Dự án “treo”
Ngày 20/6/2008, UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư số 04121000106 cho Cty TNHH sản xuất và kinh doanh thương mại Thế Anh (Cty Thế Anh) đầu tư Dự án xây dựng cơ sở sửa chữa đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng tại bãi sông hữu Kinh Môn, xã Kim Lương và thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành. Tuy nhiên, sau 8 năm, dự án không được triển khai.
Đến ngày 6/6/2016, UBND tỉnh Hải Dương có Thông báo số 92/TB-VP, trong đó, đồng ý chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Dự án này của Cty Thế Anh trước thời hạn.
Vùng nước nằm trong quy hoạch của Cảng Phú Thái, nếu xây dựng cảng Thế Anh sẽ thành điểm nghẽn giao thông đường thủy |
Văn bản này cũng cho biết việc tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng của Cty TNHH Quyền Phúc, thay thế cho Cty Thế Anh tại vị trí trên. Việc làm này đồng nghĩa với việc UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận cho Cty Thế Anh được chuyển nhượng dự án cho Cty TNHH Quyền Phúc.
Trong khi Cty Quyền Phúc chưa có bất kỳ hoạt động nào để triển khai dự án thì đến ngày 8/5/2018, Cty Thế Anh lại có văn bản gửi UBND tỉnh Hải Dương xin tái khởi động thực hiện Dự án với lý do đã đủ khả năng thực hiện.
Ngày 22/5/2018, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương có văn bản gửi các sở KH-ĐT, TN-MT, NN-PTNT, lấy ý kiến tham mưu để gia hạn tiến độ dự án, bàn giao mốc giới thực địa, hoàn thiện thủ tục pháp lý đê điều…
Ngày 5/7/2018 UBND tỉnh Hải Dương căn cứ vào Tờ trình của Sở KHĐT, ra Thông báo số 101/TB-UBND “chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án cầu cảng của Cty Thế Anh” theo Giấy chứng nhận đầu tư số 04121000106, chứng nhận lần đầu ngày 20/6/2008, cấp cho doanh nghiệp này triển khai tại huyện Kim Thành.
Theo đó, thời hạn gia hạn thực hiện đến 30/6/2018, Cty Thế Anh phải xây dựng hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Cảng Phú Thái tỏ ra bức xúc với các quyết định nêu trên.
Bởi năm 2004, tỉnh Hải Dương có văn bản cho phép phép ông Đặng Đức Chúc (hiện là chủ Cảng thủy nội địa Phú Thái) được phép lập mặt bằng để trung chuyển vật liệu và sửa chữa tàu biển tại bãi ngoài sông hữu Kinh Môn, thuộc huyện Kim Thành tương ứng từ Km16+150 - Km 16+450, dài 300m, rộng trung bình 150m. Nếu Dự án của Cty Thế Anh được triển khai, đồng nghĩa một phần cảng Phú Thái bị “cắt một phần đất”, dù ông Chúc đang là chủ sở hữu hợp pháp.
Uy hiếp an toàn đường sông
Ông Ðặng Hùng Thắng - giám đốc cảng Phú Thái (huyện Kim Thành, Hải Dương), đơn vị cạnh dự án của Cty Thế Anh phản ánh: “UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận cho Cty Thế Anh thuê đất xây dựng Dự án cầu cảng không những chồng chéo lên quyền sử dụng mặt bằng của cảng chúng tôi, mà còn làm phát sinh nguy cơ tranh chấp sử dụng vùng nước với Cảng Phú Thái. Hơn nữa, tàu thuyền ra vào cảng phụ thuộc nhiều vào luồng nước, vào sức gió… Trong khi lưu lượng tàu thuyền qua đây sang Cảng Hải Phòng rất lớn, đây lại là điểm cong, điều hướng tàu thuyền qua lại”.
Trước khi UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận, ngày 21/2/2017, Sở GT-VT Hải Dương có văn bản đề nghị UBND tỉnh không điều chỉnh vùng nước của Cảng Phú Thái, tạo điều kiện cho Cty Thế Anh đầu tư ở vị trí khác để đảm bảo an toàn.
Đại diện cảng Phú Thái nói rằng vùng đất cấp cho Cty Thế Anh xây dựng cầu cảng nhưng chồng lấn lên diện tích của các đơn vị, HTX khác đang kinh doanh bến bãi |
Sở GTVT Hải Dương cũng chỉ rõ, theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN10305:2015 về Cảng Thủy nội địa - Phân cấp kỹ thuật thì Cảng Thủy nội địa, Phú Thái là cảng hàng hóa cấp II, phải có “vùng nước neo đậu, vùng nước quay trở”.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Sỹ Duy, Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra Cục Ðường thủy nội địa, cho biết: “Ngành đường thủy lâu nay trầm lắng, đang rất cần thu hút doanh nghiệp đầu tư cảng. Vì thế, Cục không gây khó cho Cty Thế Anh cũng không “giữ chỗ” cho cảng Phú Thái mà đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp cùng phát triển”.
Tuy nhiên, ông Duy cho biết đã xuống thực địa, về cảm quan thì khu vực mà Cty Thế Anh xin cấp phép cảng thuộc khúc hạ lưu cong nên “không thuận lợi về địa thế xây dựng”.
“Do là đường sông nên dòng nước sẽ chảy một chiều, đến đoạn cong sẽ tạo ra những vùng xoáy nước, dù ít hay nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc quay, trở khi tàu ra vào cảng. Diện tích mà Cty Thế Anh được cấp cũng nhỏ, nên làm bến thủy (một loại công trình cấp thấp hơn cảng) thì tốt hơn. Nếu Cty quyết tâm xây dựng cảng thì nên đầu tư ở một vị trí khác” - ông Duy nói.
“Không phải đến tháng 2/2017, các cơ quan có liên quan và Sở GT-VT Hải Dương mới có quan điểm đề nghị UBND tỉnh không xem xét đề nghị điều chỉnh vùng nước Cảng thủy nội địa Phú Thái, mà trước đó Đoạn quản lý đường sông số 7, Cục Đường sông Việt Nam (nay là Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) từng nhiều lần có văn bản không điều chỉnh phạm vi vùng nước của Cảng thủy nội địa Phú Thái theo đề nghị của Cty Thế Anh. Lý do là Cảng đã được công bố, chủ sở hữu là ông Đặng Đức Chúc, việc sử dụng vùng nước của Cảng phải thỏa thuận với chủ cảng - tức là phải có thỏa thuận với ông Chúc”, LS Nguyễn Kiều Đông, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Hải Dương. |