sinh hoạt của người dân sống dọc các tuyến sông này cũng bị đảo lộn.
 

Dòng sông đen bên làng cổ Cự Đà

Ngay từ lúc mới đặt chân tới xã Cự Khê, những hình ảnh ô nhiễm của sông Nhuệ đã phơi lộ, choán ngợp thị giác và khứu giác của chúng tôi.

Đi dọc sông Nhuệ khoảng 4km từ thôn Khúc Thủy đến thôn Cự Đà, xã Cự Khê, dòng nước nhuốm màu đen kịt. Những bậc đá cổ khi xưa người dân vẫn bước xuống lấy nước, giờ trở thành những công trình hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Ngôi làng cổ Cự Đà có tuổi đời hơn 400 năm, vẫn giữ được những cổng làng rêu phong, cổ kính. Có lẽ, nếu không bị ám bởi mùi hôi thối của dòng sông Nhuệ, có lẽ đây sẽ là điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội.

Ông Đặng Anh Phương, Chủ tịch UBND xã Cự Khê từng chia sẻ với chúng tôi: Nhà nào nhà nấy phải đóng cửa thật kín để giảm mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông được mệnh danh là "con đường tơ lụa" thuở nào. Thậm chí, nước sông đã làm ô nhiễm cả nguồn nước ngầm. Theo kết quả của cuộc phân tích mẫu nước giếng khoan những nhà sống hai bên sông cho thấy, nước bị nhiễm asen cao; các bệnh như ngứa, ung thư phát sinh nhiều.

Dân số xã Cự Khê có khoảng 6.000 người, thì một nửa đang sống dọc hai bờ sông Nhuệ (chủ yếu thuộc các thôn Cự Đà và Khúc Thủy), chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự ô nhiễm của con sông, đã có rất nhiều người chết vì ung thư.

Việc không đảm bảo nguồn nước bổ sung vào hệ thống, đóng cống trong nhiều ngày cũng như có nhiều nguồn thải vào hệ thống đã góp phần gây nên ô nhiễm nghiêm trọng trong hệ thống, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người và sản xuất.

09-01-41_o-nhiem-song-nhue-02
Nước sông Nhuệ không đạt tiêu chuẩn để tưới cho cây trồng. Ảnh: Kế Toại.

Chất lượng nước của sông Nhuệ biến đổi theo từng năm, có xu hướng ngày kém hơn do có nhiều nguồn nước thải lớn đổ vào hệ thống. Khu vực ô nhiễm nặng nhất trên dòng chính sông Nhuệ là từ sau cống Hà Đông về hạ du, cũng như tại các kênh nhánh La Khê, Vân Đình, Ngoại Độ, Duy Tiên.
 

Nước nhiễm thạch tín vượt ngưỡng cho phép nhiều lần

Ông Đào Ngọc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN- PTNT) cho biết: Kết quả giám sát từ năm 2005 đến 2016 do Viện Quy hoạch Thủy lợi thực hiện cho thấy, đoạn từ Cầu Diễn đến đập Đồng Quan có hàm lượng COD, BOD5 đều vượt quá giới hạn B2 của Quy chuẩn Việt Nam 08 do Bộ TN- MT ban hành (dùng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi hoặc các mục đích sử dụng khác có yêu cầu chất lượng nước tương tự) từ 2,2 đến 9 lần.

Đặc biệt, chỉ số DO thấp, giảm mạnh trong những năm gần đây. Qua các đợt giám sát đều cho thấy hàm lượng NH4+ vượt quá giới hạn B2 từ 0,4 đến 11 lần; hàm lượng vi khuẩn Coliform vượt quá giới hạn B2 từ 1.5 đến 30 lần. Đặc biệt, hàm lượng thạch tín (asen) vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.

Theo các số liệu thống kê của Sở TN- MT Hà Nội, có hơn 1.300 điểm xả thải các loại ảnh hưởng đến chất lượng nước hệ thống thủy lợi sông Nhuệ. Các điểm gây ra ô nhiễm chính trên sông Nhuệ hiện nay gồm có sông Đăm, sông Cầu Ngà, kênh Xuân La, kênh Phú Đô, kênh Trung Văn tại huyện Từ Liêm, đập Thanh Liệt tại huyện Thanh Trì, kênh La Khê tại quận Hà Đông.

Theo đại diện của Chi cục Thủy lợi Hà Nội, 4 dòng sông của Hà Nội (Nhuệ, Đáy, Tích, Bùi) có nhiệm vụ cung cấp nguồn nước tưới và tiêu thoát úng cho 136.725ha sản xuất nông nghiệp của 25/30 quận, huyện, thị xã.

