| Hotline: 0983.970.780

Hạn kéo dài, ưu tiên nước cho sản xuất lúa một vụ ở vùng cao

Thứ Năm 08/06/2023 , 14:55 (GMT+7)

Bà con vùng cao tại Lai Châu đang bước vào gieo cấy lúa mùa, một số nơi đã ưu tiên, đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp trong tình hình khô hạn kéo dài.

Ghi nhận tại xã Sơn Bình của huyện Tam Đường (Lai Châu), thời điểm này, bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đang tập trung gieo cấy vụ chính trong năm. Do điều kiện khí hậu và tập quán canh tác, bà con dân tộc thiểu số ở đây chỉ cấy lúa một vụ mùa trong năm, thu hoạch vào khoảng tháng 10 hàng năm.

Thời điểm này, bà con ở xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, Lai Châu) đang tập trung gieo cấy lúa vụ mùa, nguồn nước cơ bản đủ tưới tiêu. Ảnh: Hải Đăng.

Thời điểm này, bà con ở xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, Lai Châu) đang tập trung gieo cấy lúa vụ mùa, nguồn nước cơ bản đủ tưới tiêu. Ảnh: Hải Đăng.

Cuộc sống của gia đình ông Giàng A Hàng ở bản Chu Va 6 (xã Sơn Bình) phụ thuộc chủ yếu vào việc đồng áng. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch khoảng 500 - 600 bao thóc, nhiều nhất bản. Tuy nhiên bước vào vụ mùa năm nay, tình trạng hạn hán và thiếu nước kéo dài khiến ông rất lo lắng, rất may là mọi khó khăn đã bước đầu được giải quyết.

“Chúng tôi được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, bà con đã gieo mạ xong và tiến hành chăm sóc mạ để cấy vụ mùa. Ở đây bà con sử dụng các giống lúa lai như Hương ưu 98, Phú ưu 937, VL20, LC270… Tranh thủ thời tiết thuận lợi, có mưa và có nước điều tiết qua kênh mương thủy lợi nên bước đầu thuận lợi cho bà con cấy lúa”, ông Giàng A Hàng nói.  

Tương tự, gia đình ông Chảo A Sử ở bản Nậm Dê (cùng xã Sơn Bình) mỗi năm thu về khoảng 200 bao lúa nên vụ mùa hết sức quan trọng. 

“Ở đây, bà con mỗi năm chỉ cấy một vụ, lương thực cả năm trông chờ cả vào đây nên phải tuân thủ kỹ thuật làm mạ, kỹ thuật cấy và chăm sóc cây lúa tốt thì mới cho năng suất cao được. Ở vùng cao nước quan trọng lắm, có nước cây lúa mới tốt được. Thâm canh tốt cũng được 70 - 80 tạ/ha, nhà nào có nhiều đất thì mỗi vụ thừa để ăn”, ông Chảo A Sử nói. 

Các nhà máy thủy điện trên địa bàn huyện Tam Đường (Lai Châu) cam kết ưu tiên nước cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hải Đăng.

Các nhà máy thủy điện trên địa bàn huyện Tam Đường (Lai Châu) cam kết ưu tiên nước cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hải Đăng.

Thời gian qua, trên địa bàn xã Sơn Bình cũng như một số xã của huyện Tam Đường rơi vào tình trạng khô hạn, thiếu nước canh tác. Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương đã tìm mọi giải pháp để đáp ứng nhu cầu nước sản xuất cho bà con đúng thời điểm vào vụ mùa.  

Ông Phạm Văn Định, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết, năm nay thời tiết không thuận lợi, xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước nhưng cơ bản đến nay nước sản xuất đã ổn định. Trên địa bàn xã có khoảng 100ha canh tác lúa một vụ, bà con đã cấy lúa xong.

"Ngoài duy trì hệ thống thủy lợi hoạt động ổn định, chính quyền địa phương còn làm việc với các nhà máy thủy điện trên địa bàn. Sau khi gửi công văn và làm việc với các nhà máy thủy điện, các đơn vị đã cam kết duy trì dòng chảy tối thiểu, thậm chí xả nước để bà con có đủ nước canh tác đúng vụ mùa, không tích nước trong thời điểm này", ông Phạm Văn Định cho biết thêm.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tam Đường cho biết, đợt hạn hán vừa qua chắc chắn ảnh hưởng tới 679ha lúa vụ đông xuân của huyện, năng suất sẽ giảm. Tuy nhiên, số liệu cụ thể đang được các xã thống kê.

Hồ thủy lợi Cò Lá chưa tích nước mặc dù đã xây dựng xong để ưu tiên nước cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hải Đăng.

Hồ thủy lợi Cò Lá chưa tích nước mặc dù đã xây dựng xong để ưu tiên nước cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hải Đăng.

Giải pháp của huyện là phối hợp Công ty TNHH Một thành viên Quản lý thủy nông Lai Châu làm việc với thủy điện Chu Va 2 và thủy điện Nậm Thi trên địa bàn để ưu tiên nước cho sản xuất. Cơ bản các đơn vị này đã thực hiện đúng cam kết phối hợp giữa các bên. Đặc biệt, thời điểm này thủy điện không tích nước, ưu tiên nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Đối với hơn 2.000ha lúa vụ mùa năm 2023 trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Hồng Sơn đánh giá khả năng không lo thiếu nước canh tác, vì từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa mưa, không sợ thiếu nước như đầu vụ đông xuân hàng năm.

Tuy nhiên, để cây lúa vụ mùa sinh trưởng và phát triển tốt trong giai đoạn mới bén rễ, bà con cần lưu ý khâu chăm sóc lúa, dặm tỉa, bón phân kịp thời để lúa đẻ nhánh, tăng cường sức đề kháng phòng các loại sâu bệnh gây hại…

Huyện Tam Đường đã xây dựng xong công trình hồ thủy lợi Cò Lá, tuy nhiên hồ này hiện vẫn chưa hoạt động. Công ty TNHH Một thành viên Thanh Tuyền là đơn vị thi công công trình hồ thủy lợi này, đến ngày 30/3/2023, công trình đã hoàn thành song do ưu tiên cấp nước cho cánh đồng Bình Lư nên chưa thực hiện tích nước vào hồ.

Được biết, công trình hồ Cò Lá có 2 công năng, vừa là hồ thủy lợi vừa là hồ điều hòa cho thị trấn Tam Đường với tổng dự toán 30 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp khoảng 14 tỷ đồng, còn lại là phần đền bù cho các hộ dân trong diện di dời khi xây dựng hồ.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.