| Hotline: 0983.970.780

Hàng loạt sai phạm tại các dự án thủy điện tại Kon Tum

Thứ Tư 09/03/2022 , 10:50 (GMT+7)

Thanh tra Chính phủ đã kết luận hàng loạt sai phạm phạm tại các dự án thủy điện ở Kon Tum, gây thất thoát hàng chục tỷ đồng.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra về việc thực hiện pháp luật quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, đầu tư xây dựng, thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Thủy điện Đăk Re đổ thải lên đất của người dân.

Thủy điện Đăk Re đổ thải lên đất của người dân.

Thủy điện đổ hàng trăm tấn thải trên đất rừng và đất của dân

Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm đối với Dự án Thủy điện Đăk Re (nằm trên địa bàn thôn 1, thôn 2 và thôn Kon Plinh, xã Hiếu, huyện Kon Plông), chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thủy điện Thiên Tân. Cụ thể, Dự án Thủy điện Đăk Re thi công trong vòng 12 năm, xảy ra nhiều sai phạm, buộc phải nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ hơn 21 tỷ đồng.

Liên quan đến dự án thủy điện này, trước đó Báo Nông Nghiệp Việt Nam đã đưa tin, thủy điện Đăk Re trong quá trình xây dựng đã gây thiệt hại trên 10 ha đất sản xuất của 73 hộ dân trên địa bàn xã Hiếu. Trong đó, diện tích đất bị thiệt hại phần lớn do sạt lở, đất đá vùi lấp hoàn toàn, không thể sản xuất.

Thủy điện Đăk Re có công suất 60MW, xây dựng tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. Tổng mức đầu tư dự án hơn 3.000 tỷ đồng. Trong đó, công trình đầu mối xây dựng ở huyện Ba Tơ, Quãng Ngãi. Tại Kon Tum, dự án triển khai xây dựng tại xã Hiếu, huyện Kon Plông từ năm 2016 với các hạng mục như các hồ chứa, đập chính, kênh thông hồ, đường công vụ.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tại giấy chứng nhận đầu tư lần đầu, Thuỷ điện Đăk Re có công suất 30MW, tiến độ thực hiện từ năm 2007 – 2010. Tuy nhiên sau đó dự án phải điều chỉnh tiến độ đến 4 lần với tổng thời gian điều chỉnh là 10 năm và thực tế dự án đã thực hiện trong 12 năm. Đến nay, thuỷ điện này vẫn dở dang nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum không theo dõi, buông lỏng quản lý, giám sát đầu tư đối với dự án.

Tại thời điểm thanh tra, dự án chậm tiến độ, đủ điều kiện thu hồi tiền ký quỹ, nhưng cơ quan chức năng không thu hồi tiền ký quỹ là thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng văn bản của UBND tỉnh Kon Tum. Thanh tra Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư nộp về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng.

Mặt khác, theo Giấy chứng nhận đầu tư, diện tích sử dụng đất là 175,045ha (Kon Tum 146,19ha, Quảng Ngãi 28,855ha), đến ngày 11/11/2019 UBND tỉnh Kon Tum giao đất, cho thuê đất 171,61ha (tăng 25,42ha so với Giấy chứng nhận đầu tư) là việc làm tùy tiện, vi phạm khoản Điều 52 Luật Đất đai 2013, có dấu hiệu hợp thức hóa cho việc cho thuê đất vượt nhu cầu của dự án.

Khi điều chỉnh quy mô (30MW lên 60MW), diện tích dự án (175,045ha lên 192,155ha), chủ đầu tư dự án Thuỷ điện Đăk Re không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý là vi phạm. Đặc biệt, khi thi công kênh thông hồ, thuỷ điện này đã trực tiếp đỗ thải tại 2 vị trí thuộc thôn 1 xã Hiếu không đúng quy định (vị trí đổ thải là đất rừng và đất nương rẫy của các hộ dân), với khối lượng tạm tính khoảng 110.513 tấn. Thanh tra Chính phủ kiến nghị, hành vi vi phạm của chủ đầu tư thuỷ điện Đăk Re cần phải được UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo xác định khối lượng chính xác, xử phạt hành chính, trả lại trạng thái ban đầu.

Ngoài ra, quá trình thực hiện dự án chủ đầu tư còn có một số vi phạm như: chiếm dụng đất trái phép để thi công: đường dây điện 22 KV từ nhà máy tới đập trên đất rừng, khoảng 147 móng trụ (4m3/01 móng) khi chưa được cho thuê đất và cấp phép xây dựng; công trình ngầm chưa được cho thuê đất; chiếm dụng đất làm bãi trữ đã số 1, 2 và thi công ống dẫn nước từ vị trí lòng hồ 3 để dâng nước về kênh thông hồ.

Thủy điện Thượng Kon Tum để xảy ra rất nhiều sai phạm. 

Thủy điện Thượng Kon Tum để xảy ra rất nhiều sai phạm. 

Thủy điện chiếm dụng đất sai quy định

Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, tại Dự án thuỷ điện Thượng Kon Tum do Công ty Cổ phần thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh làm chủ đầu tư (xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy), UBND tỉnh không yêu cầu chủ đầu tư lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thay đổi địa điểm thực hiện dự án, tăng diện tích đất đã chiếm dụng trước đó 109,05 ha là trái quy định.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kon Tum không thực hiện thu hồi đất đã giao khi hết thời hạn giao đất (đất đường dây 35KV, đất giao thông...), không yêu cầu Công ty thực hiện nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển mục đích đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp diện tích 48,225 ha… là trái quy định, gây thất thu ngân sách Nhà nước số tiền hơn 4.6 tỷ đồng, cần phải thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ.

Ngoài ra, Công ty chưa được UBND tỉnh ban hành quyết định cho thuê đất để xây dựng công trình ngầm là tuyến năng lượng (đường hầm dẫn nước) và khu vực nhà máy (nhà máy xây dựng trong lòng đất) nhưng đã thực hiện triển khai xây dựng từ năm 2015 là hành vi chiếm đất bị nghiêm cấm, nhưng cơ quan chức năng của tỉnh đã buông lỏng quản lý.

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án với 2 khu vực làm bãi trữ và bãi thải có diện tích 60 ha. Tuy nhiên, UBND tỉnh chưa có quyết định cho Công ty thuê đất để làm, nhưng trong quá trình thực hiện thi công.  

Cụ thể, Công ty đã tự ý đổ đất, đá thải (hàng triệu m3) tại 2 vị trí nằm trong diện tích đất đã được cho thuê (không phải là đất được bố trí để làm bãi thải) và 1 vị trí đổ thải ngoài diện tích đất đã được cho thuê là trái quy định.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu phải được xử lý theo đúng quy định, Chủ đầu tư phải khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng sử dụng đất đúng mục đích như ban đầu. Nếu không khắc phục được hậu quả, Thanh tra Chính phủ sẽ chuyển cơ quan điều tra xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

    Tags:
Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm