| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh dịch chồng dịch

Thứ Ba 30/03/2021 , 18:00 (GMT+7)

Dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò; dịch tả lợn Châu Phi; dịch cúm gia cầm (H5N6) quần thảo cùng một lúc khiến cho người chăn nuôi tại Hà Tĩnh điêu đứng.

Dịch gia súc chưa qua, dịch gia cầm đã tới

Hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm khiến người chăn nuôi Hà Tĩnh thiệt hại nặng nề. Ảnh: Thanh Nga

Hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm khiến người chăn nuôi Hà Tĩnh thiệt hại nặng nề. Ảnh: Thanh Nga

Hơn 3 tháng ròng, trên địa bàn Hà Tĩnh lần lượt xuất hiện bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu bò, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) và nay là dịch cúm gia cầm (H5N6). Tất cả đều là dịch bệnh tuyền nhiễm nguy hiểm, tỷ lệ lây lan cao, thậm chí DTLCP đến nay vẫn 'vô phương cứu chữa' chẳng khác gì bệnh ung thư trên con người.

Trong một thời gian ngắn đủ các loại dịch bệnh quần thảo trên đàn gia súc, gia cầm khiến ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và người dân trở tay không kịp. Xét về thiệt hại, ngoài tổng đàn bị chết, phải tiêu hủy do dịch bệnh, không ít người tiêu dùng quay lưng với thịt bò, thịt lợn khiến cho việc tiêu thụ gia súc gặp nhiều khó khăn. 

Thạch Hà là huyện đầu tiên khởi phát ổ dịch VDNC và H5N6. Tính đến cuối tuần qua, toàn huyện có hơn 2.200 con bò tại 155/22 xã, thị trấn mắc bệnh VDNC chưa qua 21 ngày; đã tiêu hủy 138 con bò mắc bệnh chết; 345 con khỏi triệu chứng lâm sàng.

Với cúm H5N6, ngày 2/2, đàn gia cầm của một số hộ trong thôn Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà có dấu hiệu bất thường, ốm và chết. Sau lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy đàn gia cầm dương tính với vi rus cúm H5N6. Mới đây, dịch tiếp tục lây lan tại 2 thôn thuộc xã Lưu Vĩnh Sơn, buộc phải tiêu hủy hơn 1.300 con gà, vịt, ngan.

Bà Đặng Thị Thiềm, thôn Tân Văn, xã Thạch Văn buồn bã chia sẻ, dịch cúm gia cầm H5N6 đã 'nuốt' của gia đình bà 700 con gà, thiệt hại gần chục triệu đồng. Sau dịch, bà phải bỏ thêm tiền mua hoa chất, vôi bột vệ sinh chuồng trại, tiêu diệt mầm bệnh, chờ khi dịch hết hẳn mới có thể tái đàn.

Theo ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, cúm gia cầm H5N6 là chủng virus có độc lực cao. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh, làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút… gây thiệt hại kinh tế lớn cho người chăn nuôi.

Ngành chuyên môn đã và đang chỉ đạo chính quyền huyện, xã, người dân tổ chức tiêm phòng bao vây, dập dịch. Đồng thời, tăng cường vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, các khu vực bị dịch uy hiếp; lập chốt kiểm soát việc mua bán, vận chuyển gia cầm đi qua vùng dịch nhằm ngăn chặn dịch lây lan.

Lo nhất dịch tả lợn Châu Phi

DTLCP đang hoành hành tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga

DTLCP đang hoành hành tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga

So với bệnh VDNC và cúm H5N6, đáng lo nhất hiện nay ở Hà Tĩnh là DTLCP. Dịch bệnh này chưa có vacxin phòng bệnh và tốc độ lây lan chóng mặt. Hiện DTLCP đã 'điểm mặt chỉ tên' người chăn nuôi 42 xã/7 huyện; tổng trọng lượng lợn phải tiêu hủy hơn 74.000kg, tập trung ở các huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Đức Thọ.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho hay, ngoài chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, trên địa bàn có nhiều trang trại lợn nái quy mô lớn cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, bởi đây là  'đầu kéo' phục vụ việc tái đàn sau dịch bệnh.

Tuy nhiên, việc phòng chống dịch đang gặp nhiều khó khăn do DTLCP chưa có vacxin, chưa có thuốc đặc trị nên không thể tiêm phòng, bao vây dập dịch.