Tuy nhiên, nguồn nước các dòng sông này, nhất là sông Nhuệ và sông Đáy đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, không bảo đảm chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…
 

Mong sớm có biện pháp xử lý

Sinh sống gần dòng sông Đáy, bà Nguyễn Thị Bùng (thôn Phượng Đồng, xã Phụng Châu) không giấu nổi bức xúc khi sông Đáy ngày một ô nhiễm. “Do phải sử dụng nguồn nước sông Đáy để tưới cây nên phần lớn nông dân ở đây đi làm cỏ lúa đều phải mang khẩu trang, đi ủng và găng tay”.

Không những thế, ông Nguyễn Văn Thơ, người dân thôn Phượng Đồng chia sẻ: “Ô nhiễm sông làm hàng loạt giếng khoan lấy nước sinh hoạt trên địa bàn xã bị ảnh hưởng. Chúng tôi mong các cấp chính quyền sớm có biện pháp giải quyết triệt để tình trạng này”…

Không chỉ ở huyện Chương Mỹ, vấn đề ô nhiễm các dòng sông còn gây bức xúc cho nhiều người dân trên địa bàn các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức…

09-01-41_o-nhiem-song-nhue-03
Một khúc sông Nhuệ đoạn chảy qua khu dân cư của quận Hà Đông (Hà Nội) bốc mùi tanh hôi nồng nặc. Ảnh: Kế Toại.

Kết quả thanh tra, kiểm tra của Tổng cục Môi trường (Bộ TN- MT) cho thấy vẫn còn nhiều cơ sở có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cụ thể, năm 2018, trên địa bàn thành phố Hà Nội, có 60% cơ sở được thanh, kiểm tra bị xử phạt.

Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, để xử lý các dòng sông liên tỉnh, quan điểm của Bộ là  phải xử lý ngay tại nguồn. Tức là người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm. Và trên thực tế, các dòng sông này đã có những thống kê chi tiết liên quan đến nhiều địa phương. Do vậy, trách nhiệm cũng thuộc về địa phương có dòng nước chảy qua.

Về công nghệ xử lý, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN-MT đã có kiến nghị chính quyền địa phương phải đánh giá nguồn thải và lựa chọn mô hình xử lý. Theo Bộ trưởng, mô hình hiện nay lựa chọn công nghệ không phải là khó. Và trong thực tế, TP Hà Nội đã có 2 - 3 mô hình xử lý tại từng đoạn sông, các làng nghề, tập trung vào nước thải sinh hoạt.

Bộ trưởng cho rằng, nếu tính toán chi phí từ Nhà nước và sự tham gia của các đối tượng, hoàn toàn có thể thu hút xã hội hóa. Cần xác định doanh nghiệp có công nghệ và năng lực xử lý. Đồng thời cần có cơ chế tính chi phí xử lý, tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp để thu hút họ tham gia xử lý môi trường sông Nhuệ - Đáy.

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố Hà Nội, để bảo vệ nguồn nước theo hướng bền vững, việc quan trọng nhất hiện nay là phải tăng cường tuyên truyền để nhân dân nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của nước đối với sức khỏe, môi trường và phát triển kinh tế, xã hội.

Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT Hà Nội giao Chi cục Thủy lợi phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tuyên truyền pháp luật thủy lợi; trong đó, tập trung tuyên truyền các quy định bảo vệ công trình và nguồn nước. Về trách nhiệm quản lý nhà nước, dự kiến từ nay đến cuối năm 2019, Sở NN-PTNT Hà Nội sẽ thanh tra 10 tổ chức, cá nhân hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trong đó có hoạt động xả nước thải...

UBND thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng hệ thống thu gom nước thải dọc bờ sông Tô Lịch, sông Nhuệ, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Theo quy hoạch đến năm 2030, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng 39 nhà máy xử lý nước thải tập trung, công suất xử lý đạt gần 1,81 triệu m3/ngày, đêm vào năm 2030 và sau đó là gần 2,5 triệu mét khối vào năm 2050…

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Hà Nội cũng ra văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã có phát sinh vi phạm trong năm 2019 kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi, các vụ việc vi phạm mới phát sinh; ngăn chặn vi phạm mới, tái vi phạm xảy ra trên địa bàn.

Đặc biệt là chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND thành phố về việc xử lý giải tỏa và để xảy ra tình trạng vi phạm tiếp diễn, đặc biệt các huyện phát sinh nhiều vi phạm như huyện Thường Tín, Thanh Oai, Thạch Thất và các địa phương có hồ chứa nước như huyện Sóc Sơn, Ba Vì, thị xã Sơn Tây.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.