| Hotline: 0983.970.780

Thôn vùng cao nguy cơ thiếu đói

Chủ Nhật 25/06/2023 , 15:07 (GMT+7)

Mặc dù những ngày qua các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa, nhưng nắng nóng, hạn hán kéo dài nhiều tháng trước đó đã khiến hàng nghìn ha cây trồng tại tỉnh Bắc Kạn bị ảnh hưởng, nhiều diện tích mất trắng.

Người trồng rừng điêu đứng

Vài tháng gần đây, khô hạn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác trồng rừng của huyện Chợ Mới.

Đến nay huyện Chợ Mới đã trồng được hơn 840ha rừng, tuy nhiên, tỷ lệ cây chết chiếm hơn 26%. Nắng nóng thời gian qua đã khiến người trồng rừng ở Chợ Mới đối mặt với những thiệt hại lớn về kinh tế.

Ông Đặng Nho Phương bên rừng cây vừa trồng được mấy tháng đã chết khô. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ông Đặng Nho Phương bên rừng cây vừa trồng được mấy tháng đã chết khô. Ảnh: Ngọc Tú. 

Những ngày cuối tháng 6, có mặt tại khu rừng của gia đình ông Đặng Nho Phương ở thôn Nà Cà 1, xã Cao Kỳ (huyện Chợ Mới), cả một vạt rừng cây cối đã héo khô. Ông Phương cho biết, hơn 2ha cây quế mới trồng đã bị chết gần hết, ngoài ra diện tích trồng cây mỡ, cây keo cũng đang chết dần. Chỉ tính từ tháng 5/2023 đến nay, khoảng 4.000 cây quế cả cũ và mới trồng đã bị chết, những diện tích đã trồng dặm lần 2 cũng không sống nổi.

“Nà Cà 1 là thôn vùng cao, ruộng ít, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào trồng rừng. Gia đình đã trồng rừng hàng chục năm, chưa thấy hạn hán như thế này bao giờ. Những ngày gần đây trời đã có mưa, thời tiết mát hơn nhưng gia đình cũng không còn tiền mua cây giống về trồng lại. Bà con mong muốn được hỗ trợ để mua thêm cây giống tiếp tục trồng rừng thời gian tới”, ông Phương chia sẻ.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Mới, hạn hán năm nay làm chết hơn 230ha rừng trồng. Trong đó thiệt hại nặng nhất tại các xã Cao Kỳ, Hòa Mục và Thanh Vận.

Tính toán sơ bộ, 1ha người dân trồng khoảng 3.000 cây, mỗi cây giống dao động từ 1.300 đồng đến 1.500 đồng. Như vậy, chỉ tính riêng cây giống thiệt hại cho người dân vào khoảng 4.500.000 đồng/ha. Hiện nay để đầu tư 1ha rừng trồng tốn chi phí không dưới 20 triệu đồng, chiếm phần lớn là tiền công phát thực bì và trồng cây. Do đó, nếu cây bị chết trồng lại lần 2, các hộ trồng rừng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nhiều diện tích rừng đã trồng trên 6 tháng nhưng vẫn chết khô. Ảnh: Toán Nguyễn. 

Nhiều diện tích rừng đã trồng trên 6 tháng nhưng vẫn chết khô. Ảnh: Toán Nguyễn. 

Nhiều hộ trồng rừng ở huyện Chợ Mới cho biết, phần lớn người trồng rừng kinh tế còn khó khăn, khi rừng cây bị chết hàng loạt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống. Bây giờ muốn trồng lại cũng phải có vài chục triệu, nếu không có chính sách hỗ trợ hoặc vay vốn ưu đãi thì sẽ khó thực hiện được.

Ông Hà Văn Hữu, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm 62 (Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Mới) cho biết, cây quế, cây mỡ sức chịu hạn hán kém nên ngành phối hợp với chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền người dân dừng ngay việc trồng vào thời điểm nắng nóng. Có những diện tích người dân đã trồng được 6 tháng nhưng cây vẫn bị chết, nặng nhất là cây quế, những cây đã bị ảnh hưởng thì gần như không thể phục hồi mà phải trồng lại.

Các vườn ươm cây giống ở huyện Chợ Mới cũng bị ảnh hưởng nghiệm trọng. Mặc dù được che chắn, phun nước nhưng cây giống bị chết cũng không nhỏ.

Chị Hà Thị Hồng Vĩ (Xí nghiệp Giống và Tư vấn nông nghiệp Nông Thịnh) cho biết, thời điểm này người dân đến mua cây con về trồng lại lần 2 rất nhiều, cho thấy đợt nắng nóng vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn cho người trồng rừng. Có nhà mua 6.000 cây quế về trồng chết hết nên phải mua về trồng dặm lại toàn bộ.

Cây rừng bị chết xảy ra ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chợ Mới. Hiện cơ quan chuyên môn của huyện đang theo dõi, bám sát tại cơ sở và kịp thời đưa ra khuyến cáo cho người dân.

Lực lượng Kiểm lâm huyện Chợ Mới đi kiểm tra thực địa. Ảnh: Ngọc Tú. 

Lực lượng Kiểm lâm huyện Chợ Mới đi kiểm tra thực địa. Ảnh: Ngọc Tú. 

Không chỉ huyện Chợ Mới, hạn hán năm nay cũng đã gây chết nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Thống kê sơ bộ cho thấy, tỉnh Bắc Kạn có khoảng 450ha cây lâm nghiệp bị chết hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng khó phục hồi.

