Tỉnh Hà Tĩnh có diện tích đất trồng trọt khoảng 100.000ha. Trong đó, diện tích sản xuất cây trồng chủ lực như lúa, cam, bưởi, chè, rau… chiếm khoảng 60 – 70%.
Để phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại trong các vụ sản xuất, bình quân mỗi năm bà con trong tỉnh sử dụng khoảng 232 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trong đó khoảng 227 tấn thuốc hóa học, 5 tấn thuốc BVTV sinh học. Việc sử dụng lượng lớn thuốc BVTV trong nhiều năm liền đe dọa môi trường đất, nước, không khí, đặc biệt là chất lượng sản phẩm nông sản.
Những năm gầy đây, để giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV hóa học lên đồng ruộng, ngành NN-PTNT Hà Tĩnh khuyến khích nông dân chuyển sang sử dụng thuốc BVTV sinh học. Đồng thời, xây dựng các bể chứa bao gói thuốc BVTV ngay tại đồng ruộng để xử lý theo đúng quy trình khuyến cáo, hạn chế lượng thuốc tồn đọng trong bao gói đổ ra môi trường.
Theo tổng hợp của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 6.195 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Tuy nhiên, số lượng bể chứa chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn sản xuất, tỷ lệ bể chứa mới đạt 21% diện tích đất sản xuất; lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được xử lý đúng quy định mới chỉ đạt khoảng 42%; còn 58% lưu tại bể chứa, đốt, bỏ trên bờ ruộng, kênh.
Đây là một trong những nguyên nhân gây tác động xấu đến môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe con người. Các loại bao gói, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng là chất thải nguy hại, do đó cần được thu gom, xử lý đúng quy định.
Anh Hồ Đình Luận, thôn Tân Thủy, xã Quang Diệm (huyện Hương Sơn) chia sẻ, lâu nay, bao gói, chai lọ thuốc BVTV người dân trên địa bàn sử dụng xong đều được thu gom chung cùng rác thải sinh hoạt. Một số hộ thậm chí vứt ngay trên bờ ruộng, kênh mương, ảnh hưởng đến môi trường.
“Thôn chúng tôi chưa có bể chứa bao gói thuốc BVTV, kiến nghị cấp trên hỗ trợ xây bể thu gom và thực hiện xử lý theo đúng quy định, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất”, anh Luận nói.
Để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, mới đây, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo phòng NN-PTNT (phòng kinh tế), trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng - vật nuôi, UBND các xã, phường, thị trấn phân công cán bộ bám sát cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn, thực hiện việc thu gom, xử lý bao gói, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng theo đúng quy định.
Phối hợp với cơ quan truyền thông, các tổ chức đoàn thể (hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên…), đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa của việc thu gom, xử lý bao gói, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng.
Chính quyền địa phương cần đầu tư thêm hệ thống bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trong vùng đất canh tác. Bình quân 1 bể chứa trên 3ha đất canh tác hàng năm hoặc 10ha đất canh tác trồng cây lâu năm có sử dụng thuốc BVTV; tiến hành gia cố, sửa chữa bể chứa chưa đúng quy định.
Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý nhà nước về thuốc BVTV, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn; kiểm tra, giám sát việc thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định của pháp luật; phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Bao gói thuốc BVTV không được xử lý đúng quy định có thể gây ô nhiễm từ nguồn thuốc còn bám dính trên vỏ bao, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi bị xây xát, thương tích và tiếp xúc với bao bì, đặc biệt là các dạng chai thủy tinh; gây ô nhiễm môi trường từ các loại bao, túi nhựa hay các chất hữu cơ khó phân giải khác tích tụ lại.