Bên cạnh đó, thời tiết những ngày qua ấm, ẩm, thuận lợi cho dịch bệnh lây lan. Trong khi đó, ý thức một số hộ dân trong phòng chống dịch chưa cao, có tình trạng bán chạy gia súc mắc bệnh. Đặc biệt, tình trạng thương lái lợi dụng dịch bệnh để ép giá bà con, buôn bán chui lợn có biểu hiện bị bệnh để kiếm lời vẫn đang xảy ra...

Thời gian qua, hơn 74 tấn lợn mắc DTCLP đã bị tiêu hủy. Ảnh: Thanh Nga 

Thời gian qua, hơn 74 tấn lợn mắc DTCLP đã bị tiêu hủy. Ảnh: Thanh Nga 

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 6.516 con trâu, bò tại 13 huyện, thị xã, thành phố bị dịch VDNC chưa qua 21 ngày. Số gia súc chết phải tiêu hủy 552 con.

Để bao vây, dập dịch, mới đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp thêm 50.000 liều vacxin VDNC cho các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, Đức Thọ tiếp tục tổ chức tiêm phòng.

Ông Nguyễn Văn Sáu thông tin: ngày 22/3, đoàn liên ngành của huyện phát hiện một tể lô (chủ lò mổ) đang vận chuyển lợn qua địa bàn xã Thạch Ngọc có biểu hiện nghi vấn nên tổ chức kiểm tra.

Kết quả, tể lô này không xuất trình được giấy tờ kiểm dịch, con lợn nái hơn 200kg sắp chết. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính 7 triệu đồng và tổ chức tiêu hủy con lợn.

Sáng 30/3, đoàn tiếp tục phát hiện một thương lái buôn bán thịt lợn không có dấu kiểm soát giết mổ, đã giao cho chính quyền cấp xã xử lý hành chính.

Tính đến 29/3, huyện Thạch Hà đã phải tiêu hỷ hơn 600 con lợn/trọng lượng 4.826kg, tập trung ở 8 xã Thạch Văn, Việt Tiến, thị trấn Thạch Hà, Thạch Ngọc, Ngọc Sơn, Thạch Trị, Thạch Hội và Thạch Thắng.

Ông Hồ Sỹ Huy Thảo, Giám đốc Công ty CP chăn nuôi Mitraco (Thạch Hà, Hà Tĩnh) quan ngại, DTLCP sẽ còn kéo dài và diễn biến hết sức căng thẳng. Theo ông Thảo, nếu người chăn nuôi nhỏ lẻ không nâng cao ý thức phòng chống dịch, tiếp tục lơ là cảnh giác, bán tháo, bán chạy lợn nằm trong vùng dịch ra bên ngoài thì dịch bệnh không thể kiểm soát. Thiệt hại với hộ chăn nuôi chỉ là tiền triệu nhưng với các trang trại quy mô lớn, con số có thể lên đến hàng tỷ, thậm chí trăm tỷ, nghìn tỷ...

Sau Tết Nguyên đán đến nay, trang trại nái ở xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh và Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà (Công ty CP chăn nuôi Mitraco) đã thực hiện cấm trại 100%. Tất cả các trại này đều nằm trong vùng bị DTLCP uy hiếp.

Hàng chục trại nuôi vệ tinh của công ty ở các huyện áp lực dịch cao như Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà cũng đang tính đến phương án trung chuyển lợn lên vùng Hương Khê, Vũ Quang tránh dịch. Một số lợn đã đạt 70 – 80kg, công ty đành chấp nhận bán non nhằm giảm áp lực cho công tác phòng chống dịch.

Nguy cơ DTLCP tiếp tục lây lan diện rộng tại Hà Tĩnh là rất cao. Ảnh: Thanh Nga

Nguy cơ DTLCP tiếp tục lây lan diện rộng tại Hà Tĩnh là rất cao. Ảnh: Thanh Nga

'Mấy tháng nay, chi phí cho phòng chống dịch tăng lên gấp 5 – 7 lần so với bình thường. Ngoài việc tăng tần suất phun hóa chất lên 4 – 5 lượt/ngày, công ty còn mở rộng diện phun phòng ra bên ngoài trại, các khu dân cư lân cận. Đồng thời, hỗ trợ chính quyền các địa phương máy móc, hóa chất để phun tiêu độc khử trùng…”, ông Thảo nói.

Công ty CP Chăn nuôi Mitraco một trong những doanh nghiệp chăn nuôi lợn truyền thống, quy mô lớn nhất nhì tỉnh Hà Tĩnh, với tổng đàn nái hơn 3.800 con; đàn lợn thịt thường xuyên có mặt trong chuồng từ 12 – 15 ngàn con; bình quân mỗi tháng xuất bán 3 - 4 ngàn con.

Xem thêm
Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.