| Hotline: 0983.970.780

Hàng chục ha rừng ngập mặn bị 'xóa sổ'

Thứ Sáu 15/07/2022 , 16:38 (GMT+7)

HÀ TĨNH Hơn 43/104 ha rừng mắm phòng hộ ven biển ở Hà Tĩnh bị chết khô. Diện tích rừng bị chết ngày càng tăng. Qua 2 tháng điều tra, hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân.

Diện tích bị chết liên tục gia tăng

Trung tuần tháng 5/2022, tại lô 1, khoảnh 1, tiểu khu 358B (thuộc thôn Tây Hà, Bắc Hà, xã Kỳ Hà, Thị xã Kỳ Anh) bắt đầu xuất hiện hiện tượng cây mắm biển trong rừng ngập mặn bị chết.

Hàng chục ha rừng phòng hộ ven biển Thị xã Kỳ Anh chết đồng loạt chưa rõ nguyên nhân. Ảnh: Thanh Nga.

Hàng chục ha rừng phòng hộ ven biển Thị xã Kỳ Anh chết đồng loạt chưa rõ nguyên nhân. Ảnh: Thanh Nga.

Khu rừng này trung bình tuổi đời trên dưới 30 năm, với chiều cao bình quân từ 1m, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chắn gió bão bảo vệ hàng trăm hộ dân ven biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tuyến đê biển bên trong rừng.

Theo người dân thôn Tây Hà, ban đầu cây chết rải rác, sau đó rụng lá, chết khô cả khu vực rộng lớn. Hiện tổng diện tích thiệt hại đã lên đến 43/104 ha; trong đó hơn 25ha (chiếm 60%) diện tích cây rừng chết không có khả năng phục hồi; hơn 17ha rừng còn lại có cây đang sống.

“Cây rừng chết làm cho nguồn lợi thủy sản sống dưới tán rừng không còn nơi trú ngụ. Tuyến đê biển phía trong rừng cũng có nguy cơ bị uy hiếp trước mùa mưa bão, người dân và cơ quan chức năng đang rất sốt ruột”, ông Nguyễn Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Kỳ Anh nói.

Diện tích rừng này có tuổi đời trên dưới 30 năm và có vai trò rất quan trọng trong việc chắn gió bão, bảo vệ đê điều. Ảnh: Thanh Nga.

Diện tích rừng này có tuổi đời trên dưới 30 năm và có vai trò rất quan trọng trong việc chắn gió bão, bảo vệ đê điều. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ông Chung, Thị xã đang rất mong các chuyên gia đầu ngành vào cuộc để tìm ra nguyên nhân cây chết. Khi xác định được nguyên nhân, việc thực hiện phương án cải tạo, trồng lại diện tích thay thế mới đạt được kết quả bền vững.

“Để trồng mới được rừng ngập mặn rất khó khăn và mất nhiều thời gian, kinh phí. Theo tính toán sơ bộ, phải mất khoảng 5 năm với kinh phí 350 triệu đồng để trồng và chăm sóc thành công 1ha rừng ngập mặn phát triển, phát huy được tác dụng phòng hộ”, một cán bộ Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh chia sẻ.

Loại trừ nguyên nhân do sâu bệnh hại

Những ngày này, thời tiết ở Hà Tĩnh mưa nắng phập phù nhưng đoàn liên ngành từ Thị xã Kỳ Anh đến tỉnh vẫn miệt mài quan sát, điều tra nguyên nhân rừng mắm bị chết, song sau hơn 2 tháng vẫn chưa “bắt được bệnh”.

Theo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, qua kiểm tra, ngành chuyên môn không phát hiện giáp xác, sâu đục thân, hà bám vào thân cây nên loại trừ nguyên nhân do các đối tượng sinh vật gây hại. Còn chính xác cây chết do đâu thì chưa có câu trả lời.

Để ngăn chặn việc 'xóa sổ' cả khu rừng hơn 100ha, các chuyên gia đầu ngành về lâm nghiệp cần sớm vào cuộc xác định nguyên nhân cây chết. Ảnh: Thanh Nga.

Để ngăn chặn việc "xóa sổ" cả khu rừng hơn 100ha, các chuyên gia đầu ngành về lâm nghiệp cần sớm vào cuộc xác định nguyên nhân cây chết. Ảnh: Thanh Nga.

“Hiện chúng tôi đã chỉ đạo xã Kỳ Hà và Hạt Kiểm lâm Thị xã bảo vệ nghiêm ngặt, giữ nguyên hiện trạng diện tích rừng thiệt hại để chờ chuyên gia về kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân. Việc cần thiết hiện nay là tìm hiểu rõ nguyên nhân cây rừng bị chết, từ đó đánh giá lại thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước để tìm kiếm cây trồng phù hợp thay thế diện tích rừng đã bị chết”, lãnh đạo Sở NN-PTNT thông tin.

Được biết, trước đó Sở NN-PTNT đã đề nghị UBND tỉnh mời các cơ quan đầu ngành về rừng ở trung ương và các đơn vị liên quan vào cuộc để xác định nguyên nhân rừng ngập mặn bị chết.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.