Nguy cơ tái nghèo

Phiêng Chỉ là thôn vùng cao của xã Phúc Lộc (huyện Ba Bể), 100% là hộ đồng bào dân tộc Dao. Thôn Phiêng Chỉ có 53 hộ, trong đó 30 hộ nghèo, còn lại là hộ cận nghèo.

Do địa hình núi cao hiểm trở, thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất nên cây dong riềng và ngô là hai loại cây trồng chính của bà con nơi đây.

Nhiều thôn, bản vùng cao đối diện nguy cơ thiếu đói do ảnh hưởng của hạn hán. Ảnh: Toán Nguyễn. 

Nhiều thôn, bản vùng cao đối diện nguy cơ thiếu đói do ảnh hưởng của hạn hán. Ảnh: Toán Nguyễn. 

Năm 2023, cả thôn trồng được hơn 30ha dong riềng, nếu thuận lợi thì đây sẽ là nguồn thu nhập chính của bà con trong thôn. Nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài, một số diện tích dong riềng đã chết, số còn lại không phát triển được.

Ông Đặng Phụ Phin, trưởng thôn Phiêng Chỉ (xã Phúc Lộc) cho biết, người dân trong thôn rất ít ruộng, nay cả hai cây trồng chính là ngô và dong riềng có khả năng không cho thu hoạch, nhiều hộ trong thôn có thể thiếu đói, số hộ nghèo có thể còn tăng lên trong thời gian tới.

Cũng trong tình cảnh tương tự, người dân thôn Nà Ma (xã Phúc Lộc) cũng bất lực nhìn cây dong riềng chết dần chết mòn, một số cây còn sống chỉ cao khoảng 20cm dù đã trồng được vài tháng, nguy cơ cao không được thu hoạch.

Năm ngoái, người dân thôn Nà Ma trồng được hơn 10ha dong riềng, sau khi thu hoạch, nghiền bột bán cho các cơ sở sản xuất miến dong mang về hơn 400 triệu đồng, nhưng năm nay, khoản thu nhập này có khả năng không còn.

Bà Lý Thị Chẹ đi kiểm tra những đồi trồng cây dong riềng đang chết dần, chết mòn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bà Lý Thị Chẹ đi kiểm tra những đồi trồng cây dong riềng đang chết dần, chết mòn. Ảnh: Ngọc Tú. 

“Năm ngoái bán dong riềng thu được 60 triệu nhưng năm nay chắc là không được đồng nào nữa rồi, bây giờ có mưa xuống cây cũng khó phục hồi, tất cả các hộ trong thôn đều rất lo lắng cho cuộc sống sắp tới”, bà Lý Thị Chẹ, thôn Nà Ma (xã Phúc Lộc) buồn rầu nói.

Phúc Lộc là xã khó khăn nhất của huyện Ba Bể, năm 2023, cả xã trồng được khoảng 250ha cây ngô và 100ha cây dong riềng, nhưng đến nay có khoảng 80% có khả năng mất trắng. Trong đó, lo ngại nhất là 4 thôn vùng cao nơi người dân tộc Mông, Dao sinh sống phụ thuộc chủ yếu vào cây nông nghiệp, nguy cơ thiếu hụt lương thực khi đến mùa giáp hạt hiển hiện trước mắt.

Thống kê sơ bộ, huyện Ba Bể có hơn 1.000ha cây trồng (700ha cây ngô, hơn 100ha cây lúa, còn lại là cây dong riềng và cây trồng khác) bị ảnh hưởng do hạn hán, thiếu nước. Thực tế này khiến người dân ở các thôn, bản vùng cao đối mặt với nguy cơ thiếu đói, tái nghèo.

Tại các thôn, bản vùng cao, ngô là cây lương thực chính nhưng có nguy cơ mất mùa. Ảnh: Ngọc Tú. 

Tại các thôn, bản vùng cao, ngô là cây lương thực chính nhưng có nguy cơ mất mùa. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ông Lưu Quốc Trung, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết, trên các bản vùng cao cây ngô đồi và cây dong riềng không phát triển được. Huyện đã tăng cường rà soát diện tích bị hạn hán để khơi thông mương máng đưa nước về, đối với các thôn vùng cao, chỉ đạo kiểm tra đánh giá diện tích bị ảnh hưởng, đề xuất giải pháp chính sách hỗ trợ thiệt hại, có chính sách cứu đói kịp thời.

Ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Kạn, cho biết, ngành đã có văn bản chỉ đạo thống kê, rà soát diện tích thiệt hại do nắng hạn, đồng thời tuyên truyền, vận động bà con chủ động khắc phục diện tích còn khả năng phát triển khi thời tiết thuận lợi. Với diện tích mất trắng sẽ tham mưu cho tỉnh vận dụng các chính sách đặc thù để tính đến phương án cứu đói, nhất là với những nơi phụ thuộc 100% vào cây lương thực. Về lâu dài sẽ tính toán chuyển đổi một số cây trồng từ giống địa phương sang loại cây có tính chịu hạn cao hơn.

Theo báo cáo sơ bộ của Sở NN-PTNT Bắc Kạn, tính đến giữa tháng 6/2023, toàn tỉnh có hơn 2.200ha cây trồng bị hạn do ảnh hưởng nắng nóng kéo dài. Trong đó, diện tích cây lúa khoảng trên 600ha, cây ngô gần 800ha, còn lại là các cây trồng khác. Riêng lúa xuân có khoảng 410ha bị thiệt hại trên 70% sản lượng, vụ mùa có 131ha không thể gieo cấy.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.