| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội lấy nước triệt để

Thứ Tư 15/01/2014 , 10:42 (GMT+7)

Ngày đầu tiên lấy nước đổ ải đợt 1 vụ xuân 2014, nhiều nông dân Hà Nội đã tranh thủ xuống đồng dẫn nước vào ruộng tổ chức làm đất gieo mạ và cày ải.

* Dự kiến gieo cấy 102.000 ha lúa

* Lắp đặt thêm 94 trạm bơm dã chiến

Ngày đầu tiên lấy nước đổ ải đợt 1 vụ xuân 2014, nhiều nông dân Hà Nội đã tranh thủ xuống đồng dẫn nước vào ruộng tổ chức làm đất gieo mạ và cày ải.

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, dự kiến diện tích lấy nước đổ ải phục vụ SX vụ xuân 2014 khoảng 102.000 ha. Nguồn nước được sử dụng từ 2 nguồn chính là các hồ chứa (khoảng 10.000 ha) và hệ thống các sông. Mực nước của các hồ hiện nay cơ bản đạt dung tích thiết kế. Mực nước trên sông Hồng thấp hơn trung bình nhiều năm và từ đầu tháng 11/2013 đến nay liên tục suy giảm; phụ thuộc nhiều vào việc điều tiết của các hồ thủy điện ở thượng lưu.

Vì vậy, để chủ động đối phó với nguy cơ khô hạn, thành phố đã triển khai việc nạo vét các trục kênh dẫn, bể hút các trạm bơm tưới, nạo vét khai thông các trục tiêu để trữ nước chống hạn và tiêu thoát úng. Tổ chức nạo vét các khửa khẩu lấy nước chính Ấp Bắc, Thanh Điềm, Liên Mạc, Phú Xuân, Sơn Đà… xong trước ngày 30/12/2013.


Công nhân Xí nghiệp Đầu tư & phát triển thủy lợi Đan Hoài kiểm tra máy bơm tại 
trạm Bá Giang

Tổng khối lượng nạo vét kênh mương phục vụ chống hạn vụ xuân 2014 ước khoảng 2,13 triệu m3. Tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị cơ điện, hư hỏng các công trình thủy công; chuẩn bị sẵn các vật tư, thiết bị, lắp đặt sớm các trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm theo phương án chống hạn của từng địa phương, đơn vị. Thành phố đã lắp đặt 94 trạm bơm dã chiến với 289 máy bơm các loại, tổng lưu lượng khoảng 296.600 m3/giờ…

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã xây dựng kỹ lưỡng các tình huống giả định chống hạn cho từng vùng, để không bị lúng túng, bất ngờ khi xảy ra những vấn đề ngoài dự kiến; phân công trách nhiệm cho các ngành, các cấp thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể theo đúng chức năng, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất trong công tác thủy lợi.

Chủ động lấy nước sớm

Theo thông tin từ Cty MTV Khai thác công trình thủy lợi Sông Nhuệ, mặc dù đến ngày 14/11 mới bắt đầu lấy nước đợt 1, nhưng trước đó diện tích lấy nước đổ ải của nhiều huyện đã đạt hàng trăm ha do chủ động bơm từ sông Nhuệ, sông Đáy...

Điển hình là trạm bơm của Xí nghiệp Hồng Vân đã bơm nước đổ ải cho 1.800 ha; huyện Ứng Hòa 500 ha; huyện Phú Xuyên 500 ha. Với tiến độ hoạt động như trên, việc hoàn thành 100% diện tích đổ ải trước ngày 18/1 là nằm trong khả năng của hệ thống. Vì mực nước trên hệ thống sông Nhuệ thấp, để đảm bảo cung cấp đủ nước cho các hệ thống kênh cấp 1, cấp 2, từ cuối tháng 12/2013, Cty đã tổ chức lắp đặt các trạm bơm dã chiến phục vụ dẫn nước.

Ông Nguyễn Thạc Kiên, Trưởng phòng kỹ thuật Xí nghiệp Đầu tư & phát triển thủy lợi Đan Hoài cho biết: Vụ xuân 2014, XN ký kết hợp đồng tưới nước cho 4.863 ha lúa trên địa bàn 3 huyện Đan Phượng, Từ Liêm, Hoài Đức và quận Hà Đông. Nhưng do trạm bơm Đan Hoài đang trong thời gian cải tạo, nâng cấp nên nhiệm vụ bơm tưới đặt nặng lên vai trạm bơm dã chiến Bá Giang.

