Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có hơn 2.600 công trình thủy lợi đang khai thác phục vụ sản xuất với tổng chiều dài kênh trên 3.000 km. Các công trình này đảm bảo nước tưới cho trên 30.000 ha cây trồng và nuôi thủy sản, tiêu thoát lũ khu vực nông thôn, đô thị với diện tích 64.600 ha. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, độ dốc lớn, nên hàng năm tỉnh Sơn La chịu nhiều thiệt hại vì mưa lũ, trong đó, có hệ thống các hồ, đập thủy lợi, nhiều công trình đã và đang vào giai đoạn xuống cấp, hư hỏng.
Trước tình hình đó, hàng năm UBND tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chính sách nhằm gia cố, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi, đảm bảo an toàn hồ đập, duy trì nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt cho người dân trên địa bàn.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng tất cả các công trình thủy lợi, hồ đập nhằm phát hiện các hạng mục xuống cấp, hư hỏng. Từ đó, phân bổ, ưu tiên kinh phí để tổ chức sửa chữa, khắc phục đảm bảo an toàn cho các công trình. Đồng thời, chú trọng xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa thủy lợi nhằm phòng, chống, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Trong đó phải kể đến việc thực hiện Quyết định số 4638/QĐ-BNN-HTQT ngày 9/11/2015 của Bộ NN-PTNT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập ( Dự án WB8) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Thời gian thực hiện từ 2016-2022, với mục tiêu hỗ trợ thực hiện chương trình bảo đảm an toàn các hồ chứa nước thông qua sửa chữa, nâng cấp các đập ưu tiên, tăng cường năng lực quản lý, vận hành an toàn đập nhằm bảo vệ cho dân cư và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng hạ du.
Ngày 30/10/2017, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 2785/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo an toàn đập tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Sơn La.
Theo đó, dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Sơn La được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Sơn La làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ 2016-2020, tại huyện Thuận Châu và Mai Sơn (Sơn La). Tổng mức đầu tư của dự án 140,88 tỷ đồng (tương đương 6,26 triệu USD), trong đó, vốn của Ngân hàng Thế giới là 5,93 triệu USD, vốn đối ứng của tỉnh 0,33 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Thể, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Sơn La cho biết: Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Sơn La được khởi công xây dựng từ tháng 11/2018, đến tháng 3/2020, đã hoàn thành toàn bộ. Ngày 16/4/2020 Ban quản lý dự án đã bàn giao các công trình thuộc dự án cho Công ty TNHH quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La đưa vào khai thác, sử dụng, quản lý theo quy định.
Cũng theo ông Thể, trong quá trình triển khai dự án, Ban quản lý dự án đã thực hiện tốt việc chấp hành các quy định về trình tự, thủ tục quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý nguồn vốn trong nước cũng như vốn nước ngoài theo quy định, đáp ứng được mục tiêu và nhiệm vụ của dự án.
Bên cạnh đó, các công trình được thi công theo đúng hồ sơ thiết kế, đảm bảo kỹ thuật, chất lượng, mỹ thuật, hoàn thành theo đúng tiến độ đã được phê duyệt. Ban quản lý dự án thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên theo quy định của Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (CPO), theo yêu cầu quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Đến nay, dự án đã được kiểm toán nhà nước chuyên ngành 5 (CN5) kiểm toán xong, hiện đơn vị đã trình Sở Tài chính Sơn La phê duyệt, quyết toán dự án hoàn thành theo quy định.
Ngoài ra, việc thực hiện dự án đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro do sự cố đập, hồ chứa thủy lợi. Đảm bảo an toàn cho người dân ở vùng hạ du, tăng diện tích sản xuất nông nghiệp được cung cấp nước tưới, phù hợp với Chiến lược Quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng…
Trên cơ sở đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Sơn La kiến nghị Tổng cục Thủy lợi xem xét, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn phân bổ cho tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Sơn La (điều chỉnh giảm cơ cấu vốn vay, tăng cơ cấu vốn đối ứng từ hơn 7,43 tỷ đồng lên hơn 9,63 tỷ đồng) để Ban quản lý dự án thanh toán cho các hạng mục không sử dụng vốn vay, tránh tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản...