| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh và CHDCND Lào hợp tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng

Thứ Tư 30/11/2022 , 09:24 (GMT+7)

Chương trình hợp tác giữa Sở NN-PTNT Hà Tĩnh và Sở nông lâm nghiệp tỉnh Bolikhămxay, Khăm Muồn được triển khai dựa trên kết quả phối hợp giai đoạn 2015-2018.

Empty

Toàn cảnh lễ ký kết hợp tác giữa Sở NN-PTNT Hà Tĩnh và tỉnh Bôlykhămxay, Khăm Muồn. Ảnh: Thanh Nga.

Từ năm 2015 - 2018, được sự hỗ trợ của Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh và Sở nông lâm nghiệp 2 tỉnh Bolikhămxay, Khăm Muồn đã ký kết Biên bản ghi nhớ phối hợp quản lý bảo vệ rừng khu vực biên giới để tổ chức thực hiện; đồng thời, hàng năm đều tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện, những khó khăn thách thức và triển khai các nội dung phối hợp thực hiện trong thời gian tới.

Từ năm 2019 đến nay, do nguồn ngân sách hạn chế và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 nên Sở NN-PTNT Hà Tĩnh và Sở nông lâm nghiệp 2 tỉnh chưa tổ chức đánh giá kết quả thực hiện và tiếp tục ký kết bản ghi nhớ hợp tác.

Tuy vậy, chính quyền các địa phương, ngành chức năng (Kiểm lâm, Công an, Bộ đội Biên phòng,Hải Quan,…) các tỉnh của 2 nước đã nêu cao vai trò trách nhiệm, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ rừng, thực thi pháp luật lâm nghiệp, kiểm soát, ngăn chặn những hành vi buôn bán, vận chuyển gỗ, lâm sản và các loài hoang dã trái phép giữa Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam và Cục Thanh tra Lâm nghiệp Lào, giai đoạn 2017 – 2022.

Chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra rừng khu vực giáp ranh biên giới để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc.

Đồng thời, các bên phối hợp trao đổi, cung cấp nhiều thông tin quan trọng, chính xác để phối hợp bắt giữ, xử lý các vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển gỗ, lâm sản ngoài gỗ và động vật hoang dã trái phép qua biên giới.

Empty

Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh khẳng định, việc hợp tác giữa hai nước đã nâng cao hiệu quả công tác BVR-PCCCR. Ảnh: Thanh Nga.

Kết quả cụ thể,  từ năm 2015 đến tháng 10/2022, Lực lượng Kiểm lâm Hà Tĩnh phối hợp Công an, Hải quan, Biên phòng phát hiện, bắt giữ, xử lý 347 vụ vi phạm hành vi khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản và động vật trái phép trong khu vực biên giới và qua biên giới; trong đó xử lý hình sự 8 vụ; xử lý hành chính 239 vụ; xử phạt vi phạm hành chính trên 1,3 tỷ đồng.

Còn nhớ một số vụ việc điển hình như: vụ 12 đối tượng ở huyện Hương Sơn buôn bán 215 cá thể tê tê Java trái pháp luật vào ngày 16/1/2019.

Tòa án đã xét xử và tuyên phạt 12 đối tượng 453 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự.

Ngày 16/9/2021, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Chung, ở xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn tàng trữ trái phép 1 cá thể Hổ (đã chết), có trọng lượng 160 kg và 1 bộ xương của loài Sơn dương. Theo đối tượng khai nhận cá thể hổ trên được đối tượng tên Việt chạy xe container tuyến đường Việt Nam - Lào gửi tại nhà đối tượng Chung để nấu cao.

Tòa án đã xét xử và tuyên phạt đối tượng Chung 24 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" .

Một vụ việc khác được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phối hợp các cơ quan chức năng, lực lượng Kiểm lâm, Hải quan, chính quyền địa phương phát hiện bắt giữ vào ngày 19/10/2022.

Thời điểm trên, đối tượng Võ Tiến Dũng vận chuyển qua biên giới Việt - Lào 55 tấn gỗ Cẩm, Mun, …không có giấy tờ hợp pháp. Hiện nay, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án hình sự, chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định pháp luật.

Ngoài phối hợp phát hiện, bắt giữ các vụ việc vi phạm quy định pháp luật của 2 nước, hàng năm, các bên đã chủ động triển khai thực hiện các giải pháp PCCCR trên khu vực giáp ranh biên giới của mỗi bên.

Sở NN-PTNT Hà Tĩnh ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Sở nông lâm nghiệp tỉnh Bôlykhămxay... Ảnh: Thanh Nga.

Sở NN-PTNT Hà Tĩnh ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Sở nông lâm nghiệp tỉnh Bôlykhămxay... Ảnh: Thanh Nga.

Theo ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, kết quả hợp tác trên mới chỉ là bước đầu. Nếu muốn bền vững, tăng hiệu quả của công tác phối hợp, thời gian tới tỉnh Hà Tĩnh và Bôlykhămxay, Khăm Muồn cần tiếp tục ký kết Bản ghi nhớ hợp tác lâu dài.

Đổi mới phương pháp, đa đạng hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVR-PCCCR cho người dân khu vực biên giới.

Tăng cường trao đổi thông tin về hợp tác quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu; tích cực trong việc tham gia cùng cộng đồng các nước trong khu vực cũng như trên Thế giới trong các vấn đề như: Giảm phát thải từ mất rừng, suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon, quản lý rừng bền vững, nâng cao trữ lượng carbon của rừng.

Thường xuyên cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm giữa các lực lượng chức năng các bên trong tổ chức tuần tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ, lâm sản ngoài gỗ, động vật hoang dã trái phép khu vực biên giới.

Và tỉnh Khăm Muồn. Ảnh: Thanh Nga.

Và tỉnh Khăm Muồn. Ảnh: Thanh Nga.

Phối hợp triển khai các hoạt động PCCCR, kịp thời thông báo cho nhau về tình hình cháy rừng trên khu vực giáp ranh của mỗi bên để các tỉnh biết, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời.

Ngoài ra, cùng đào tạo chuyên sâu các cán bộ có kinh nghiệm, có ngoại ngữ, thông hiểu luật pháp Quốc tế để trao đổi chia sẽ thông tin, kinh nghiệm giữa các bên về các lĩnh vực hợp tác, phối hợp các hành động hiệu quả hơn. 

Tỉnh Hà nằm phía Đông của dãy Trường Sơn, có diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 360 nghìn ha, chiếm trên 60% diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bố trên 13 đơn vị huyện, thị xã, thành phố; tỷ lệ che phủ rừng trên 52%.

Trong 13 đơn vị hành chính có 3 huyện: Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang giáp ranh với 2 tỉnh Bolikhămxay và Khăm Muồn, với chiều dài đường biên giới 164 km. Có nhiều khu vực rừng tự nhiên trọng điểm có nguy cơ xâm hại cao như ở các xã: Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hồng, huyện Hương Sơn; các xã Hòa Hải, Phú Gia, Hương Vĩnh, Hương Lâm, Hương Liên, huyện Hương Khê và xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang.

Ngoài ra nhiều đầu mối giao thông quan trọng như: Quốc lộ 1A, 8A, 12A lưu thông với nước bạn Lào; cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo giáp với cửa khẩu Nậm Phao - Lào; cửa khẩu phụ Đá Gân giáp cửa khẩu Nậm Sắc - Lào; lối mở Bản Giàng, huyện Hương Khê giáp với Mác Ca - Lào và lối mở Kim Quang, huyện Vũ Quang giáp với Ma La Đốc - Lào,… Đây là lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng cũng là thách thức, khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực biên giới nói chung và việc ngăn chặn các hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản và động vật hoang dã trái phép qua biên giới nói riêng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.