Năm nay, do mực nước sông Hồng xuống thấp hơn trung bình hằng năm, nên ngay từ đầu tháng 12, XN đã phải huy động công nhân tổ chức di chuyển hệ thống máy bơm xuống khu vực có độ cao trình thấp hơn để tiếp cận với nguồn nước. Đồng thời bảo dưỡng, sửa chữa, thay mới những thiết bị hỏng hóc, đảm bảo 100% máy bơm hoạt động tốt.

Với 25 máy bơm, công suất mỗi máy đạt 1.000 m3/giờ, trạm bơm dã chiến Bá Giang chỉ đạt công suất 60% so với trạm bơm Đan Hoài trước đây. Trong khi đó, lại phải bơm tiếp nước ra sông Đáy để cấp nguồn chống hạn cho khu vực Chương Mỹ, Thanh Oai. Vì phải cấp nước luôn phiên, do đó ngay từ đêm 4/1, trạm bơm Bá Giang đã tiến hành bơm nước để phục vụ công tác chống hạn và gieo mạ của bà con.

Vẫn lo thủy lợi nội đồng

Cũng theo ông Kiên, công tác nạo vét các tuyến kênh dẫn nước cấp 1, cấp 2 đã được tiến hành trước đó để đảm bảo sự thông thoáng của dòng chảy. XN Đan Hoài phối hợp với các cụm đơn vị tiến hành xây dựng kế hoạch tưới, chỉ đạo công nhân bám cống bám đồng tổ chức phân phối nước hợp lý, kiểm tra, giám sát công tác đổ ải, làm đất. Trong đó, ưu tiên cấp nước trước cho các vùng cao, xa, nằm ở cuối nguồn…

Những xã có truyền thống cấy muộn như xã Thượng Cát (Từ Liêm); Đức Giang, Kim Chung (Hoài Đức); Tân Hội, Tân Lập (Đan Phượng), XN đã có công văn yêu cầu các địa phương này phải tổ chức làm đất và gieo cấy đúng tiến độ, nếu không chính quyền phải tự chịu trách nhiệm, để tránh gây lãng phí điện và nguồn nước như những năm trước.

Từ nay đến 28/2, trạm bơm Bá Giang sẽ bơm nước liên tục (kể cả dịp Tết Nguyên đán) để cấp nước đủ 100% diện tích gieo cấy của bà con. Tuy nhiên, lo lắng nhất đối với XN là hệ thống kênh mương nội đồng của một số địa phương không đảm bảo, độ rộng lòng mương hẹp, nhiều tuyến vẫn xảy ra hiện tượng bồi lắng. Thậm chí, có đoạn đã được cứng hóa bê tông nhưng cỏ vẫn mọc um tùm.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó trưởng phòng Kinh tế (phụ trách lĩnh vực nông nghiệp) huyện Đan Phượng cho biết: "Theo kế hoạch vụ xuân 2014, huyện triển khai gieo cấy khoảng 2.000 ha lúa. Hiện tại, hơn 100 ha gieo mạ đã đủ nước tưới. Bắt đầu từ 14/1, bà con đã xuống đồng quải lúa giống và chuẩn bị cày ải. Chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra liên ngành xuống địa phương giám sát, chỉ đạo công tác lấy nước và làm đất. Địa phương nào tự ý lập kế hoạch gieo cấy lúa muộn hơn lịch thời vụ, chúng tôi kiên quyết xử lý và chính quyền sở tại phải tự chịu tránh nhiệm".

Ông Nguyễn Tiến Thành, thôn Tiên Tân, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng chia sẻ: “Mấy hôm trước, không có nước, 7 sào ruộng của gia đình vẫn khô không khốc, chúng tôi lo lắm. Nhưng giờ nước đã về đến kênh cấp 3 rồi, chỉ ngày mai là có thể làm đất gieo mạ”.

Xem thêm
Phát hiện cơ sở chuyên xử lý lợn ốm chết ở Vĩnh Phúc

Chủ cơ sở ở Vĩnh Phúc cho biết, lợn thu mua của dân đó đều là các con bị ốm do xuất huyết hoặc yếu do nắng nóng hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).