Câu chuyện này sẽ cho các ngư dân thấy, việc đánh bắt trái phép sẽ làm ảnh hưởng như thế nào đến thể diện quốc gia.
Blue boats có tàu mẹ?
Ngư dân Phạm Thanh ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nhớ lại, trong phiên biển vào đầu năm 2015, anh em đã khá mệt mỏi vì chuyến hải trình kéo dài, đi từ Nouvelle Calédonie băng qua vùng biển của Australia để về Việt Nam thì bị tàu tuần tra đuổi theo gần khu vực Coral Sea Commonwealth. Trên chiếc tàu tuần tra này có nhiều nữ cảnh sát trẻ tuổi. Ca nô chạy song song với tàu và những nhân viên công lực nhảy qua tàu ngư dân rất nhanh. Thuyền trưởng chấp hành lệnh dừng tàu.
Australia công bố hình ảnh bắt tàu cá với tang vật sò tai tượng |
Cảnh sát mang ra một tờ bản đồ và người phiên dịch hỏi “con tàu này đi từ đâu?”. Các ngư dân rà tay chỉ vào một điểm rất xa là Việt Nam, sang Nouvelle Calédonie và trên đường quay về. Câu trả lời đó khiến tất cả cảnh sát đứng dựng người dậy và quay ra bàn tán với vẻ nhốn nháo. Sau này các ngư dân mới biết được, những nhân viên cảnh sát này nói rằng, điều này quá kỳ lạ và đôi khi là không thể, vì tàu gỗ quá nhỏ bé.
Con tàu bị bắt đưa về đất liền và tang vật trên tàu là 65 phi hải sâm, trị giá ước tính khoảng 7 tỷ đồng. Các ngư dân khai, mỗi ngày lặn được khoảng 5 phi. Nếu phiên biển trót lọt thì mỗi ngư dân đi bạn được chia phần trên 250 triệu đồng. Mức thu nhập khủng như vậy đã “hút” ngư dân làm nghề lặn ở các tỉnh Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Phú Yên đổ về Quảng Ngãi để xin xuống tàu, liều mạng sống, tìm vận may.
Nhưng lời khai của các ngư dân không phải đều được tin cậy. Một chiếc tàu nhỏ bé nhưng đi ròng rã từ Việt Nam sang Australia gần 40 ngày đêm là điều dường như không thể. Giới truyền thông nước này đã đưa ra nhiều câu hỏi nghi ngờ. Ông Charles Abel, một thành viên của Quốc hội đại diện cho tỉnh Milne Bay (Australia) nói với giới truyền thông và nhận định sai lệch tình hình: "Tôi tin rằng có ít nhất 40 tàu nhỏ hơn hoạt động từ một tàu mẹ lớn hơn để hỗ trợ và tàu này nằm bên ngoài lãnh hải của chúng ta".
Đại diện ngoại giao Australia tới Quảng Ngãi tuyên truyền cho ngư dân không đánh bắt bất hợp pháp |
Tờ Hawai Public Radio ngày 25/1/2017 đã bình luận về tàu blue boats (tàu vỏ gỗ màu xanh): “Giới truyền thông địa phương trích dẫn một quan chức Pháp, tự hỏi làm thế nào những chiếc thuyền nhỏ được tiếp nhiên liệu để có thể ở lại trên biển quá lâu?”. Truyền thông ở New Calédonie thì cũng nghi ngờ về khả năng tàu cá đi hơn 7000km… Trong khi lục soát dưới tàu cá bị bắt giữ, cảnh sát thường chứng kiến con tàu chở 60 ngàn lít dầu, chứa trong các phi đặt đầy trên tàu. Số lượng dầu này đủ cung cấp cho con tàu hoạt động vài tháng trên biển mà không cần tiếp thêm nhiên liệu.
Từ nhân đạo đến cứng rắn
Ngư dân đánh bắt bất hợp pháp thường rơi vào 2 nhóm, thứ nhất là trong khu vực biển Đông và nhóm thứ 2, gây sự chú ý nhất là đi ra ngoài vùng Thái Bình Dương. Ngư dân đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển các nước trong khu vực biển Đông có thể do một số nguyên nhân khách quan, như đánh ở vùng chồng lấn, do thời tiết. Nhưng ngư dân sang các quốc đảo ngoài Thái Bình Dương thì khó có thể đưa ra lý do biện minh phù hợp, vì đó là những vùng biển cách Việt Nam vài ngàn hải lý.
Chiếc tàu cá đầu tiên mà lực lượng bảo vệ bờ biển của Australia bắt giữ vào năm 2015 tại khu vực Middleton Reef là con tàu của ngư dân Tiêu Chánh ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Giai đoạn đầu tiên, ngư dân đánh bắt bất hợp pháp chuyên đi lặn bắt sò tượng, sau dần chuyển sang lặn hải sâm và phải tiến vào thật gần các đảo để lặn ở độ sâu khoảng 70m.
Mẹ ngư dân Trương Đình Kế ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đau xót khi người con cùng toàn bộ 14 ngư dân mất tích vào năm 2013 |
Nhắc đến chuyện “giam giữ”, các ngư dân cho biết, Australia “chăm sóc” các ngư dân rất kỹ, khi bị bắt thì ngư dân được thuê nhà cho ở, mỗi phòng đều có gắn máy điều hòa, một tuần lễ được khám bệnh một lần, tổ chức cho đi tham quan các cảng biển và tàu đánh cá. Thực đơn buổi sáng là 3 quả trứng gà, trưa ăn cơm với cá phi lê và 1 lít sữa tươi, vài ngày cho một túi thuốc rê trị giá 35 USD, toàn bộ việc canh gác ngư dân giao cho phụ nữ, ngày về nước ngư dân còn được hỗ trợ thêm 50 USD.
Ngư dân Phạm Thanh từng bị bắt giữ cho biết, sau khi phía Australia bắt năm 2015, cảnh sát đã đốt 2 tàu và thu 65 phi hải sâm thì họ cho các ngư dân xem lại hình ảnh trên tivi, thông báo cho ngư dân nếu tiếp tục vi phạm thì sẽ bị “giam giữ” từ 4 - 6 tháng. Nhưng sang năm 2016, các quốc đảo ở Thái Bình Dương tiếp tục bắt giữ 27 tàu 366 ngư dân, trong đó Australia bắt 11 tàu 150 ngư dân. Và các quốc đảo ở Thái Bình Dương thông báo liên tục tăng hình thức xử phạt nặng đối với tàu cá vi phạm. Thuyền trưởng bị phạt tiền 50 ngàn USD, hoặc ngồi tù 4 năm với lao động nặng nhọc. Mỗi thuyền viên bị phạt tiền 20 ngàn USD.
Đầu năm 2018, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã cùng đoàn công tác sang Nouvelle Calédonie. Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã phát biểu, mục đích của chuyến đi này là gặp gỡ các đại diện của Nhà nước và cộng đồng địa phương và thể hiện cam kết của chính quyền Việt Nam trong việc chống đánh bắt trái phép ở Nouvelle Calédonie; đào tạo ngư dân theo quy định quốc gia và quốc tế, tăng hình phạt tài chính, tăng cường giám sát và kiểm soát bằng cách sử dụng GPS plotter cho tàu thuyền có chiều dài trên 15m, nghiên cứu cấm đánh bắt và buôn bán hải sâm ở Việt Nam, đồng thời mong muốn tiến tới khuôn khổ hợp tác song phương. |